Rất nhiều bà mẹ than thở về việc cho con bú đang trở thành cực hình vì thỉnh thoảng bé lại “ngẫu hứng” cắn ti mẹ đau điếng. Nhiều mẹ đau đến phát khóc và băn khoăn không rõ nguyên nhân nào khiến bé lại cắn như vậy và làm thế nào để giải quyết tình trạng này.

Dưới đây là 5 nhóm nguyên nhân chính và giải pháp được tiến sĩ Wong Boh Boi, cố vấn cấp cao của Trung tâm y tế Thomson Medical tại Singapore đề xuất dành cho mẹ.

1. Bé bị phân tâm, mất tập trung

Theo tiến sĩ Wong, phản xạ tìm và mút sữa từ vú mẹ được xem như hành động sống còn giúp bé lớn lên. Khi tiếp xúc với vú mẹ, bé sẽ tìm đến núm vú và bắt đầu mút sữa. Nhưng trong quá trình cho con bú, nhiều mẹ thích sờ và cưng nựng má của con. Điều này vô tình khiến bé mất tập trung và nhầm lẫn, bé cũng sẽ theo phản xạ ngoái cổ ra đi như tìm vú mẹ. Theo đó, miệng bé sẽ cắn chặt và lôi theo đầu vú khiến mẹ bị đau.

Việc mẹ cần làm là để cho bé tập trung vào việc bú mẹ, không nên có những hành động không cần thiết khiến bé mất tập trung như vậy. Nếu muốn, mẹ có thể nói chuyện thay vì sờ, chạm vào bé trong lúc bé đang bú, hoặc sau khi bé bú xong mới sờ vào bé.

Chuyên gia gợi ý cách xử lý rắc rối mẹ nào cũng gặp phải khi cho con bú - Ảnh 1.

2. Bé cắn ti mẹ để cố bú thêm hoặc sữa mẹ chảy quá nhiều

Một số mẹ gặp tình trạng ít sữa, nguyên nhân có thể do tắc ống dẫn sữa, viêm vú, đầu óc căng thẳng… Tiến sĩ Wong cho biết: “Trong trường hợp này, em bé sẽ cố gắng di chuyển đầu và cơ thể của mình một cách mạnh mẽ để tìm kiếm và kéo ti mẹ với hy vọng bú thêm nhiều sữa hơn”.

Thêm 1 lí do bé cắn ti mẹ đó là do sữa mẹ chảy về quá nhiều và nhanh khiến bé không kịp “đối phó” và phản ứng lại bằng cách cắn.

Việc mẹ cần làm là phải giải quyết vấn đề tận gốc. Nếu mẹ bị tắc ống sữa hoặc viêm vú, hãy hỏi ý kiến bác sĩ và điều trị dứt điểm. Còn nếu chu kì "đèn đỏ" của mẹ mới bắt đầu quay lại thì mẹ có thể yên tâm vì lượng sữa sẽ trở lại bình thường sau một tuần. Ngoài ra, mẹ cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giúp lợi sữa như yến mạch và cá hồi. Sử dụng máy vắt sữa cũng là 1 cách giúp “gọi” sữa về. Thời gian hút sữa như sau: Hút trong 20 phút, sau đó nghỉ 10 phút, tiếp tục hút thêm 10 phút rồi nghỉ 10 phút, và cuối cùng hút thêm 10 phút cuối. Mỗi chu kì hút kéo dài 1 tiếng, lặp lại nhiều lần để tăng lượng sữa mẹ.

Đối với nguyên nhân sữa chảy mạnh và nhanh, mẹ có thể thử cho bé bú ở các vị trí khác nhau để tìm ra tư thế thích hợp nhất cho bé. Khi cho bé bú, mẹ ngồi dựa lưng vào một cái gối, bụng bé áp vào bụng mẹ. Vị trí này giúp cho bé định vị được núm vú của mẹ và kiểm soát dòng sữa tốt hơn. Mẹ cũng có thể vắt bớt sữa trước khi cho bé bú để giảm bớt áp lực chảy của dòng sữa.

3. Bé đang mọc răng

Quá trình mọc răng của bé kéo dài từ 5 tháng tuổi đến khi bé 2 tuổi. Trong giai đoạn mọc răng này, lợi của bé sẽ bị kích ứng khiến bé cảm thấy khó chịu, ngứa lợi. Vì thế bé có thể cắn ti mẹ như 1 cách để giải tỏa bớt cảm giác khó chịu đó.

Trong trường hợp này, mẹ có thể dừng lại và cho bé bú sau khi bé thấy dễ chịu hơn. Hiện nay trên thị trường có 1 số loại đồ chơi hay dụng cụ cho bé nhai, gặm trong khi mọc răng. Khi cho bé bú, mẹ hãy nói với bé: Bé ngoan không cắn mẹ, động viên và khen nếu bé làm tốt.

Chuyên gia gợi ý cách xử lý rắc rối mẹ nào cũng gặp phải khi cho con bú - Ảnh 2.

Trong giai đoạn mọc răng, lợi của bé sẽ bị kích ứng khiến bé cảm thấy khó chịu, ngứa lợi và sẽ cắn ti mẹ để giải tỏa (Ảnh minh họa).

4. Bé bị mẹ rút ti ra đột ngột

Theo Tiến sĩ Wong, khi được mẹ cho bú, các bé thường ngủ thiếp đi, và nếu mẹ đột ngột rút ti ra thì bé sẽ theo phản xạ kẹp chặt lại vú mẹ và có thể khiến mẹ bị đau.

Lời khuyên dành cho mẹ đó là nếu bé ngủ khi đang bú, mẹ hãy gãi nhẹ cằm của bé để kích thích bé nhả vú ra. Nhưng nếu bé vẫn không chịu thì mẹ thử trượt một ngón tay vào góc miệng bé, ngay giữa hai hàm răng và khẽ gỡ miệng bé ra khỏi vú mẹ. Tránh rút ra đột ngột khiến bé giật mình và bé sẽ vội vàng kẹp chặt vú mẹ lại thay vì nhả ra.

5. Bé thích đùa nghịch bằng cách cắn ti mẹ

Trẻ em luôn là đối tượng thích nghịch và cũng hay bày trò để nghịch nhất. Đặc biệt khi thấy phản ứng của mẹ mỗi khi bị cắn đau thì bé lại càng tỏ ra thích thú và tiếp tục lặp lại trò đùa đó. “Bé vốn dĩ không cố tình muốn làm mẹ đau, nhưng bé cũng không phân biệt được hành động cắn của mình lại làm đau mẹ”, Tiến sĩ Wong cho hay.

Những lúc bé đùa nghịch và cắn ti mẹ thì tốt nhất mẹ không nên có phản ứng thái quá, hoặc hét lên vì bé có thể bị giật mình và sốc trước thái độ của mẹ. Tiến sĩ Wong gợi ý mẹ có thể nói “Không! – Con làm mẹ đau đấy – Không cắn mẹ nữa nhé!” mỗi khi bé chuẩn bị cắn, hoặc mẹ giả vờ cắn lại bé để cho bé thấy hành động của bé đã làm cho mẹ đau.

Nguồn: Parent