Học bổng không ngừng cấp giữa chừng, quy trình xét duyệt chất lượng và được cấp tại những trường hàng đầu Trung Quốc.

Khi nhận được học bổng CSC, sinh viên sẽ được miễn phí 100% học phí, phí đăng kí, giáo trình học tập, phí thực tập, bảo vệ luận văn; miễn phí 100% phí nhà ở; được nhận bảo hiểm y tế cho toàn bộ khóa học tại Trung Quốc. Đặc biệt, sinh viên còn nhận được chi phí sinh hoạt từ 2.500 NDT đến 3.500 NDT (tùy chương trình học) và được tham gia các hoạt động ngoại khóa/du lịch miễn phí cùng nhà trường. 

Tuy nhiên, để nhận được học bổng CSC không phải là điều dễ dàng. Thông thường học sinh cần sự trợ giúp từ các trung tâm tư vấn du học mới có thể "apply" thành công vì các bạn chưa hề có kinh nghiệm. Mới đây, chị Phạm Thị Kim Liên, 33 tuổi, Hà Nội, hiện đang phụ trách một công ty du học Trung Quốc đã đưa ra hướng dẫn học sinh cách tự "apply" học bổng CSC với chi phí 0 đồng. 

Chị Kim Liên có 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tư vấn du học tại Trung Quốc. Chị đã hỗ trợ thành công khoảng 1500 học sinh và 8000 lượt học sinh tham gia thực hiện online trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Trong đó, học bổng CSC chiếm tới 50%, còn lại là các loại học bổng khác. Với mong muốn học sinh Việt Nam được tiếp cận với chương trình học bổng tốt nhất với mức hỗ trợ tối đa, chị Kim Liên đã đưa ra 6 bước giúp học sinh hoàn toàn có thể tự thực hiện "apply" CSC mà không cần qua trung tâm tư vấn.

Chuyên gia chia sẻ 6 bước tự "apply" học bổng Chính phủ Trung Quốc - Ảnh 1.

Chân dung chị Phan Thị Kim Liên.

BƯỚC 1: TÌM HIỂU TRƯỜNG NGÀNH MÌNH MUỐN THEO 

Ngay từ đầu, các bạn cần tham khảo ít nhất 3 - 5 trường. Bước này thật sự rất quan trọng vì nó quyết định cả con đường làm thủ tục cũng như "apply" phía trước. Nó cũng quyết định sự thành công trong việc chinh phục học bổng CSC. Các bạn nên tham khảo ngành học tại baidu.com (áp dụng đối với các bạn biết tiếng Trung, nếu không biết có thể dùng google dịch sang tiếng Anh. Tuyệt đối không dùng tiếng Việt).

Các bạn nên tìm trường có ngành đào tạo bản thân yêu thích và chuyên ngành đó được nhiều người đánh giá tốt. Chẳng hạn, các chuyên ngành thuộc Đại học ở Trung Quốc phân ra nhóm ngành cấp 1, nhóm ngành thuộc top thế giới, nhóm ngành trọng điểm của Bộ, nhóm ngành đặc biệt, nhóm ngành trọng điểm cấp tỉnh,… Vì vậy, các bạn cần đặc biệt lưu ý khi chọn lựa. 

Bên cạnh đó, hãy chú ý dự án ngành hàng năm của các trường. Khi tìm ngành trong trường, hãy kiểm tra năm nay ngành này có được CSC không. Để check (kiểm tra) thông tin, bạn có thể truy cập vào website, gọi điện hoặc gửi mail (thư điện tử) đến nhà trường.  

Chuyên gia chia sẻ 6 bước tự "apply" học bổng Chính phủ Trung Quốc - Ảnh 2.

Chị Kim Liên từng là du học sinh thuộc trường ĐH Phúc Đán (Trung Quốc).

BƯỚC 2: CHUẨN BỊ HỒ SƠ 

- Bằng tốt nghiệp hoặc giấy xác nhận đang học tại trường: Với học sinh đã tốt nghiệp, cần chuẩn bị bằng tốt nghiệp đã dịch thuật sang tiếng Trung hoặc tiếng Anh và công chứng. Mình thấy các bạn nên dịch tiếng Anh là chuẩn nhất. Nếu bạn có bằng Đại học chương trình song ngữ thì có thể không cần dịch thuật, công chứng. Với học sinh chuẩn bị tốt nghiệp cần xin giấy xác nhận đang học tại trường theo mẫu hoặc có thể tham khảo trên mạng theo từ khóa "Mẫu xác nhận sinh viên, học sinh/Mẫu xác nhận tốt nghiệp,...". 

- Bảng điểm hoặc học bạ: Đối với thạc sĩ, bảng điểm và học bạ cần dịch thuật sang tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Sau khi dịch thuật, bạn cần tiến hành công chứng tại phòng công chứng hoặc Sở Tư pháp. Bạn nào có bảng điểm Đại học song ngữ thì không cần dịch thuật công chứng. Đối với hệ đại học cũng thực hiện thao tác như trên. Lưu ý, những bạn đang học lớp 12 nên đợi có điểm tổng kết kỳ 1 của lớp 12 mới bắt đầu dịch thuật công chứng học bạ.

- Hộ chiếu: Hộ chiếu bản gốc yêu cầu còn hạn ít nhất 6 tháng. Nhưng mình khuyên trước khi đi du học nếu hộ chiếu bạn nào còn hạn 1 năm thì làm lại hộ chiếu mới để tránh phiền phức trong quá trình đi học. Hộ chiếu scan màu để nộp lên hệ thống trường hay "apply" học bổng, không cần dịch thuật, công chứng. Nhà trường không chấp nhận bản tải lên hệ thống là bản chụp hay scan từ bản photo. Khi gửi hồ sơ tới trường, hộ chiếu photo cũng cần công chứng dấu đỏ. 

- Ảnh: Ảnh 4x6 nền trắng, bạn nên mặc áo trắng hoặc vest đen. Bạn cần chuẩn bị 8 cái ảnh in sẵn và chuẩn bị 1 bản điện tử để làm hồ sơ trên hệ thống.

- Giấy khám sức khỏe: Giấy khám sức khoẻ theo bản mẫu du học Trung Quốc. Học sinh tại Hà Nội khám tại: Phòng khám đa khoa Đại học Y tế công cộng hoặc bệnh viện Tràng An. Học sinh các tỉnh khám tại bệnh viện tỉnh và yêu cầu bệnh viện sau khi khám xong sao lưu sang mẫu giấy khám sức khoẻ của Trung Quốc. 

- Xác nhận dân sự/lý lịch tư pháp: Giấy này có thể xin tại trụ sử Công an cấp phường/xã. Theo kinh nghiệm của mình, ở Hà Nội và Hải Phòng bắt buộc làm lý lịch tư pháp trên Sở Tư pháp. Còn các tỉnh thành khác có thể xin tại Công an phường/xã được. Sau đó, giấy cần đóng dấu đỏ. Bạn nào xin lý lịch tư pháp thì lên Sở Tư pháp tại tỉnh để xin phiếu lý lịch tư pháp số 1 dành cho du học. 

- Kế hoạch học tập/kế hoạch nghiên cứu: Học sinh cần có sự chuẩn bị kế hoạch bằng tiếng Việt về nội dung cơ bản: Thông tin cá nhân, điểm mạnh và điểm yếu cũng như thông tin quá trình học tập. Viết kế hoạch học tập hay kế hoạch nghiên cứu như thế nào tùy mỗi bạn muốn xin trường nào, ngành gì. 

- Thư giới thiệu: Thư giới thiệu viết bằng tiếng Anh, tiếng Trung. Thư giới thiệu với hệ thạc sĩ thì người giới thiệu phải có trình độ tiến sĩ (chỉ chấp nhận tiến sĩ nếu là Phó khoa, Trưởng khoa trở lên), Giáo sư, Phó Giáo sư trở lên. Với hệ Đại học chỉ cần giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn, nếu có thể hiệu trưởng/hiệu phó càng tốt. Thư giới thiệu không cần đóng dấu đỏ. Ngoài ra, một số bạn thi HSK tại các trường Đại học ở Trung Quốc trong thời gian dịch COVID-19 có thể e-mail cho trường để được hỗ trợ cung cấp thư giới thiệu. 

- Chứng chỉ ngoại ngữ HSK/IELTS/TOEFL: Các chứng chỉ nếu có scan màu, rõ ràng, đầy đủ. Bạn nào không có bản gốc thì lấy bản pdf dịch thuật công chứng sao y bản gốc (thường các văn phòng công chứng sẽ làm). Chứ nếu tự công chứng ở phường/xã hay Sở Tư pháp thì phải có bản gốc mới làm được. 

- Giấy khen, giấy chứng nhận tham gia hoạt động ngoại khóa: Tất cả giấy khen và các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa, bằng tiếng Việt cần dịch thuật, công chứng, đóng dấu đỏ. Nếu giấy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung, bạn không cần dịch thuật công chứng. Ngoài ra, bạn cần scan màu, tạo thành một file pdf tất cả các giấy khen.

Mình xin lưu ý: Tất cả giấy tờ scan chứ không nên chụp bằng điện thoại. Xin đừng chụp ảnh rồi đem đi dịch thuật, công chứng bởi khi in ra sẽ nhìn không đẹp. 

Chi phí làm một bộ hồ sơ:

- Dịch thuật công chứng bằng và bảng điểm mỗi trang tầm 65.000 VNĐ. Như vậy, trung bình 1 bộ hồ sơ mất khoảng 350.000 – 700.000 VNĐ dịch thuật, công chứng tiếng Anh (cơ sở làm số lượng lớn). Đối với học sinh dịch lẻ có thể phải trả 800.000 – 1.000.000 VNĐ.

- Khám sức khỏe: 650.000 – 2.000.000 VNĐ tùy tỉnh thành và bệnh viện.

- Chụp ảnh: Khoảng 100.000 VNĐ.

- Làm hộ chiếu: Quy định của Nhà nước là 250.000 VNĐ.

- Thi HSK/IELTS : Các bạn tự tính cho mình.

- Chi phí di chuyển để làm giấy tờ: 2.000.000 – 3.000.000 VNĐ.

- Chi phí phát sinh: Dưới 1.000.000 VNĐ.

- Phí báo danh, phí gửi hồ sơ: 1.000.000 – 10.000.000 VNĐ.

Chuyên gia chia sẻ 6 bước tự "apply" học bổng Chính phủ Trung Quốc - Ảnh 4.

BƯỚC 3: APPLY TRÊN HỆ THỐNG CSC VÀ HỆ THỐNG TRƯỜNG. 

Hệ thống CSC link: 

Đầu tiên, bạn cần tạo tài khoản theo các bước. Sau khi đăng nhập, bạn điền đẩy đủ thông tin chính xác và chọn trường, chọn ngành theo mã trường (mã của trường check trên văn bản chiêu sinh của trường hoặc có thể tại baidu.com, search từ khóa: 学校+代码). Về cơ bản, 80% các trường đều yêu cầu "apply" hồ sơ lên hệ thống để tiện cho việc quản lý học sinh.

Tiếp theo, bạn vào website của trường, đi đến mục "chiêu sinh" rồi chọn "chiêu sinh quốc tế" hoặc một số trường đi thẳng đến "Học viện Quốc tế" để tìm các mục "chiêu sinh du học sinh". Sau khi đọc toàn bộ văn bản chiêu sinh sẽ có hướng dẫn nộp hồ sơ theo đường link nhà trường cung cấp. Khi vào phần đó sẽ có đầy đủ thông tin học bổng, chuyên ngành mà loại học bổng đó cấp.

Sau đó, bạn cần tìm phần "apply" hồ sơ của trường và tiến hành các bước như trên hệ thống CSC. Sau khi hoàn thành, bạn in màu tờ "apply" này để ký tên kèm theo hồ sơ. Đối với bước này, các bạn đặc biệt chú ý đến thông tin cá nhân, gia đình, địa chỉ e-mail, địa chỉ nhận giấy báo và số điện thoại. 

BƯỚC 4: PHỎNG VẤN 

Phỏng vấn và thi đầu vào mỗi trường mỗi khác, cá nhân mình thấy tất cả phần giới thiệu bản thân đều giống nhau, còn lại không giống nhau. Ngoài ra, vòng phỏng vấn còn tùy thuộc vào giáo sư hay thầy cô đặt câu hỏi phù hợp với chuyên ngành muốn xin.

Ngoài ra một số trường rank (xếp hạng) cao sẽ tổ chức thi đầu vào với hệ Đại học gồm ba môn: Toán, tiếng Anh, tiếng Trung. Cá nhân mình nhận định bạn nào xác định xin các trường rank cao nên có sự chuẩn bị thật kĩ lưỡng ở các môn thi trên.

Chuyên gia chia sẻ 6 bước tự "apply" học bổng Chính phủ Trung Quốc - Ảnh 5.

BƯỚC 5: GỬI HỒ SƠ 

Đến bước này các bạn cần sắp xếp hồ sơ theo đúng thứ tự : Bản "apply" CSC, "apply" trường, hộ chiếu, bằng tốt nghiệp, học bạ, chứng chỉ HSK hoặc IELTS, giấy khám sức khoẻ, kế hoạch học tập, thư giới thiệu, giấy khen,… Mỗi trường làm 2 bộ hồ sơ: 1 bộ có dấu đỏ, công chứng, dịch thuật; 1 bộ photo. 

Sau đó, bạn cần liên lạc với bên chuyển phát. Mình hay chuyển newpost, DHL hoặc shunfeng. Mình thấy DHL đắt hơn một chút nhưng ổn định hơn, newpost thì rẻ nhưng khó theo dõi. Sau khi gửi hồ sơ đi 3 - 5 ngày, bạn nên liên lạc với công ty vận chuyện để xác nhận hồ sơ đã tới trường chưa hoặc kiểm tra trên hệ thống. Nếu bạn thấy báo phát hàng thành công thì hãy nhắn cho cô giáo tuyển sinh hoặc gửi e-mail cho trường để xác nhận.

BƯỚC 6: ĐỢI KẾT QUẢ 

Bạn chỉ cần đợi thông báo kết quả. Trong quá trình này, bạn có thể gửi e-mail để chủ động biết kết quả sớm hơn. Hãy chú ý thường xuyên cật nhật e-mail.