Nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 mang tâm lý lo lắng
Tại Hà Nội những ngày qua liên tục ghi nhận số ca mắc đứng đầu cả nước, luôn ở mức trên 3.000 ca mỗi ngày. Trước bối cảnh này, nhiều người lo ngại có thể đối diện những di chứng nặng nề hậu Covid-19.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Chu Thị Quỳnh Thơ, Quyền Trưởng Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hàng ngày vẫn có nhiều bệnh nhân sau Covid-19 đến để phục hồi chức năng hô hấp.
"Có một vài trường hợp bệnh nhân sau khi nhiễm Covid-19 bị ho mãn tính, ho kéo dài. Họ cảm thấy rất khó chịu, bị ảnh hưởng đến sinh hoạt từ miếng ăn, giấc ngủ tạo thành vòng xoắn rối loạn về tâm lý. Người bệnh lo lắng, lúc nào cũng nghĩ mình bị tổn thương gì đó khiến họ ho như vậy", bác sĩ Thơ chia sẻ.
Theo bác sĩ Thơ, ngoài ra, triệu chứng khó thở cũng hay gặp ở một số bệnh nhân hậu Covid-19. Họ cảm thấy thở hụt hơi, khó thở khi gắng sức khiến người bệnh không muốn quay trở lại với công việc trước đây.
Có người sợ đi bộ xa sẽ bị mệt hoặc bị gì đó, không thể nào trở lại sinh hoạt bình thường. Rõ ràng như vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống hằng ngày rất nhiều.
Quyền Trưởng Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đối với trường hợp biến chứng hậu Covid-19 như trên, các bác sĩ sẽ cần kết hợp nhiều yếu tố trong quá trình điều trị, trong đó có cả phần can thiệp về tâm lý cho bệnh nhân.
"Ngoài vấn đề tâm lý chúng tôi có nhiều biện pháp để hỗ trợ, tăng cường khả năng thích nghi của người bệnh. Tăng cường khả năng dung nạp, lấy lại các hoạt động gắng sức. Sau Covid-19, một số vấn đề liên quan đến chức năng phổi sẽ bị hạn chế.
Ngoài bài tập thở sẽ có những bài tập thể lực gắn với tập thở giúp cho người bệnh dễ dung nạp hơn với cả cường độ vận động cao hơn một chút chứ cũng vì suốt ngày nghĩ không làm được, tâm lý trạng thái cần được nghỉ ngơi… Đó là hai đối tượng chúng tôi hay gặp nhất hậu Covid-19", bác sĩ Thơ nhấn mạnh.
Những bệnh nhân thời gian nằm viện kéo dài, hôn mê, thở máy… gặp phải vấn đề như teo cơ, rối loạn thăng bằng sau thời gian dài không vận động, rối loạn về giọng nói do đặt nội khí quản… Đó là những bệnh nhân đang được can thiệp mỗi ngày tại bệnh viện.
"Hằng ngày chúng tôi có những bệnh nhân rất nặng đã qua giai đoạn cấp, không phải thở oxy nữa nhưng chưa thể đứng lên đi lại được. Chúng tôi phải cố gắng giúp bệnh nhân quay trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Thơ nói.
Cảnh báo tâm lý 'Rồi ai cũng sẽ trở thành F0' cần hiểu cho đúng!
Quyền Trưởng Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, bệnh lý nào cũng có biến chứng. Tỉ lệ nhiễm Covid-19 hiện đang cao, ngoài ra virus SARS-CoV-2 hơi đặc biệt hơn so với virus thông thường bởi gây nên tổn thương phổi, tổn thương nhiều cơ quan nặng nề.
"Hiện có không ít người dân thấy số ca nhiễm Covid-19 nhiều, tâm lý nghĩ "rồi ai cũng sẽ nhiễm Covid-19". Tôi không muốn mọi người quá ám ảnh hội chứng sau Covid-19. Câu nói 'Rồi ai cũng sẽ trở thành F0' cần hiểu cho đúng.
Nhiều người tâm lý hoang mang rằng mình bị Covid-19 rồi sau còn bị gì nữa không? Đã khỏi Covid-19 rồi mọi người vẫn sống trong nỗi hoảng sợ như vậy.
Chính vì vậy tôi mới gặp bệnh nhân ho nhưng không dứt được cơn ho. Họ cứ càng bị tâm lý thì càng bị ho. Chúng tôi không muốn mọi người ám ảnh bằng mọi cách mình sẽ không bị Covid-19. Như vậy, những người không may mắn bị sẽ rất tâm lý.
Vì vậy khi đưa ra thuật ngữ hậu Covid-19, Covid-19 kéo dài trước đây cũng rất nhiều tranh cãi. Thực sự nếu đưa như vậy bệnh nhân Covid-19 bị ám ảnh, bị kỳ thị, họ cứ cảm giác mang nó dai dẳng suốt đời", bác sĩ Thơ chia sẻ.
Theo bác sĩ Thơ, mọi người nên bình tĩnh đối phó với Covid-19, tìm hiểu về nó và đi khám đúng chuyên khoa. Đừng mang tư tưởng ai cũng bị nên bị trước, sau đỡ bị nữa.
Chúng ta cố gắng bảo vệ mình để làm sao sống chung với nó, số ca nhiễm tối thiểu nhất hàng ngày để các y, bác sĩ có thể xử lý kịp những bệnh nhân ở giai đoạn cấp, đặc biệt những bệnh nhân nặng, còn nếu không thì Hà Nội cũng toang đấy kể cả tiêm đủ vaccine.
"Nếu mọi người càng lo nghĩ, suy nghĩ đến những di chứng hậu Covid-19 sẽ càng không giải quyết được vấn đề gì cả mà chỉ khiến cho tâm lý bị ảnh hưởng, sinh hoạt bị trì trệ. Người dân cố gắng duy trì nếp sinh hoạt đều đặn như trước đây hết mức có thể.
Nếu mệt chúng ta có thể nghỉ, nhưng nếu cảm thấy sức khoẻ đủ để quay trở lại với sinh hoạt trước đây thì hãy duy trì nó tối đa hết mức có thể. Ví dụ như tiếp tục việc đi bộ hàng ngày, nếu không thể ra ngoài đi bộ tại phòng mình cách ly để tránh vấn đề về tiêu hoá, tim mạch khi bị cách ly.
Chúng ta cứ bình tĩnh, bình tĩnh để lắng nghe cơ thể mình. Đừng quá lo lắng hội chứng hậu Covid-19. Chế độ ăn uống cần phải bổ sung thật nhiều nước hơn hàng ngày càng tốt. Có thể tăng cường vitamin C bởi giúp bảo vệ tế bào rất tốt, giảm sự tấn công của virus, tăng sức đề kháng.
Chúng ta biết nhưng không nên ám ảnh Covid-19 khi cứ phải canh cánh trong lòng có thể sẽ mang theo suốt đời, không phải như thế. Covid-19 không phải bệnh ung thư, còn rất nhiều bệnh lý khác đáng sợ hơn như tiểu đường không chữa khỏi được cứ dai dẳng mãi mãi, phải dùng thuốc cả đời, bệnh tăng huyết áp… rất nhiều bệnh lý khác", bác sĩ Thơ cho biết thêm.