Khi con mắc lỗi, nên phạt con ra sao? Chắc hẳn là bố mẹ, ai cũng đã từng đặt ra câu hỏi này và câu trả lời thì không phải ai cũng như nhau. Người thì ủng hộ khuyên bảo nhẹ nhàng, người quan niệm "thương cho roi cho vọt". Ai cũng có lý lẽ của riêng mình.
Mới đây, câu chuyện về cách phạt con "độc lạ" được chia sẻ trên mạng xã hội của một chuyên gia giáo dục độc lập ở Hà Nội đã gây ra nhiều tranh cãi.
Được biết, 17 năm trước, cô con gái của vị chuyên gia có sở thích gọt bút chì, một tuần đã gọt hết nguyên hộp. Thế rồi một ngày, chuyên gia này thủ thỉ với con, rằng có người mời 2 mẹ con đi đám cưới. Đây là đám cưới đặc biệt với rất nhiều đồ ăn ngon, kèm bóng bay, chú hề và 7.749 thứ khác như ngày hội.
Con gái của vị chuyên gia tâm sự: "Mẹ gieo cho tôi hy vọng chuẩn bị được đi dự đám cưới đấy. Nhưng đến ngày đó, mẹ chuẩn bị đi và tuyên bố tôi bị phạt phải ở nhà với ngoại. Thấy tôi bắt đầu chết trong lòng 1 ít, mẹ tôi thêm câu: "Ui tiếc thế! Đi đám cưới là thích nhất, vui nhất, không được đi thà chết còn hơn".
Cô con gái cũng cho rằng, lời nói của mẹ như nghìn dao đâm vào tim đứa trẻ 6 tuổi, "là nỗi đau lớn nhất". Chưa kể, về nhà mẹ còn kể đám cưới đó siêu ngon, siêu vui làm em càng "chết tâm".
Nói về hình phạt của mình năm xưa với con, vị chuyên gia nhận xét: "Đây là lời than thở của con tớ về 1 hình phạt mà 17 năm sau nó vẫn nhớ như in. Phạt không đau người (không đánh đập), không đau tim (không xúc phạm, chì chiết), mà chỉ đau lòng (tiếc nuối) nhưng hiệu quả khỏi nói luôn".
Dạy con độc hại hay dạy con khoa học?
Cách dạy con của chuyên gia này thổi bùng tranh cãi dữ dội. Những người phản đối nhận định, hành động "ăn miếng trả miếng" đã gây tổn thương tâm lý của một đứa trẻ 6 tuổi, khiến em nhớ mãi tới 17 năm sau, "khóc suốt cả năm trời" vì mẹ đem khoe chiến tích với các lớp học, điều này không có gì đáng tự hào. Vết thương ngoài da lành rồi còn để lại sẹo, vết thương tâm lý của 1 đứa trẻ thì rất khó lành.
"Lỗi thì nhỏ, chuyện cũng mười mấy năm rồi mà con vẫn nhớ rõ như in câu "thà chết còn hơn" thì tức là chuyện đó phải ám ảnh đến mức nào. Đây không còn là hình phạt nữa mà là trả thù rồi. Lỗi gì thì phạt cái đó, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng. Ví dụ con cãi lời, bố mẹ liền thu hồi lời hứa cho con đi siêu thị, đó là phạt.
Nhưng ở đây, con mắc lỗi, mẹ dùng cả tuần để thao túng và gieo hy vọng cho con, xong thì đạp đổ và thậm chí thêm câu "thà chết còn hơn". Nếu là người lớn còn chưa chắc muốn bị đối xử như vậy nữa là 1 đứa trẻ. Nhìn chung, phạt con là điều cần thiết, nhưng trước khi phạt thì hãy nghĩ lại xem nếu là mình thì mình có muốn bị phạt như vậy không đã", một phụ huynh bình luận.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phản đối, nhiều phụ huynh lại bày tỏ sự đồng tình với phương pháp phạt con này. Họ cho rằng, không phải mọi đứa trẻ đều như nhau, thứ áp dụng được cho một người chưa chắc là thứ tối ưu cho tất cả mọi người. Chuyên gia này cũng chỉ áp dụng phương pháp phù hợp với con mình và khi nhắc lại kỷ niệm này, con gái chị cũng không có thái độ gay gắt mà vẫn vui vẻ.
Một cư dân mạng bình luận: "Nghĩ rộng ra thì cũng không hẳn sai. Ví dụ như đứa trẻ không học bài xong, đương nhiên nó sẽ không được đi chơi với bạn. Và để con thấu hiểu rằng đó thực sự là sự đáng tiếc thì phải cho nó biết rằng đi chơi với bạn rất vui, và lần sau nó cần hoàn thành nhiệm vụ thì mới được đi. Rõ ràng là kể từ đó trở đi con không còn phạm lỗi gọt bút chì nữa. Con học được cách trả giá cho những sai lầm. Không bị đánh mắng, đòn roi nhưng con vẫn nhớ và rút kinh nghiệm thì dạy con thành công rồi".
Tuy nhiên có một số ý kiến phản biện: "Chuyên gia này cảm thấy con nhớ 17 năm là vì phương pháp đó hay. Nhưng trên thực tế, tổn thương của đứa trẻ đó quá lớn, không vượt qua được trong thời gian ngắn nên tạo thành vết hằn ký ức".
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Đừng trừng phạt mà hãy kỷ luật một cách tích cực
Nói về vấn đề phạt khi con làm sai, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, giáo dục kiểu trừng phạt sẽ có thể đem tới một đứa trẻ nhút nhát, thu mình, không tự tin và không tin bất kỳ ai trên thế giới này.
Phạt cho hiệu quả là để đứa trẻ hiểu hành vi của mình chưa đúng ở đâu, rồi từ đó sẽ tự hiểu để không làm nữa, chứ không phải gây hoảng loạn rồi khiến con sợ hay ám ảnh. Nhiều người nghĩ trẻ con không biết gì và không bị tác động. Với trẻ ít nhạy cảm thì có thể không sao, nhưng trên thực tế, đa phần các trẻ đều dễ tổn thương nên phạt kiểu "trả đũa" có thể để lại trong lòng trẻ sự oán ghét.
Thay vì trừng phạt, cha mẹ có thể sử dụng các kỹ thuật kỷ luật tích cực. Ví dụ, có thể chuyển hướng con sang một hoạt động khác khi con đang làm điều gì đó tiêu cực, như giới thiệu một món đồ chơi, hoạt động khác. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể thảo luận thêm về những điều con có thể và không nên làm. Cha mẹ hãy tận dụng mọi cơ hội để khen ngợi cụ thể hành vi tốt của trẻ hoặc khi trẻ có sự cải thiện dù rất nhỏ.
Nếu muốn tương tác ngay cả khi con làm sai điều gì đó, các phụ huynh có thể cùng ngồi xuống với con. Sau đó, cùng con đọc một cuốn sách hay. Khi con đã bình tĩnh, cha mẹ có thể thảo luận với trẻ về những lựa chọn tốt hơn cho lần sau.