Kinh tế khánh kiệt, vợ chồng căng thẳng
Một thời gian dài làm chuyên viên tư vấn tâm lý, bà Hoàng Thị Kim Thanh (Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa gia đình, Khoa Văn hóa học, ĐH Văn hóa Hà Nội) vẫn chưa thể quên được câu chuyện của những gia đình trẻ lục đục vì kinh tế sa sút.
Yêu nhau 3 năm mới cưới, nhưng chỉ chưa đầy 1 năm sống chung vợ chồng anh Đức Phong (Đống Đa, Hà Nội) đã ly thân. Lý do là vì anh Phong làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất nên chị vợ chán nản, đòi ly hôn.
Anh làm thiết kế ở một công ty xây dựng lương tháng tám con số, cộng với đầu tư trong, ngoài công ty nên anh cũng tích lũy được ít tài sản. Vợ anh làm truyền thông ở một tập đoàn lớn, thu nhập cũng khá.
Cuộc sống vợ chồng son an nhàn, đầy đủ vật chất nếu không muốn nói là dư dả.
Hai vợ chồng bắt đầu hục hặc khi anh ham làm giàu, gom góp hết tài sản dành dụm của hai vợ chồng, cộng thêm đi vay nặng lãi bên ngoài để đầu tư bất động sản.
Anh Phong đang bế tắc vì chưa tìm được cách xoay tiền trả nợ,
lại nghe vợ chì chiết nên to tiếng nói lại (Ảnh minh họa)
Làm ăn thua lỗ, kinh tế khánh kiệt, nợ nần khắp nơi, có lần anh Phong phải mang cả nhẫn và vòng vàng, của hồi môn của vợ bán để lấy tiền trả lãi.
Đang có cuộc sống sung túc, giờ sống trong tâm trạng thấp thỏm, bế tắc vì chủ nợ suốt ngày gọi điện đòi tiền, gây sức ép nên cuộc sống vợ chồng thường xuyên căng thẳng.
Chị vợ trách móc anh ham làm giàu, đầu tư không tính toán nên mới bị thua lỗ như vậy. Anh Phong đang bế tắc vì chưa tìm được cách xoay tiền trả nợ, lại nghe vợ chì chiết nên to tiếng nói lại.
Chán nản với cảnh cãi vã chị vợ bỏ về nhà ngoại, rồi gửi đơn xin ly dị với anh. Anh không kí nhưng đồng ý tạm thời ly thân theo đề nghị của vợ.
Cùng cảnh ngộ, cặp vợ chồng trẻ Hưng – Ánh (Mỹ Đình, Từ Liêm) cũng “cơm không lành, canh không ngọt” vì làm ăn thua lỗ. Cả hai vợ chồng đều là người ngoại tỉnh ra Hà Nội làm ăn, kiếm sống.
Anh Hưng muốn mở cửa hàng điện tử điện lạnh nên chị Ánh bán cả mảnh đất bố mẹ đẻ cho ở quê lấy vốn cho anh làm ăn.
Việc kinh doanh không thuận lợi, nợ nần nhiều nên anh phải đóng cửa hàng. Chưa kiếm được việc làm phải sống nhờ vào đồng lương của vợ, anh buồn chán nên đi cả ngày, chị vợ vì thế mà cũng chán nản, đi sớm về khuya.
Hai vợ chồng không cãi vã nhưng sống bên nhau lặng lẽ như hai cái bóng.
Kinh tế lung lay khiến vợ chồng mâu thuẫn
Không ít trường hợp khi gia đình làm ăn thua lỗ, phá sản, thay vì cùng nhau vượt qua khó khăn thì vợ chồng lại lục đục, cãi vã dẫn đến hôn nhân đổ vỡ.
Bà Hoàng Thị Kim Thanh cho biết, khi gặp rủi ro, biến cố thì không cứ đàn ông hay đàn bà đều sẽ rơi vào những cách nhìn tiêu cực, chán nản, tuyệt vọng nên rất dễ cáu gắt.
Họ có xu hướng tìm nơi trút bỏ để cân bằng tâm lý. Cả hai vợ chồng đều đã mệt mỏi vì sự cố kia, giờ lại nghe nhau chì chiết dẫn đến căng thẳng trong gia đình, mất dần tình cảm dành cho nhau.
"Khi gặp phải rủi ro, sự cố vợ chồng cần phải bình tĩnh, nói chuyện với nhau để cùng giải quyết vấn đề. Nếu như cả hai không biết kiềm chế, căng thẳng với nhau rất dễ dẫn đến sự xa cách, tan vỡ gia đình", bà Thanh nói.