Hai chuyên gia tài chính là Christopher Tan - CEO của Công ty tư vấn quản lý tài sản Providend và Jolene Ong - Huấn luyện viên tài chính đang làm việc tại Viện Nghiên cứu về các chương trình giáo dục tài chính miễn phí gồm các bí quyết quản lý tiền, lập kế hoạch tài chính và đầu tư sẽ đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các bạn trẻ.
Trước tiên, cả hai chuyên gia đều đồng ý một điều là các bạn trẻ hãy "trả tiền" cho chính mình trước. Điều này có nghĩa là dành ra một số tiền cố định để tiết kiệm trước khi thanh toán cho các khoản cố định và mua sắm theo sở thích. Đây là một thói quen mà các bạn trẻ sẽ cần phải tập.
Vấn đề với thẻ tín dụng cũng rất quan trọng, bởi tới khi các bạn trẻ nhận ra mình đã chi tiêu quá mức thì đã quá muộn. Và nếu không trả nợ đúng hạn, lãi suất sẽ tăng rất nhanh với tác động của lãi kép.
Câu hỏi 1: Có cần phải theo dõi và ghi chép tất cả khoản chi tiêu hay không?
Lập ngân sách có thể khó khăn với một số người bởi ghi chép từ ổ bánh mì ăn trưa, cốc trà đá lề đường là rất khó. Nhưng nếu thực hành hàng ngày, bạn sẽ không thấy điều đó khó khăn nữa. Còn nếu không thích ghi chép chi tiêu, chuyên gia Christopher Tan hướng dẫn: Hãy lập 4 tài khoản ngân hàng.
- Tài khoản 1: Để nhận lương
- Tài khoản 2: Dành cho các chi phí cố định
- Tài khoản 3: Dành để tiết kiệm
- Tài khoản 4: Dành cho giải trí, sở thích mua sắm,...
Hàng tháng bạn chỉ cần chuyển 1 số tiền cố định vào tài khoản rồi tiêu tiền trong khoản đó là được. Miễn là mức chi tiêu của bạn không vượt quá hạn mức, điều đó vừa đảm bảo bạn không chi tiêu quá mức lại không phải ghi chép chi tiêu vất vả.
Câu hỏi 2: Tôi nên tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng? Và nếu muốn chi tiêu một khoản lớn thì cần làm thế nào?
Bạn tốt nhất nên tiết kiệm 15% - 20% tổng thu nhập (đã trừ thuế) mỗi tháng. Nhưng tất nhiên đây là con số khuyến nghị, còn càng nhiều sẽ càng tốt hơn.
Còn nếu sắp tới bạn cần tiêu một số tiền lớn thì cần lập ngân sách cho hóa đơn mua sắm này. Bằng cách chia nhỏ giá trị của món đồ bạn muốn mua, để tiết kiệm cho đến khi đủ.
Câu hỏi 3: Quỹ khẩn cấp là gì, nên có bao nhiêu tiền trong quỹ này?
Quỹ khẩn cấp được hiểu đơn giản là số tiền đã dành cho những sự kiện bất ngờ trong cuộc sống. Khoản tiết kiệm khẩn cấp này dùng giải quyết những vấn đề bất ngờ xảy ra như mất thu nhập đột ngột, tai nạn.
Một quỹ khẩn cấp nên là bước tài chính đầu tiên mà mọi người nên xây dựng. Sau đó đến bảo hiểm, rồi mới tới đầu tư cho tương lai và kế hoạch cho hưu trí. Bởi theo chuyên gia Christopher Tan thì trước khi đầu tư dài hạn bạn cần chắc chắn bản thân phải khỏe mạnh về tài chính.
Chuyên gia Jolene Ong hướng dẫn mọi người nên để vào quỹ khẩn cấp từ 3-6 tháng chi phí chi tiêu. "Để quá nhiều tiền tiết kiệm vào ngân hàng cũng không phải là điều tốt bởi lãi suất sẽ thấp hơn đầu tư", chuyên gia Christopher Tan chia sẻ.
Câu hỏi 4: Tôi cần chi bao nhiêu vào bảo hiểm để không bị phung phí?
Khi mua bảo hiểm mọi người nên nhớ mục đích chính của nó là gì. Đó chính là bảo vệ chứ không phải tiết kiệm hay đầu tư. Chính vì vậy hãy mua bảo hiểm đủ bảo vệ bản thân với chi phí thấp nhất có thể.
"Bảo hiểm thực ra là một kế hoạch dự phòng và bạn không cần chi phần lớn số tiền của mình cho một kế hoạch dự phòng", chuyên gia Christopher Tan đưa lời khuyên. Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử vong, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bản hiểm khi bạn mất thu nhập... là những loại bạn nên mua.
Theo chương trình giáo dục tài chính MoneySense, thì một người không nên chi quá 10% thu nhập của mình cho phí bảo hiểm. Khi nói đến bảo hiểm y tế, các chuyên gia lưu ý điều quan trọng là phải cân bằng chất lượng chăm sóc sức khỏe mong muốn với khả năng chi trả phí bảo hiểm dài hạn. Điều này sẽ giúp hợp đồng bảo hiểm của bạn không bị mất hiệu lực hoặc bị chấm dứt vì không thể trả phí.
Câu hỏi 5: Nhu cầu chi tiêu của tôi có thể thay đổi trong tương lai, khi lập gia đình chẳng hạn. Làm thế nào để lập kế hoạch tài chính cho điều đó?
Khi các giai đoạn trong cuộc sống thay đổi, nhu cầu cũng thay đổi và các ưu tiên tài chính của một người cũng như vậy. Không thể lường trước được những thay đổi trong cuộc sống khiến nhiều người bày tỏ sự lo lắng. "Bạn lập gia đình, chuyển tới một ngôi nhà mới,... những thay đổi trong cuộc sống sẽ khiến tài chính của bạn có sự thay đổi. Đó là lúc thói quen lập ngân sách hợp lý từ sớm sẽ giúp các cặp vợ chồng trẻ có lợi", chuyên gia Jolene Ong nói.
Bà cũng gợi ý rằng các cặp vợ chồng trẻ có thể bỏ tiền vào các công cụ có rủi ro thấp và có tính thanh khoản cao như ngân hàng, để họ có thể rút tiền ngay khi có nhu cầu.