Thịt gà – Thực phẩm phải có trên mâm cúng Tết cổ truyền cũng là thuốc quý trong Đông y

Vào những ngày Tết cổ truyền, thịt gà là món ăn không thể thiếu. Thịt gà luộc xếp đĩa đẹp mắt, rắc thêm chút lá chanh thơm mát là linh hồn của mỗi mâm cơm truyền thống, nhất là dịp đầu xuân năm mới.

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, thịt gà là vị thuốc, còn có tên gọi khác là kê nhục. "Thịt gà có tính khí ôn, vị cam, không độc có nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau. Tùy thuộc vào loại gà và màu lông của gà lại có thể chữa được từng chứng bệnh cụ thể", lương y Bùi Hồng Minh cho biết.

Chuyên gia Đông y bật mí cách dùng thịt gà trị mất ngủ dịp Tết, giúp cả năm khỏe mạnh - Ảnh 1.

Thịt gà có tính khí ôn, vị cam, không độc có nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau.

Cụ thể, nếu thịt gà trống có lông màu đỏ, khi ăn có tác dụng giúp bổ phổi, tốt cho người khí hư suy yếu, người có mụn nhọt, phụ nữ rong kinh, băng huyết…Thịt gà trống lông trắng, vị hơi chua có tính hàn chữa được chứng nói cuồng, điều hòa tỳ vị, lợi tiểu trừ khí độc. Gà trống lông đen, thịt gà có vị cam tính hơi ôn có tác dụng bổ tỳ vị, chữa phong thấp chân tay tê dại. Khi ăn rất tốt cho người bị gãy xương, người bị tay nạn xương gãy thịt dập nát…

Tương tự như vậy, thịt gà mái tùy mỗi loại cũng có công dụng chữa bệnh khác nhau. "Gà mái lông trắng, khi ăn tốt cho ngũ tạng giúp nhuận phế, trừ lao, ích thận, chữa chứng tràng tích, kiết lỵ, phụ nữ bị hậu sản hư lao. Thịt gà mái đen, có tính vị hơi chua có tác dụng an thai, trừ khi độc, sinh huyết, đặc biệt tốt cho người bị phong thấp, chân tay đau mỏi, gãy xương, phụ nữ bị mụn nhọt", lương y Bùi Hồng Minh nói.

Chuyên gia Đông y bật mí cách dùng thịt gà trị mất ngủ dịp Tết, giúp cả năm khỏe mạnh - Ảnh 2.

Gà mái lông trắng, khi ăn tốt cho ngũ tạng giúp nhuận phế, trừ lao, ích thận, chữa chứng tràng tích, kiết lỵ, phụ nữ bị hậu sản hư lao.

Thịt gà còn có công dụng chữa băng huyết, xích bạch đới, lỵ, ung nhọt, trừ phong. Do đó, người ta thường sử dụng thịt gà để điều trị các trường hợp gầy yếu sút cân, suy kiệt, đầy bụng không tiêu, ăn kém, tiêu chảy, lỵ, phù nề, tiểu rắt, di niệu, đái hạ, huyết trắng, sau đẻ ít sữa, bệnh đái tháo đường.

Sử dụng thịt gà chữa mất ngủ, bồi bổ cơ thể giúp khỏe mạnh cả năm

Vào dịp Tết, tiệc tùng triền miên, ăn uống quá độ cộng với việc thường xuyên sử dụng đồ uống có caffeine như cà phê, nước tăng lực, trà… sẽ khiến sức khỏe của bạn bị hao hụt. Chưa kể, việc ăn uống kéo theo những cuộc tiệc vui lan tràn sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài. Không ngủ được có thể xáo trộn cuộc sống của bạn, khiến bạn thường xuyên mệt mỏi, kém nhan sắc. Tận dụng dùng thịt gà để làm thuốc chữa bệnh sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy được giấc ngủ ngon, ngủ sâu, bồi bổ cơ thể giúp khỏe mạnh, không còn mệt mỏi bủa vây ngay đầu năm:

Chuyên gia Đông y bật mí cách dùng thịt gà trị mất ngủ dịp Tết, giúp cả năm khỏe mạnh - Ảnh 3.

Tận dụng dùng thịt gà để làm thuốc chữa bệnh sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy được giấc ngủ ngon, ngủ sâu, bồi bổ cơ thể giúp khỏe mạnh.

- Mất ngủ, ho nhiều: Lấy một con gà ri, làm sạch bỏ ruột rồi cho lá dâu tằm non kèm gạo nếp vào hầm chín sẽ chữa chứng mất ngủ, ho nhiều vào dịp năm mới mà không cần phải dùng kháng sinh.

- Mất ngủ kéo dài: Gan gà 1 bộ, bạch thược 60g tán bột rắc đều vào gan gà đem hấp cách thủy, khi chín cho bệnh nhân ăn, ngày 1 lần.

- Bồi bổ sức khỏe những người thường xuyên mệt mỏi, cơ thể gầy yếu, ăn ngủ kém: Làm gà hầm ngũ vị. Trong đó, bạn sử dụng gà hầm với đại táo, hạt sen, đương quy, đậu xanh, hoài sơn làm món ăn thuốc vừa giải độc, giúp da dẻ hồng hào, căng mịn vừa giúp đánh bay mệt mỏi từ bên trong, ngủ sâu hơn.

Chuyên gia Đông y bật mí cách dùng thịt gà trị mất ngủ dịp Tết, giúp cả năm khỏe mạnh - Ảnh 4.

Người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng như hen suyễn, phong thấp dễ có phản ứng mẩn ngứa, nổi ban, khó thở khi ăn da gà, gan gà.

- Đánh bay mệt mỏi, giúp cơ thể sảng khoái: Thịt gà xé phay trộn với hành, rau răm. Ăn vừa ngon miệng giúp cho tiêu hóa tốt, hành có tác dụng thông âm dương khí, giúp thông kinh hoạt lạc, làm cho người sảng khoái.

Lưu ý: Người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng như hen suyễn, phong thấp dễ có phản ứng mẩn ngứa, nổi ban, khó thở khi ăn da gà, gan gà. Ăn quá nhiều thịt gà rất khó tiêu. Vì thế, nếu bạn tiêu thụ thịt gà quá mức bộ máy tiêu hóa sẽ phải mất nhiều giờ để làm việc, vừa gây khó chịu cho cơ thể, vừa không có lợi về mặt tiêu hóa. Khi chế biến thịt gà cần hết sức chú ý, tránh nhiễm khuẩn vì có thể gây ngộ độc. Ăn thịt gà cần đảm bảo nguồn gốc vì nếu không bạn sẽ có nguy cơ ăn phải loại thịt gà có chứa chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh mà người nuôi đưa vào cơ thể gia cầm trong quá trình nuôi dưỡng…