Ngọc đang mang bầu được hơn 4 tháng. Cô và chồng cùng làm hợp đồng tại một cơ quan thuộc huyện ủy ở ngoại ô Hà Nội. Mọi thứ quanh Ngọc dường như mỹ mãn trong mắt mọi người. Nhưng với Ngọc, sự bình thường quá đỗi trong cách cư xử của chồng lại là sự bất thường trong tình cảm vợ chồng.
Ngọc nhớ da diết cái cảm giác hạnh phúc khi được Hoàn - chồng Ngọc yêu chiều nhất mực thuở yêu đương. Chưa bao giờ anh cắt ngang lời cô nói, chưa khi nào anh làm cô phật lòng. Chẳng lúc nào cô thấy bóng anh mà thiếu một nụ cười.
Cô thường khoe với bạn bè về người bạn trai tâm lý của mình. Cô còn hô vang quan điểm “Cái nết đánh chết cái đẹp” để lấp liếm cho vẻ bề ngoài chẳng được dễ coi lắm của Hoàn. Cô tự hào vì có được người yêu hoàn mỹ giống như cái tên của anh vậy.
Hai năm bè bạn, một năm yêu đương, thời gian là quá đủ để một cặp đôi cùng mơ về gia đình và những đứa trẻ. Đám cưới hạnh phúc khiến khuôn mặt Ngọc lúc nào cũng rạng ngời.
Nhưng ngay sau khi kết hôn, Ngọc có biết đâu chồng lại “đổi trắng thay đen” trong cách đối xử với vợ. Thậm chí, Hoàn chỉ coi Ngọc là người cùng nằm chung giường mà thôi.
Hồi mới có bầu, cơn nghén khiến Ngọc mệt mỏi rã rời. Hoàn chẳng động viên vợ lấy một câu. Ngược lại, Hoàn bắt vợ thức khuya dậy sớm để phục dịch cho cả nhà chồng. Bất cứ việc gì vợ làm, Hoàn toàn chê ỏng chê eo.
Hoàn rít thuốc lá sằng sặc trước mặt vợ bầu. Khi Ngọc ý kiến: “Anh ra ngoài hút thuốc kẻo không tốt cho con”. Anh gắt gỏng ngay lập tức: “Đời hình như chỉ mỗi cô mới đang có bầu đấy mà tỏ thái độ ghê thế”.
Mỗi lúc ra khỏi nhà, cô thấy đầu óc nhẹ nhàng như mới thoát khỏi cái nợ khổng lồ của đời mình (Ảnh minh họa).
Hoàn chưa từng đụng tay vào bất cứ việc gì giúp vợ bởi còn đang bận “công to việc lớn”. Mà “việc lớn” đó chỉ là đánh game với những đồng nghiệp cùng cơ quan hoặc bạn bè. Thậm chí, tới bữa cơm, Ngọc còn phải ì ạch vác bụng bầu gọi về trực tiếp, hoặc có hôm phải đem cơm hộp ra quán game để phục vụ chồng. Chưa kể, mấy lần chơi game hết tiền, Hoàn lại gọi điện cho vợ ra “cứu net”.
Thế nên chẳng có chuyện Hoàn đưa được cho vợ một đồng để dưỡng thai. “Lương chồng, chồng tiêu, còn lương vợ thì để xem đã” - Ngọc phải tiêu rè sẻn từng đồng cho bao nhiêu khoản sinh hoạt thiết yếu. Thỉnh thoảng không đủ, cô lại phải chạy về nhà ngoại xin tiếp viện.
Suốt từ ngày cưới tới giờ, mỗi tuần hai vợ chồng Ngọc lại cãi vã như “đến hẹn lại lên”. Chồng cô luôn gân cổ dành phần thắng về mình, bỏ mặc những giọt nước mắt vương dài trên má vợ.
Quá chán cảnh gia đình, chán chồng vô tâm, Ngọc lấy mọi cớ để khăn gói lên Hà Nội. Khi thì cô nói lên khám thai, lúc bảo đi mua tài liệu ôn thi công chức, khi thì đi học lấy chứng chỉ tiếng Anh, tin học… Khi thì cô ghé nhà họ hàng, lúc vào chỗ bạn bè cho qua ngày đoạn tháng.
Mỗi lần đi ra khỏi nhà, cô thường đi quá một tuần mới về. Ngọc tâm sự: “Ước gì được đi luôn thì tốt. Ở trong nhà đó ức chế, sau con sinh ra có khuôn mặt buồn mất”. Cứ ra khỏi nhà, cô thấy đầu óc nhẹ nhàng như mới thoát khỏi cái nợ khổng lồ của đời mình. Xa chồng khiến Ngọc không bị dày vò với cảm giác chán chồng nữa.
Anh chồng vô tâm và mải chơi của Ngọc cũng chẳng quan tâm xem vợ đi đâu vì nghĩ vợ đang mang bầu nên không thể phản bội được mình. Hơn nữa, Hoàn lại đắc thắng: “Kiểu gì chả phải đem con về với bố. Đi đâu thì cứ đi cho khuất mắt”.
Ngọc chia sẻ với bạn bè: “Đợi tới ngày sinh nở thì mới dứt cảnh dạt nhà. Còn giờ dạt được ngày nào là đi dạt cho vui”. Bởi vì, cô không muốn nỗi buồn nặng trĩu trong tâm ảnh hưởng đến con.
Ngọc đếm từng ngày sinh linh nhỏ bé đang cựa quậy trong cơ thể mình. Cô đang đợi tới ngày chấm dứt cảm giác cô đơn khi được sống hạnh phúc bên con. Biết đâu, được làm bố sẽ khiến chồng vô tâm của Ngọc “thay tâm đổi tính”? Và tận sâu thẳm trong thâm tâm, cô vẫn mong cảnh dạt nhà chỉ là một nốt nhạc trầm buồn trong cuộc hôn nhân vừa mới khởi đầu chưa lâu của cô.
Nhìn chị đồng nghiệp lấy chồng, lại được lòng cả nhà chồng, mà chị thầm ghen tị. Chị tới giờ mới thấm thía sự vô tâm của cả mẹ chồng và chồng mình.