Nhắc đến vợ chồng anh Mạnh, chị Vân (Pháo Đài Láng, Hà Nội) là cả cụm dân cư nơi anh chị sinh sống khu, ai cũng khúc khích cười, họ “khen” 2 vợ chồng họ là cặp đôi hoàn hảo. Hoàn hảo không chỉ bởi đi đâu cũng ríu rít với nhau như ngày mới cưới mà còn giỏi giận hờn vu vơ và gây hấn với đối phương vô lý, sau đó lại như không có chuyện gì. 

Kể về những chuyện “chèo không đỡ nổi” của họ, chị H. - một người hàng xóm thân thiết của cặp đôi trên cho biết rằng chuyện vợ chồng chị Vân, anh Mạnh sáng nắng chiều mưa không còn xa lạ gì với con ngõ này. Hôm nào không thấy anh chị “có vấn đề” là họ lại đâm nhớ!

Chị H. cho biết: “Còn nhớ hồi mới cưới nhau chưa dứt tuần trăng mật thì phải, có mỗi chuyện hai vợ chồng phân công mắc màn trước khi đi ngủ cũng làm lu loa cả ngõ. Ban đầu chúng tôi tưởng anh chồng bạo hành hay thế nào thì cô vợ mới khóc toáng, kéo va li về. 

Đến khi hỏi đầu đuôi câu chuyện thì có mỗi vợ đi ngủ trước, không chịu mắc màn, chồng đi ngủ sau thấy vậy lùng bùng nói vài câu. Nói qua nói lại thế nào mà cô vợ cứ một mực ‘anh không yêu em nữa thì thôi, em về’. Khuyên can thế nào cũng không được. Tưởng cô ấy về nhà đẻ là to chuyện rồi, ai ngờ sáng hôm sau, mở mắt ra là đã thấy giọng cô ấy í éo gọi chồng ‘anh yêu ơi…’ như không có việc gì xảy ra”.

Nói thêm về cặp đôi này, chị H. còn cho biết thêm việc ở cạnh nhà vợ chồng anh Mạnh cứ như ở ngay sát sân khấu, được xem kịch liên tục vì không ngày nào giữa hai vợ chồng không gây chuyện rồi lại làm lành sau đó lại gây chuyện. 

“Chúng tôi quen tới mức, bây giờ cứ sáng ra mà không nghe thấy tiếng hai vợ chồng nhà cô chú ấy chí chóe nhau thì cũng chắc đến 9 phần rằng một người ốm hoặc có ai trong hai vợ chồng đi công tác thế nên nhà cửa mới im ắng thế. Mà lạ một cái là cứ gây sự tanh bành lên sau đó lại ôm ấp, vồ vập ngay lại được” - chị H kể.

Vợ chồng “phường chèo” 1
(Ảnh minh họa).

Cũng là một trường hợp vợ chồng “phường chèo”, anh Đông và chị Hạnh (Tân Mai, Hà Nội), lắm phen làm cho cả nhà lao đao.

Hai anh chị vốn là giảng viên đại học, lại cùng công tác ở một cơ quan. Trước đây, học cùng chuyên văn, lên đại học lại chung giảng đường. Yêu nhau gần 8 năm trời không cãi nhau, giận hờn lấy một lần nhưng kết hôn xong và có con là mọi chuyện đổi khác. 

Theo những người thân của hai vợ chồng cho biết thì anh chị dường như mỗi ngày không lời qua tiếng lại với nhau một lần là không chịu được. “Có lẽ do cái máu thơ văn của chúg nó bây giờ mới thẩm thấu nhiều hay sao mà suốt ngày vợ chồng không hục hặc nhau là không chịu được” - mẹ anh Đông cho biết.

Còn cô cháu gái của anh Đông thì tiết lộ rằng có một thời gian ông bà ngoại phải vào Nam thăm họ hàng, ở nhà chỉ còn hai vợ chồng và cô bé đến chơi. “Đêm hôm đó, không hiểu cậu mợ ấy giận nhau việc gì mà đùng đùng gọi em từ trên tầng 2 xuống. Một người thì đẩy em ra cửa bảo rằng ‘về gọi mẹ mày lên đây phân xử’ còn một người thì kéo vào nhà với lý do ‘cháu không việc gì phải đi đâu cả’. Người co, kẻ kéo, rốt cuộc em là đứa ở giữa muốn toạc cả người ra. Giằng co chán chê không được thì cả đôi quay vào đập đồ… Thế mà sáng hôm sau, lại thấy mặt tươi như hoa, hớn hở cười nói”.

Cô cháu gái còn hào hứng kể thêm chuyện hai vợ chồng giận dỗi nhau trước lúc chị Hằng đi công tác. Theo lời kể của cô cháu gái thì hôm đó, hai vợ chồng mặt ai cũng đỏ như gấc vì giận. Anh Đông thấy vợ xách vali ra khỏi cổng, lên taxi anh ở trong nhà nói với ra: “Cô đi cho sướng thân đi, đừng về đây nữa”. Chị Hằng cũng không vừa thò đầu qua cửa kính xe taxi nói với: “Anh yên tâm, tôi đi cho rảnh nợ đây”.

“Cũng mất mấy ngày cậu em lầm lì không nói không rằng với cả nhà. Có hôm thấy nhấc máy điện thoại lên vừa áp tai vào nghe được một tí thì dập máy rồi lầm bầm ‘thoát khỏi chồng mừng không hết mà…’. Tưởng đâu vợ chồng cậu mợ sẽ thù lâu, nhớ dai vụ này. Khi mợ về vẫn sẽ không thèm nhìn mặt nhau. Ai ngờ, ông cậu ở nhà tót đi mua dây chuyền tặng vợ. Còn bà mợ thì công tác cũng ôm về một chiếc đồng hồ xịn với đôi giày mới cứng tặng chồng. Cả hai cứ hớn hở, cười như không” - cô cháu gái của anh Đông tặc lưỡi, nhún vai, nói.

Mẹ anh Đông còn đệm lời cô cháu gái, kể về việc hai vợ chồng giận nhau, anh Đông uất, bỏ nhà đi đâu đó và nghĩ quẩn khiến cả nhà một phen hú vía: “Chuyện chả có gì to tát, nó ghen khi vợ nói chuyện với anh đồng nghiệp. Vợ nó cũng vin cớ đó ghen nó có tình ý với sinh viên. Nó bỏ ra ngoài được một lúc thì gọi điện về cho tôi dặn dò rằng ‘nhờ mẹ chăm các cháu…’. Tôi nghe rụng rời cả tay chân. Đêm đó, cả nhà kéo đi tìm nó, tưởng nó nghĩ quẩn, làm liều. Vợ nó cũng khóc hết nước mắt… Cuối cùng tìm thấy nó ngồi ở quán trà đá. Vợ nó vừa thấy chồng thì ôm chầm lấy. Đúng là phường chèo đến phát ốm cả người”.

Kết: 

Cuộc sống hôn nhân vốn khó tránh khỏi những lúc va chạm, mâu thuẫn giữa vợ và chồng. Thực tế, có không ít cặp đôi coi chuyện vợ chồng “chiến tranh” như là một cách thêm gia vị cho cuộc sống lứa đôi. Như trường hợp của anh Đông, anh cho rằng: “Cuộc sống vợ chồng mà cứ bình bình, không có chút ghen, giận hờn rồi làm hòa thì tình cảm dần nhạt đi mất… Miễn sao sự va chạm đó nằm trong tầm kiểm soát của mình”. 

Tuy nhiên khi xung đột vợ chồng xảy ra, không phải ai cũng có sự tỉnh táo để lái vấn đề của mình theo hướng mình muốn. Bởi vậy, mỗi cặp vợ chồng nên tự thân mỗi người phải biết tiết chế không nên đẩy vấn đề đi quá xa. Cố gắng kiềm chế dừng lại vấn đề khi còn có thể kiểm soát được để tránh khiến cả hai tổn thương nặng nề.



Lấy vợ xấu, đàn ông... lợi đủ đường
Vợ chồng “phường chèo” 2