Biết rằng mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh nhưng chị Nhung không khỏi bất ngờ khi sống ở nhà chồng. Từng ngày trôi qua đối với chị dài như thế kỷ. Chị hoàn toàn thất vọng với những con người mà chị đã từng kính trọng, nể phục.
Nhớ lại, trước khi về làm dâu, chị mừng lắm khi yêu được Hiếu. Anh là dân gốc Hà Nội, nhà ở ngay trung tâm phố cổ giàu có nhưng anh không hề ăn chơi, ngược lại anh còn học rất giỏi, lại là người con có hiếu.
Chị là người ở Hà Đông, sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường. Dù được bố mẹ yêu chiều và tạo điều kiện ăn học nhưng chị vẫn thấy mình thua kém Hiếu, đó là bởi gia đình chị không hạnh phúc. Bố mẹ chị đồng sàng mà dị mộng, mỗi người một kiểu, đặc biệt khi về già, họ càng tỏ ra trái tính.
Ngày đầu tiếp xúc với gia đình anh, chị thấy kính nể, khâm phục và hạnh phúc lây vì nhà anh đúng là hình mẫu cho mọi người nhìn vào.
Gia đình anh gồm bố mẹ, 3 chị gái và anh là con trai út. Dù nhiều thành viên nhưng gia đình anh sống rất hòa thuận, tình cảm thắm thiết. Anh được cả nhà cùng yêu chiều.
Đã có lúc chị ngỡ nhà chồng rất quý chị (Ảnh minh họa).
Về phía gia đình anh, từ khi Nhung về ra mắt, mẹ anh rồi các chị anh ai cũng tỏ vẻ quý mến chị. Cứ có dịp cả nhà lại mời Nhung đến tổ chức ăn uống, tụ tập.
Nhà anh rộng, gồm hai mặt tiền cho thuê làm cửa hàng nên kinh tế rất dư dả. Bố mẹ chồng đã về hưu nên họ luôn dành thời gian để chăm sóc gia đình, đi chơi với bạn bè. Ba chị gái anh đều đi lấy chồng ở xa nhưng hầu như ngày nào cũng gọi điện hoặc về thăm bố mẹ.
Ngày chị bước về làm dâu, bạn bè, người thân đều khen chị may mắn nhưng cũng chính từ đó, chị mới thấm rõ mình có phải là người may mắn hay không...
Chị Nhung làm cho một công ty nước ngoài nên thường xuyên đi sớm về muộn, nhưng chị vẫn luôn cố gắng về sớm nhất có thể để cơm nước chợ búa cho gia đình. Từ khi có thai, dù cố gắng hết sức, chị vẫn không thể đảm đương mọi việc như trước đây. Chị mừng lắm khi mẹ chồng rất thông cảm và giúp chị việc cơm nước cho cả nhà. Thậm chí chị còn xúc động rơi nước mắt khi nghe mẹ chồng bảo: “Bố mẹ già rồi, làm được gì cho các con bố mẹ làm hết, các con chỉ cần giữ sức khỏe và làm việc chăm chỉ là được”. Nhưng chỉ được vài ngày đầu Nhung đã bị các chị "dằn mặt".
Một lần đang làm việc trong công ty, Tuyết - chị chồng gọi điện mời Nhung ra cà phê. Chẳng mất thời gian rào trước đón sau, chị Tuyết đi thẳng vào vấn đề: “Đàn bà thì ai cũng phải đẻ, chẳng riêng gì em, trước chị đẻ con bé Xíu, một tay chị gồng gánh mọi việc có phải nhờ đến ai đâu. Mẹ chị già rồi, em bận thì đi mà nghỉ việc chứ đừng bắt mẹ chị làm ôsin như thế này…”
Nói đến đây, Nhung hiểu ngay vấn đề và chị chỉ còn biết vâng dạ. Sau đó, dù bận rộn mệt mỏi thế nào chị cũng cố gắng đi làm về sớm để nấu nướng.
Càng ngày Nhung càng thấy mẹ chồng "hai mặt", trước mặt thì bà bảo: “Con cứ để đó mẹ làm cho”, nếu chị cũng gật đầu để mẹ làm thì ngay sau đó bà sẽ vào phòng gọi điện mách các cô con gái, để rồi hôm sau Nhung tiếp tục bị nhắc nhở.
Chị choáng váng khi một lần bê bụng bầu về nhà sớm đi chợ chứng kiến cảnh mẹ chồng ngồi tỉ tê với năm bà hàng xóm cạnh nhà: “Nhà này vô phước lắm, thằng Hiếu đẹp trai cao to là thế, lấy phải con vợ xấu xí, suốt ngày chỉ biết đến công việc, còn lại câm như hến, vô duyên, nấu ăn dở, chẳng khéo, chẳng biết giao tiếp với mọi người”.
Tủi nhục lắm, thất vọng lắm nhưng chị chẳng dám kể cho chồng nghe. Chị biết chồng đang rất bận, chị không muốn vì cảm tính của mình mà khiến anh mâu thuẫn với gia đình.
Đến khi chị Nhung sinh con, dù rất muốn nhúc nhắc dậy giặt giũ, cơm nước nhưng sức chị có hạn, vết mổ chưa lành nên ngoài việc chăm con, chị chẳng làm thêm được việc gì cho gia đình.
Một lần, mẹ chồng mang cơm lên cho chị thì bị trượt và bầm chân. Sau 5 phút, 3 con gái của bà đã xúm đông xúm đỏ về nhà bêu rếu, quở trách, chì chiết chị: “Dâu này sướng nhỉ, nhà này vô phước thế”, “Con là con mẹ mà có bao giờ mẹ phải khổ vì con như nó đâu”, “Cô tưởng mình cô biết đẻ à, sao mới về nhà chồng mà khiếp thế, bắt nạt, hãm hại mẹ chồng cơ đấy, từ mai đi mà tự nấu, tự ăn đi”.
Chị thất vọng hoàn toàn khi bước chân về làm dâu nhà chồng... (Ảnh minh họa).
Rồi họ quay ra khóc lóc, than vãn và đưa mẹ vào viện để chụp X quang, kiểm tra xương khớp xem có vấn đề gì không, bỏ mặc hai mẹ con chị ngơ ngác trong nhà.
Trong 3 người chị chồng, có một chị tên Mi mới sinh đứa con gái thứ 2 cũng chỉ hơn bé Bi nhà chị vài tháng.
Trộm vía Bi ăn ngoan, ít ốm lại cao ráo, tròn trịa hơn con chị chồng. Cứ đến nhà lần nào thấy Bi, bác Mi cũng chê bai đầy ác ý: “Bé tí mà béo lùn như cái bơm, đừng có mà mừng vội khi ốm ít. Bé ốm ít, lớn ốm nhiều mà còn ốm nặng cơ”.
Nhung xót xa lắm, chị chấp nhận ai ai dạy dỗ chị thế nào cũng được, sao nỡ rủa xả con trai chị như thế. Như giọt nước tràn ly, Nhung gặng hỏi lại: “Ôi sao bác nỡ nói cháu như thế?”.
Chị chồng bỗng đứng phắt dậy ngay giữa phòng khách tru tréo: “Tao thích nói gì kệ tao, mày nhìn lại mày ấy, đồ lười biếng, đồ ăn bám”.
Thấy vô lý, chị cãi tay đôi: “Em độc lập về kinh tế, sao chị bảo em ăn bám, vợ chồng em vẫn đóng góp tiền cho bố mẹ đầy đủ mà”.
“1 triệu mà cũng đòi là đóng góp à?” - Chị chồng cười khẩy nói.
Nhung tròn mắt, chưng hửng khi nghe chị chồng nói vậy, trong khi tháng nào anh chị cũng đưa bà 4-5 triệu tiền ăn uống, sinh hoạt chung.
Đúng lúc mẹ chồng đi ra, chị hỏi lại thấy mẹ chồng ú ớ, chị hiểu ra ngay vấn đề. Hóa ra bà “ba hoa” nói xấu con dâu với các con gái rượu rằng con dâu chỉ nộp 1 triệu tiền ăn hàng tháng.
Suốt thời gian này, Nhung sống trong niềm day dứt, thất vọng về mọi người xung quanh, biết bao câu nói hoa mỹ của gia đình chồng trước khi về nhà chồng nay bỗng dưng đổ xuống sông xuống bể.
Chị quyết định từ nay ít nói thôi, có mồm như câm, có tai như điếc để đỡ đau đầu. Quan trọng là chị có chồng yêu chị, thế là đủ…
Còn gì cay đắng hơn khi chị bước chân ra đi mà phần lớn nhà cửa, tài sản do mồ hôi công sức chị làm ra lại phải để lại cho người khác hưởng.