Quỹ đen nhưng không tối
Bố nhập viện, cần một số tiền lớn để phẫu thuật. Chạy vạy vay mượn đồng nghiệp, bạn bè nhưng số tiền anh Quang có trong tay cũng chỉ bằng hai phần ba chi phí bệnh viện.
Thấy chồng sốt vó vay nợ, Ngọc ngỏ ý: “Em có cất một ít, để em đi rút tài khoản”. Nghe vợ có tiền riêng, anh Quang giật mình, không hiểu cô ấy đào đâu ra một lúc mấy chục triệu như vậy.
Đợi bố phẫu thuật xong xuôi, xuất viện về quê, Quang tức tốc chất vấn vợ.
Ngọc từ tốn trả lời: “Khoản tiền đó em tiết kiệm từ trước đám cưới, định bụng để khi nào trong nhà có ai ốm đau cần đến thì lấy ra dùng, khỏi vay mượn”.
Biết rằng vợ dùng tiền đúng mục đích, nhưng anh Quang vẫn nặng nhẹ với vợ.
Anh Quang bất ngờ khi chị vợ có quỹ đen (Ảnh minh họa)
Chịu hết nổi, Ngọc trút hết nỗi lòng: “Tiền em tự kiếm được thì em có quyền cất giữ cho riêng em, chỉ để dành khi nhà có chuyện quan trọng. Anh thấy đó, từ lúc cưới đến giờ hai vợ chồng có để dành được thứ gì đâu, tiền lương cuối tháng anh cũng đưa em một phần, còn lại tiêu xài. Anh có biết tiết kiệm đâu, em mà nói em có tài khoản riêng thể nào cũng hết từ lâu rồi”.
Vợ chồng họ cứ lời qua, tiếng lại, một người nghi ngờ, một người giải thích. Anh Quang vẫn cho rằng vợ lừa dối mình, xách xe bỏ ra khỏi nhà. Ngọc khóc với theo: “Tôi cất tiền riêng cho tôi à, anh ích kỷ vừa thôi!”
Câu chuyện của Lê Trình hơi khác một chút. Một ngày mang quần áo chồng đi giặt, Hoa bất ngờ nhìn thấy ngăn trong cùng chiếc ví của chồng một thẻ ngân hàng mới.
Bị vợ gặng hỏi rồi giận hờn cả đêm, Trình mới thổ lộ “là tài khoản anh mới làm”.
Ngay tức thì, Hoa khóc lóc, đay nghiến: “Anh lập quỹ đen để cho ai, anh có con ở ngoài à?”
Chưa kịp nghe chồng giải thích, Hoa đã gọi điện thoại về nhà mẹ chồng mắng vốn, khóc lu loa.
Không thể giải thích với vợ bằng lời, Trình đành lánh xa một vài hôm, để lại cho vợ lá thư: “Tiền lương tháng anh vẫn đưa em đầy đủ. Tài khoản kia anh lập để tích luỹ tiền làm thêm. Anh cũng không muốn chuyện này xảy ra, nhưng mỗi lần ra đường mà trong túi chỉ một trăm ngàn, đi uống nước với bạn bè anh cũng ngại. Mỗi lần nhà ở quê có việc, hỏi em tiền, em lại hỏi ngược hỏi xuôi. Anh thấy khó xử nên mới nghĩ đến cách cất riêng một ít để dành giúp đỡ cha mẹ khi cần...”
Tiền chồng quỹ vợ: mới thật là đen
Hiên Nhân, 32 tuổi, nhân viên truyền thông, bật mí: “Tin người thì chỉ nên tin phần nào thôi, giữ lại cho mình vài phần trăm để làm vốn. Đàn ông thời nay dễ thay đổi, ai biết đâu mà lường, dù đó là chồng mình. Vì vậy, mỗi tháng tôi trích một ít từ lương của mình, rồi tiền làm thêm các dự án, lập tài khoản riêng, lấy tên mẹ ruột rồi để mẹ giữ hộ. Tôi nghĩ đó là việc chính đáng mà, tiền của mình, mình có quyền sử dụng theo ý mình chứ”.
Cùng quan niệm với Hiên Nhân, nhiều cô vợ trẻ lập chiêu đổi tài sản thành nữ trang, tạo tài sản riêng mang tên họ, phòng có chuyện tan vỡ thì họ còn vốn phòng thân.
Như hoàn cảnh của anh Ngọc Siêng, khi thủ tục ly hôn hoàn tất, đường ai nấy đi anh mới ngậm ngùi nhận ra mười năm qua, vợ anh lập quỹ đen từ tiền lương hàng tháng anh mang về, còn mua thêm một miếng đất do em ruột đứng tên. Anh Siêng tìm luật sư mong lấy lại tài sản cho mình, nhưng không thành.
Theo thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý, giảng viên học viện Hành chính (TPHCM): bản thân quỹ đen không xấu, vì ai cũng nên có một số tiền dự phòng nhất định cho riêng mình. Phòng khi có chi phí phát sinh khó nói, nhưng nên có sự thống nhất về quan điểm với vợ hoặc chồng.
Bạn có thể gợi ý “Vợ chồng mình nên mỗi người một khoản nho nhỏ để tự do chi tiêu, đúng không mình?”
Còn chuyện bản thân mỗi người có bao nhiêu trong quỹ thì người kia nên tôn trọng. Đây có thể coi là khoản riêng cần có để mỗi người được tự do trong đời sống vợ chồng.
Đôi khi quỹ đen rất có lợi như nhân sinh nhật của vợ hay chồng, người kia lấy tiền từ quỹ mua một món quà có giá trị tặng bạn đời thì còn gì thú vị hơn.
Quỹ đen tốt hay xấu, nên hay không là do cách tạo lập quỹ và chi tiêu như thế nào.