Vitamin D là gì?
Theo BS Wynn Huỳnh Trần (Trung tâm y khoa – Wynn Medical Center), vitamin D là một vitamin hòa tan trong mỡ, cực kỳ quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến các bệnh về xương, cơ xương khớp, hệ miễn dịch và thậm chí ung thư. Vitamin D giúp hấp thụ canxi và phốt-phát từ ruột, làm xương chúng ta đậm và chắc.
Cơ thể thiếu vitamin D sẽ không hấp thụ được canxi, khiến cơ thể chúng ta phải lấy canxi từ xương để sử dụng, dần dần làm xương yếu đi, gây ra bệnh còi xương và loãng xương. Uống bổ sung canxi mà cơ thể thiếu vitamin D thì không có tác dụng vì canxi không hấp thụ được vào cơ thể.
Theo BS Wuynh Huỳnh Trần, có hai loại vitamin D chính là D2 và D3. Vitamin D2 (ergocalciferol) có chủ yếu từ thức ăn và chỉ có trong một số ít thức ăn giàu vitamin D, loại vitamin D2 chiếm rất ít trong tổng số lượng Vitamin D chúng ta có.
Vitamin D3 (cholecalciferol), tổng hợp ở da từ tiền chất vitamin D dưới tác động của tia cực tím (UVB, bước sóng 290-320nm) của ánh sáng mặt trời, phản ứng với protein 7-DHC, sản xuất ra vitamin D3. Loại vitamin D3 cung cấp phần lớn lượng vitamin D cho cơ thể. Nói cách khác, cơ thể chúng ta cần ánh mặt trời để tạo ra phần lớn nhu cầu vitamin D chứ không chỉ dựa mỗi vào việc ăn uống.
Vitamin D quan trọng thế nào đối với hệ miễn dịch?
BS Wynn Huỳnh Trần khẳng định, vitamin D là một thành phần quan trọng giúp hệ miễn dịch chúng ta chiến đấu với virus và vi khuẩn. Vitamin D đóng vai trò cốt yếu trong cả hai hệ miễn dịch bẩm sinh (nội sinh) và thu được (ngoại sinh).
Tại hệ miễn dịch bẩm sinh, vitamin D giúp tổng hợp Cathelicidin, một chuỗi peptide chuyên tấn công vi trùng và vi khuẩn. Vitamin D cũng ảnh hưởng lên các tế bào đơn nhân Monocyte và đại thực bào. Với hệ miễn dịch thu được, vitamin D hiệu chỉnh các tế bào, giúp làm việc hiệu quả hơn trong chuỗi viêm và kháng viêm. Cụ thể, vitamin D điều tiết bạch huyết bào T cell, chuyển giai đoạn Th1 (cell based immunity) qua Th2 (antibodies), giảm phát sinh các protein viêm cytokine (IL-17, IL-21) và tăng kháng viêm IL-10.
Tuy nhiên, vitamin D3 là một vitamin phức tạp, cơ thể tổng hợp từ nhiều thành phần và cần nhiều nơi để sản xuất. Sản xuất vitamin D3 như sản xuất một chiếc xe hơi Mercedes, cần có một dây chuyền lắp ráp hoàn chỉnh. Chỉ cần một nơi trong dây chuyền này thiếu hay bị hư thì cơ thể chúng ta không sản xuất được vitamin D3.
Theo chuyên gia, bước đầu tiên để cơ thể tổng hợp vitamin D là phơi nắng, nhưng phải phơi nắng cho đúng. Cơ thể chúng ta cần nắng có tia UVB (chứ không phải tia UVA hay UVC) để tổng hợp vitamin D. Vấn đề là tia nắng lúc trưa (có cả UVA và UVB) là tác nhân chính gây ra ung thư da, dẫn đến hàng ngàn ca tử vong mỗi năm tại Mỹ. UVA cũng là nguyên nhân gây đồi mồi, làm lão hoá da, mất nước và các tổn thương khác đến da. Tia UVA/UVB gây ung thư da bằng cách làm biến đổi DNA, làm chúng dị biến, dần dần dẫn đến ung thư. Vì vậy, phơi nắng cần có kem bôi da chống ung thư.
Một cách khác mà nhiều người chọn là uống vitamin D3 hỗ trợ, liều dùng 800-1000 IU/mỗi ngày. Tuy nhiên, uống vitamin D3 lâu dài hay quá nhiều cũng có thể gây tác dụng phụ như táo bón, dư canxi, thậm chí hư thận.
Thiếu vitamin D, con người phải đối mặt với nhiều hiểm họa sức khỏe
Dễ bị bệnh hô hấp
Nghiên cứu tổng hợp đăng trên tạp chí BMJ năm 2017 chỉ ra, thiếu vitamin D dẫn đến tăng rủi ro nhiễm trùng đường hô hấp do virus lên 50%. Nghiên cứu cũng chỉ ra, uống vitamin D liều vừa phải, từ từ mỗi ngày, sẽ có tác dụng bảo vệ. Còn uống vitamin D liều cao (megadose) thì sẽ không có tác dụng, ngược lại còn có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm. Nói cách khác, khi uống vitamin D bổ sung, chúng ta nên uống như tập thể dục hàng ngày, mỗi ngày chút ít. Đây cũng là điểm chung cần lưu ý nếu phải uống vitamin D (hay bất kỳ thực phẩm chức năng) hỗ trợ.
Nguy cơ mắc bệnh phổi nguy hiểm như suy hô hấp cấp tính ARDS
Thiếu vitamin D dẫn đến các tế bào miễn dịch ở phổi yếu hơn, dẫn đến rủi ro cao hơn như bị hội chứng suy hô hấp cấp tính ARDS hay viêm phổi. Cụ thể, thiếu vitamin D có thể dẫn đến viêm tế bào nang phổi, tổn thương màng phổi và thiếu oxy. Các nghiên cứu sau này khẳng định thêm rủi ro của ARDS có thể giảm nếu vitamin D được kiểm tra và bổ sung phù hợp.
Vậy, sử dụng vitamin D làm giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 và cảm cúm?
Theo BS Wuynh Huỳnh Trần, dựa trên các nghiên cứu về tầm quan trọng của vitamin D, một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra tỉ lệ tử vong do mắc bệnh Covid-19 và cảm cúm có thể giảm được do bổ sung đủ vitamin D.
Bài này đăng trên tạp chí Nutrients gần đây của nhóm từ nhiều nước (Mỹ và Hungary) tổng hợp các nghiên cứu về vitamin D, tỉ lệ bệnh Covid-19, tỉ lệ bệnh cúm mùa trên thế giới (vùng thiếu nắng và thiếu vitamin D thường có bệnh Covid-19 và cúm mùa nhiều hơn) và gợi ý rằng vitamin D có mối quan hệ trực tiếp đến tỉ lệ tử vong do cúm mùa và Covid-19. Tuy nhiên, bằng chứng nhân-quả không rõ ràng trong nghiên cứu này, có thể chỉ là ngẫu nhiên.
Tăng cường vitamin D bằng những cách siêu đơn giản
Theo BS Wynn Huỳnh Trần, chúng ta có thể tăng vitamin D cho cơ thể để tăng cường miễn dịch theo 6 cách đơn giản như sau:
- Phơi nắng (có kem chống nắng) và tập thể dục ngoài trời.
- Ăn đồ biển và cá có mỡ ( cá hồi, cá tuna, tôm...).
- Ăn nấm.
- Ăn lòng đỏ trứng.
- Ăn/uống có vitamin D (như sữa).
- Uống vitamin D bổ sung.
Tóm lại...
- Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, có thể tăng sức đề kháng với bệnh Covid-19
- Canxi có thể lấy đầy đủ từ thức ăn trong khi vitamin D khó hơn.
- Kết hợp 6 cách bổ sung vitamin D ở trên thay vì một cách là uống vitamin D bổ sung
- Không nhất thiết phải kết hợp canxi với vitamin D vì uống canxi nhiều có thể tăng rủi ro bệnh tim mạch và sỏi thận.
- Nên kiểm tra vitamin D thường xuyên với bác sĩ. Lượng vitamin D thấp nếu dưới 30ng/ml, khoảng 50-60ng/ml là ổn, và 125ng/ml trở lên là cao (có nguy cơ ngộ độc). Dựa vào độ thiếu vitamin D, mức độ tắm (phơi) nắng, nghề nghiệp, môi trường sống và làn da của bệnh nhân (da càng đậm thì hấp thu UVB càng thấp), bác sĩ sẽ chỉnh sửa phác đồ điều trị thiếu vitamin D thích hợp.
- Điều kiện thổ nhưỡng mỗi nước khác nhau nên người dân tại Việt Nam có thể ít rủi ro thiếu vitamin D hơn Hoa Kỳ (do tiếp xúc với nắng nhiều hơn). Vì vậy, nên hỏi bác sĩ về việc có nên uống vitamin D trong mùa dịch Covid-19 hay không.