Taraneh Shirazian, chuyên gia kiêm bác sĩ phụ khoa tại Tổ chức NYU Langone Health cho biết: “Đây là hai bệnh phụ khoa tương đối phổ biến”. Theo thống kê của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ảnh hưởng đến 1/10 phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, trong khi đó lạc nội mạc tử cung phổ biến hơn một chút, hơn 11% phụ nữ trong độ tuổi từ 15-44.
Theo Jessica Shepherd, bác sĩ phụ khoa ở Texas, cả hai tình trạng này đều nổi tiếng là khó chẩn đoán do các triệu chứng dễ nhầm lẫn với những vấn đề sức khỏe khác. Bác sĩ vẫn có thể đưa ra kết luận chính xác nhưng sẽ phải mất thời gian theo dõi và xét nghiệm.
Tuy PCOS và lạc nội mạc tử cung có một số đặc điểm chung, chúng lại không giống nhau. Dưới đây là những điều bạn cần biết về sự khác biệt giữa hai tình trạng dễ gây nhầm lẫn này:
PCOS là gì?
PCOS xảy ra do sự mất cân bằng của các hormone sinh sản trong cơ thể. Tình trạng này dẫn tới các vấn đề trong buồng trứng, nơi tạo ra trứng rụng mỗi tháng và góp phần hình thành chu kỳ kinh nguyệt. Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ (OWH) trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, khi bạn mắc PCOS, trứng có thể phát triển bất thường hoặc không rụng được trong thời kỳ rụng trứng.
Các triệu chứng đặc trưng của PCOS bao gồm kinh nguyệt không đều, mọc thừa lông trên mặt, ngực, bụng hoặc đùi, bùng phát mụn trứng cá, da dầu, xuất hiện các mảng da dày, mịn sạm đen và u nang buồng trứng.
Lạc nội mạc tử cung là gì?
Trong khi đó, lạc nội mạc tử cung xảy ra khi nội mạc tử cung, các mô lót tử cung, phát triển bên ngoài tử cung và trên các khu vực khác trong cơ thể. Chúng thường xuất hiện ở buồng trứng, ống dẫn trứng, các mô giữ tử cung và bề mặt bên ngoài của tử cung. Trong một số trường hợp, âm đạo, cổ tử cung, âm hộ, ruột, bàng quang hoặc trực tràng cũng có thể chịu ảnh hưởng.
Theo Học viện Sản Phụ khoa Hoa Kỳ, cấy ghép lạc nội mạc tử cung dẫn tới những thay đổi trong nội tiết tố nữ estrogen và các mô cấy có thể phát triển, gây chảy máu giống như niêm mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt. Hơn nữa, những mô xung quanh cũng có khả năng chịu ảnh hưởng, bị kích ứng, viêm và sưng tấy.
Các triệu chứng chủ yếu bao gồm đau vùng chậu mãn tính, đặc biệt là trước và trong kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục, khi đi vệ sinh, đi tiểu, chảy nhiều máu trong chu kỳ. Bác sĩ Shepherd lưu ý: “Nhiều phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung nhưng không có triệu chứng”.
Sự khác biệt chính giữa hai bệnh này là gì?
Christine Greves, bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện phụ nữ và trẻ sơ sinh Winnie Palmer ở Orlando, Florida cho biết: “Nếu người bệnh thấy đau nhiều ở vùng chậu, suy nghĩ đầu tiên của tôi thường là lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, những người mắc PCOS cũng có khả năng bị đau vùng chậu. Điểm đặc biệt là những cơn đau này không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, khác với lạc nội mạc tử cung”.
Theo bác sĩ Shirazian: “Xét nghiệm sẽ giúp phân biệt hai tình trạng này. Nếu người bệnh có kinh nguyệt không đều và nghi ngờ mắc PCOS, chúng tôi sẽ kiểm tra nồng độ hormone testosterone thông qua xét nghiệm máu. Ngoài ra, siêu âm cũng đóng vai trò quan trọng. PCOS có thể tạo ra nhiều u nang trong khi lạc nội mạc tử cung thường hình thành nên một u nang và sở hữu đặc điểm khác so với loại do PCOS gây ra”.
Cách duy nhất để biết chắc chắn một phụ nữ có mắc lạc nội mạc tử cung hay không là tiến hành nội soi ổ bụng.
Làm cách nào để xác định bản thân có mắc hai bệnh này hay không?
Rất nhiều quy trình chẩn đoán phụ thuộc chủ yếu vào việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và mức độ đau. Bác sĩ Shepherd giải thích: “Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và cơn đau sẽ giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác. Nếu bạn thường xuyên bị đau dữ dội trước chu kỳ và trong suốt thời gian đó, đây có thể là dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung”.
Trong khi đó, nếu kinh nguyệt không đều kèm theo các triệu chứng khác như mọc nhiều lông trên mặt, ngực, bụng, đùi trên, xuất hiện mụn trứng cá, đó rất có thể là PCOS.
Có thể mắc cả PCOS và lạc nội mạc tử cung hay không?
Theo bác sĩ Shepherd: “Tuy hiếm gặp, cả hai tình trạng này hoàn toàn có thể xảy ra cùng một lúc”. Mắc PCOS sẽ không thể ngăn cản quá trình phát triển lạc nội mạc tử cung và ngược lại. Nói cách khác, hai tình trạng sức khỏe này thường không liên kết với nhau.
(Nguồn: Womenshealthmag, WebMD, CDC)