Lạm thu: Chuyện không mới

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi đầu năm học mới, chuyện đóng góp các khoản ngoài học phí và việc lạm thu luôn là đề tài được người dân quan tâm. Chuyện không mới nhưng tính thời sự của nó thì lại luôn nguyên vẹn.

Hiểu hơn ai hết về nỗi niềm này chính là gia đình chị Phạm Thanh Hằng (quận Đống Đa, Hà Nội). Năm nay, em trai chị Hằng vừa nhập học lớp 10. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình chị Hằng chưa phải đóng học phí cho em trai nhưng chỉ tính các khoản tiền như tiền học thêm 1 tháng đầu trước khi khai giảng, tiền đồng phục, sách giáo khoa đã lên đến 3-4 triệu đồng. Và đấy là còn chưa kể đến khoản tiền được nhà trường đề cập trong buổi họp phụ huynh đầu năm mang tên tiền… ủng hộ nhà trường đối với học sinh đầu cấp.

Là phụ huynh, chị Hằng hiểu rằng chỉ đóng học phí không thì các trường cũng gặp ít nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động cũng như đảm bảo cho học sinh có các điều kiện cần thiết để học tập. Bởi vậy, việc thu thêm một số khoản ngoài học phí là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, theo chị Hằng, các khoản thu ngoài này phải rõ ràng, hợp lý và đảm bảo được sử dụng đúng mục đích.

"Ví dụ như khoản tiền ủng hộ nhà trường ở trên. Nhà trường có nói với chúng tôi là ‘tùy tâm’ nhưng khi đưa danh sách các phụ huynh trước đã ủng hộ để tham khảo thì con số thấp nhất tôi thấy là 500.000 đồng. 500.000 đồng có thể không phải khoản tiền quá lớn nhưng thực tế, chúng tôi chưa được thông báo rõ ràng về việc số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào, cho việc gì", chị Hằng chia sẻ.

photo-1

Ảnh minh họa

Bà Mai Thị Oanh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 12 cảm thấy đồng cảm vì nhiều khoản thu theo thỏa thuận và thu tự nguyện mà bà được thông tin hồi đầu năm học của con cũng chưa hoàn toàn minh bạch. Thậm chí nhiều khi tính chất thỏa thuận, tự nguyện chỉ trên danh nghĩa.

Đơn cử như vụ dạy thêm, học thêm, trong buổi họp đầu năm, nhà trường phát cho các phụ huynh một tờ đơn xin học thêm đã in sẵn. Việc phụ huynh cần làm là ký tên, bất chấp chuyện chưa được tìm hiểu kỹ càng. 

Bà Oanh cho biết: "Để tránh việc các trường tự ý áp đặt mức thu, các khoản thu, tôi nghĩ cần có quy định rõ ràng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, song song với đó là công tác thanh kiểm tra phải được thực hiện chặt chẽ".

photo-1

Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý giáo dục TS. Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công) cho rằng việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện, bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.

"Đầu tư cho giáo dục, cho con em có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn là chính đáng nhưng Ban đại diện phụ huynh phải căn cứ vào tình hình chung của lớp để đưa ra mức thu đồng thuận. Nếu đề xuất mức thu quá cao hoặc cào bằng theo đầu người sẽ khó cho những gia đình khó khăn, có mức thu nhập trung bình.

Bản thân tôi là phụ huynh của 3 người con thì mỗi khi bước vào năm học mới, gia đình tôi đều có một kế hoạch tài chính cụ thể để hoàn toàn không bị động trước những khoản thu nào, giúp cho con mình có được chất lượng giáo dục tốt nhất, phù hợp nhất".

Chuyên gia giáo dục nói gì về vấn đề "lạm thu" trong trường học: Do đâu mà nhức nhối? - Ảnh 4.

Chuyên gia tâm lý giáo dục - TS. Vũ Việt Anh

Phải có quy định thu, chi rõ ràng để các trường thực hiện

Năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành những quy định về quản lý, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Tuy nhiên, tại một số trường vẫn xuất hiện những khoản thu, chi kỳ lạ khiến phụ huynh bất ngờ đến... "ngã ngửa".

Cuối tháng 8 vừa qua, cộng đồng mạng được phen xôn xao trước thông tin một trường tiểu học yêu cầu học sinh lớp 1 phải đóng gần 1 triệu đồng tiền… bàn ghế, bảng đen, rèm cửa… Sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Khi có phụ huynh phản ánh, giáo viên lại thông tin rằng việc nộp tiền này là “nhập gia tùy tục” và “nếu phụ huynh không đóng tiền mua bàn ghế, con không có chỗ ngồi học!”.

Chuyên gia giáo dục nói gì về vấn đề "lạm thu" trong trường học: Do đâu mà nhức nhối? - Ảnh 5.

Trường Tiểu học Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

Chỉ ít ngày sau đó, thông tin trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) vận động phụ huynh lớp 10 đóng góp tiền xây trạm biến áp tiếp tục thu hút sự chú ý. Giáo viên chủ nhiệm cam đoan không cào bằng số tiền cần đóng nhưng lại đưa ra con số 26 triệu đồng cần phải có đủ cho tổng số 37 em học sinh trong lớp.

Hay như mới đây nhất là vụ việc Ban phụ huynh lớp 9/12 trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) đưa ra một bảng dự chi năm học 2022 - 2023 với 32 hạng mục. Tổng số tiền dự chi cho các hạng mục lên đến hơn 270 triệu đồng, trong đó mỗi học kỳ I và II dự chi hơn 135 triệu đồng.

Chuyên gia giáo dục nói gì về vấn đề "lạm thu" trong trường học: Do đâu mà nhức nhối? - Ảnh 6.

Bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12, trường THCS Lê Quý Đôn (TP.HCM)

Đề cập đến vấn đề thu chi không rõ ràng tại một số cơ sở giáo dục, TS. Vũ Việt Anh cho hay: "Có một thực tế, ở tất cả các trường, đều có sự trao đổi họp bàn về các khoản thu giữa phụ huynh và nhà trường. Song, sự đồng tình không phải là tất cả, nhiều phụ huynh đồng tình và cũng có không ít cha mẹ phản đối. Chính vì điều này, vai trò cấp thiết đặt ra chính là trách nhiệm của những người làm quản lý. Việc chỉ đạo quản lý xử phạt vi phạm phải nghiêm minh".

photo-1

TS. Vũ Việt Anh cho biết cần phải tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh.

Thực tế cho thấy, phụ huynh phản đối việc lạm thu của nhà trường là việc chính đáng để đảm bảo các khoản thu của nhà trường phải phục vụ trực tiếp nhu cầu học tập của học sinh, đồng thời, phải xét đến điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình.

Chính vì vậy, để ngăn chặn tình trạng thu tràn lan, thu bừa bãi gây bức xúc trong dư luận, TS. Vũ Việt Anh cho rằng có 3 vấn đề lớn cần phải siết chặt:

- Thứ nhất, tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh. Tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành giáo dục.

- Thứ hai, trả lại chức năng và nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ phụ huynh trong trường học, bởi đây là tổ chức gắn kết các thành viên trong phụ huynh lại với nhau, đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của gia đình học sinh. Do vậy phải kết hợp với nhà trường hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục. Đừng biến hội phụ huynh thành cánh tay nối dài của ban giám hiệu để tránh những hệ lụy về sau.

- Thứ ba, phải có văn bản hướng dẫn rõ ràng ngay từ đầu năm học để các trường nắm được việc gì được làm, điều gì không được làm, thông tin nào cũng cần được phổ biến cho phụ huynh học sinh cùng biết.

Đặc biệt cũng cần có khoảng thời gian cho các gia đình để chuẩn bị sẵn khoản dự trù, tránh các trường hợp đến hôm họp phụ huynh mới công bố hàng loạt các khoản thu sẽ dễ gây nên tình trạng phản cảm, hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành giáo dục.

Một vài thông tin về TS. Vũ Việt Anh:

- Chuyên gia tâm lý giáo dục, Tiến sĩ Khoa học giáo dục tại Singapore.

- Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Success Edu).

- Từng tham gia nhiều khóa học của các diễn giả hàng đầu thế giới như: Tony Robbins, T. Harv Eker, Blair Singer….

- Trực tiếp tham gia giảng dạy, đào tạo hơn 90.000 thanh thiếu niên trên khắp Việt Nam, trực tiếp làm Mentor cho rất nhiều dự án khởi nghiệp thành công.

- Chuyên gia chính trong dự án "5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Founder loạt dự án: 5 triệu gia đình hạnh phúc thịnh vượng; CLB 1000 Việc tốt, Cửa hàng 0đ…