Tối 10/1, Sở Y tế Hà Nội công bố từ 18h ngày 11/1 đến 18h ngày 12/1, Hà Nội ghi nhận 2.948 ca bệnh Covid-19, với 670 F0 cộng đồng. Đây là ngày Hà Nội ghi nhận ca mắc mới trong ngày cao nhất từ khi có dịch.
Đã đến lúc Hà Nội nên mở cửa cửa hàng ở "vùng cam" để kinh doanh, đóng cửa mãi sao được
Hàng tuần, UBND Hà Nội ra thông báo về cấp độ dịch. Các quận, huyện, thị xã sẽ dựa vào cấp độ dịch trên địa bàn để điều chỉnh các biện pháp hành chính phòng, chống dịch. Trong đó, người dân đặc biệt quan tâm đến việc dừng hoặc cho phép nhà hàng, quán ăn phục vụ tại chỗ.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng phương án dừng tại những khu vực này liệu có còn khả quan, hiệu quả? Đến lúc Hà Nội nên dừng cấm hoạt động bán ăn uống tại chỗ tại quận, huyện "vùng cam" chưa?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay phải để các hộ kinh doanh mở cửa hoạt động, không thể đóng cửa mãi được.
"Tôi cho rằng việc dừng cấm hoạt động bán ăn uống tại chỗ tại quận, huyện "vùng cam" như hiện này không có tác dụng gì bởi chỉ cách nhau vài bước chân ở quận, huyện này hàng quán hoạt động sôi động bên kia vùng cam hàng quán sẽ phải dừng phục vụ tại chỗ.
Điều quan trọng nhất cần làm đó là làm sao các hàng quán được phép mở cửa nhưng phải đảm bảo điều kiện an toàn, đặc biệt việc đeo khẩu trang, giãn cách. Cùng với đó nên có quy định kiểm soát bằng việc ai đã tiêm đủ liều vaccine được vào hàng quán, ai chưa tiêm thì tạm dừng đón tiếp", ông Nhung nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, điều tiên quyết trong phòng chống dịch mang lại hiệu quả đó là ý thức chủ động của người dân, tính chủ động của các xã, phường.
"Phường phải có năng lực kiềm chế số ca mắc mới, khuyến khích người dân khai báo, hỗ trợ người dân ở nhà, nếu không có điều kiện đến trạm y tế lưu động để đảm bảo điều kiện cách ly.
Chính quyền xã, phường biết chăm sóc người bị nhiễm Covid-19, xác định người có nguy cơ bị lây, hướng dẫn để người dân chủ động xét nghiệm, chỉ cần nguy cơ tự mình cách ly, đeo khẩu trang thật tốt thì đó là cách phòng chống dịch bệnh lây lan rất tốt.
Cùng với đó chính quyền các xã, phường phải có năng lực về vaccine, hướng dẫn, những trường hợp từ chối tiêm thuyết phục họ. Bên cạnh đó liên hệ một số bệnh viện trung ương để người dân tin tưởng đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine.
Đã đến lúc Hà Nội nên mở cửa cửa hàng tại những khu vực vùng cam để kinh doanh, đóng cửa mãi sao được", ông Nhung cho hay.
Càng cấm thì người dân càng mở chui
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, Hà Nội nên thay đổi cách chống dịch. Thành phố không thể đi theo cách phòng chống dịch như vậy vì càng cấm thì người dân càng mở chui.
"Cấm ăn uống ở hàng quán thì người dân ăn uống, tụ tập ở nhà. Điều đó sẽ càng nguy hiểm hơn. Quan trọng nhất của việc ngăn chặn virus xâm nhập là thực hiện giãn cách chứ không phải cứ cấm mãi gây bức xúc cho người dân", ông Hùng nêu.
Ông Hùng cũng cho rằng, nếu kéo dài việc cấm các cơ sở kinh doanh đồ ăn uống bán hàng tại chỗ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân sinh. Người dân cần phải kiếm sống, cần phải kinh doanh và nhu cầu ăn uống là nhu cầu thiết yếu.
"Nếu cứ cấm các cơ sở kinh doanh đồ ăn, uống bán hàng tại chỗ sẽ đồng nghĩa với tỷ lệ rất lớn các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Như vậy Hà Nội không đạt được mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.
Thay vào đó, thành phố nên tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia vào chống dịch, để người dân có thói quen phòng ngừa, chứ không phải cấm để người ta tìm cách chống đối. Quan trọng là phòng ngừa hành vi cá nhân chứ không nên áp dụng phương pháp hành chính", ông Hùng bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng chỉ ra rằng, Hà Nội chưa thích ứng tốt với công tác phòng dịch. Căn bản nhất không phải là vấn đề số ca mắc bao nhiêu mà phải là lo cho người bị bệnh tốt như thế nào, cứu chữa họ thế nào để giảm tỷ lệ tử vong và người dân bớt lo lắng về tình trạng chữa trị nếu không may nhiễm.
"Hà Nội vẫn tổ chức cho người dân đi cách ly tại các trạm y tế quá nhiều. Điều này vô lý và gây bức xúc rất lớn cho người dân, vì điều đó làm đảo lộn cuộc sống của họ. Quan trọng hơn, chúng ta cần phải biết rằng 2/3 số ca nhiễm là do lây chéo ở trong các khu cách ly", ông Hùng phân tích.