Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có tới 15 triệu người bị đột quỵ. Trong số đó, có 5 triệu người tử vong và 5 triệu người khác bị tàn tật vĩnh viễn.
Những con số này là hồi chuông báo động rằng đã đến lúc chúng ta cần hành động để phòng ngừa nguy cơ mắc đột quỵ. Để thực hiện được điều này, thứ đầu tiên chúng ta cần làm đó là có những hiểu biết đúng về đột quỵ.
6 nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Khi nhắc tới đột quỵ, nhiều người cho rằng đó là bệnh chỉ gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Định Công - Chuyên khoa Tim Mạch - Bệnh viện Đa Khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh (Hà Nội), cho biết: “Nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi đúng là có cao hơn so với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố có thể thay đổi được làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi”. Theo đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ mà bác sĩ Công nhắc tới là:
- Có lối sống không lành mạnh
- Có giờ giấc làm việc và sinh hoạt không hợp lý
- Sử dụng nhiều rượu bia và chất kích thích
- Có chế độ ăn uống không lành mạnh với nhiều thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và chất béo
- Ít luyện tập thể dục thể thao
Bác sĩ Công nói thêm: “Những người có tiền sử gia đình có người từng bị đột quỵ cũng sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn”. Đây là yếu tố không thể thay đổi được.
Những yếu tố kể trên cũng chính là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những người không mắc bệnh này.
Làm gì để phòng ngừa đột quỵ và biến cố tim mạch ở người trẻ?
Bác sĩ Công cho biết để phòng ngừa biến cố tim mạch cũng như đột quỵ ở người trẻ, mọi người cần hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồng thời nên hạn chế chế biến thực phẩm theo kiểu chiên, rán.
Thêm vào đó, mọi người cần hạn chế ngồi quá lâu một chỗ và nên vận động thường xuyên hơn. Một điểm lưu ý khác đó là cần lên kế hoạch làm việc, sinh hoạt khoa học hơn, tránh thức đêm nhiều.
Tránh hút thuốc lá cùng là điều quan trọng để tránh xa nguy cơ đột quỵ hoặc biến cố tim mạch.
Cuối cùng, bác sĩ Công nhấn mạnh mọi người nên tầm soát sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để có can thiệp kịp thời về lối sống hoặc y khoa nhằm bảo vệ sức khỏe tổng thể, phòng ngừa các biến cố không đáng có về sức khỏe.
Người trẻ tuổi có nguy cơ đột quỵ thấp hơn người cao tuổi?