"Tôi cho rằng luận án tiến sĩ phát triển môn cầu lông không sửa được vì nội dung không xứng tầm, phải giao đề tài khác", PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói. Theo kết quả thẩm định luận án tiến sĩ phát triển môn cầu lông công bố trước đó, 2/3 chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung của luận án, chuyên gia còn lại yêu cầu nghiên cứu sinh làm lại và bảo vệ lại.

Ông Dững còn cho rằng cần xử lý hội hồng bảo vệ luận án các cấp trong vụ việc này, mà ở đây chủ yếu là do hội đồng khoa học tư vấn, nghiệm thu đánh giá luận án tiến sĩ. Cùng với đó, việc hậu kiểm để đánh giá các luận án tiến sĩ phải thực hiện nghiêm túc và đặc biệt cần phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Chuyên gia đề xuất huỷ kết quả nghiên cứu luận án tiến sĩ môn cầu lông - Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên tăng cường hậu kiểm việc tổ chức đào tạo tiến sĩ. "Theo quy định hiện nay, hậu kiểm thẩm định lại 20% luận án đã bảo vệ, cấp bằng nhưng tôi nghĩ, cần thẩm định hậu kiểm luận án tiến sĩ trên 50%. Sau khi được hội đồng tư vấn và cơ sở đào tạo quyết định, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, chứ không chỉ để báo cáo hành chính.

Tuy nhiên thực tế việc hậu kiểm này chưa làm đến nơi đến chốn, chưa triệt để và cách giải quyết cũng nửa vời. Có luận án qua hậu kiểm bị hủy, thu hồi bằng tiến sĩ, nhưng chủ tịch hội đồng, các phản biện và thành viên không hề bị xử lý, họ vẫn tiếp tục làm chủ tịch hội đồng và phản biện các luận án khác", ông Dững nói.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Lan, Đại học Sư phạm TP.HCM đặt câu hỏi "tại sao luận án tiến sĩ kém chất lượng như vậy lại lọt qua hội đồng bảo vệ của Viện khoa học Thể dục thể thao và sai phạm này xử lý thế nào?".

Bà Lan nhấn mạnh trách nhiệm lớn nhất thuộc về Viện Khoa học Thể dục thể thao. "Nếu không có sự 'tiếp tay' của lãnh đạo Viện và Hội đồng khoa học thì những luận án như vậy sẽ không được thông qua. Từ khâu duyệt đề tài đã có vấn đề. Bộ GD&ĐT cần nghiêm khắc kiểm điểm đơn vị, hội đồng bảo vệ luận án", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Về băn khoăn có nên huỷ bỏ kết quả công nhận luận án tiến sĩ này, bà Lan cho rằng, đề tài chỉ ở mức khoá luận tốt nghiệp đại học, chưa đủ hàm lượng khoa học để đạt đến trình độ thạc sĩ. "Nên huỷ kết quả công nhận luận án. Xử lý thẳng tay như vậy mới ngăn được những luận án nhân bản kiểu copy - paste sau này", bà Lan đề nghị.

"Chúng ta càng làm dứt khoát thì nền khoa học nước nhà mới mong liêm chính thực sự. Mỗi khi xuất hiện luận án tiến sĩ nào đó bị dư luận vạch trần vì kém chất lượng, những người làm khoa học thực thụ như chúng tôi lại thấy đau lòng và xấu hổ vì môi trường học thuật bị vấy bẩn", bà Lan nói thêm.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nêu quan điểm, luận án này không thể sửa, nên tính đến phương án huỷ kết quả nghiên cứu và huỷ công nhận tiến sĩ với nghiên cứu sinh này.

GS Trung cho rằng, ngoài luận án về cầu lông thì còn vô vàn những luận án như vậy được thông qua từ nhiều năm nay. Ngay tại cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thể dục thể thao cũng có thể tìm thấy những luận án tương tự, chắc chắn khi "khui" ra đều sẽ gây xôn xao dư luận và không đạt về mặt chất lượng.

GS Trung cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần tìm ra nguyên nhân tại sao có những luận án như vậy để sửa quy trình đào tạo tiến sĩ, thay vì hậu kiểm một vài luận án. "Sẽ tiếp tục xuất hiện những luận án tương tự luận án cầu lông nếu không có tiêu chuẩn cứng cho nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và cơ sở giáo dục, nhằm đảm bảo chất lượng luận án tiến sĩ theo thông lệ quốc tế", ông nói.

Luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thuộc chuyên ngành Giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh bảo vệ luận án thành công cấp viện ngày 19/1/2022.