Là một người tiêu dùng bình thường, quyết định mua sắm của bạn chắc chắn đang bị chi phối bởi nhận thức. Nói cách khác, đây là hiệu ứng "neo" tâm lý, trong đó, người tiêu dùng sẽ lấy thông tin đầu tiên mình tiếp nhận làm tiêu chuẩn để đánh giá các thông tin sau đó.
Cụ thể, khi đi mua sắm một món hàng, mức giá đầu tiên bạn nghe được chính là tiêu chuẩn cho các sản phẩm cùng loại sau đó.
Ví dụ, đồng nghiệp của bạn mua một căn hộ giá trị 1,2 tỉ đồng. Anh ta khoe với bạn và bạn đã vô tình coi đó là mức giá trung bình trong thành phố, do bị ảnh hưởng bởi lời nói của đồng nghiệp.
Đây cũng là chiêu trò mà những người bán hàng thường dùng để lừa khách hàng trong việc mua sắm. Họ sẽ niêm yết giá sản phẩm một chai rượu là 500.000 đồng. Nhưng thật ra, họ đang dùng giá đó để làm mỏ neo, thuyết phục bạn mua chai rượu khác với giá là 400.000 đồng hoặc thấp hơn. Và khách hàng sẽ cảm thấy họ đang được mua sản phẩm với một mức giá hời.
Chi tiêu khôn ngoan bằng cách tự tạo “mỏ neo” cho mình
Theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, bạn có thể tránh được cái bẫy này bằng cách tự tạo ra “mỏ neo” của riêng mình. Bạn nên đặt ra một mức giá mà bạn sẵn lòng chi cho một thứ gì đó, và coi nó là mỏ neo của bản thân.
Cụ thể, bạn sẽ tự đặt ra quy định số tiền cần chi cho việc mua sách, tiền mua sắm, ăn uống, tụ tập bạn bè và các hoạt động vui chơi khác là bao nhiêu. Số tiền đó chính là mỏ neo để bạn bám sát và tuân thủ cho bản thân, thay vì bị chi phối bởi mức giá của các hãng bán lẻ.
Làm sao để xác định “mỏ neo” của mình?
Theo các chuyên gia, lý do lớn nhất khiến người tiêu dùng khó đưa ra được những quyết định chi tiêu khôn ngoan, đó là vì tiền không có giá trị cố hữu.
Tuy nhiên, bạn vẫn có cách để xác định giá trị thực sự của một món hàng hoặc dịch vụ đối với bản thân sẽ ở mức chi phí bao nhiêu là phù hợp.
Cách thứ nhất: Quy đổi sang số giờ làm việc bạn cần để kiếm đủ tiền mua nó
Chẳng hạn, số tiền làm việc trong vòng một giờ của bạn là 300.000 đồng sẽ khác với người có mức thu nhập một giờ làm việc là 150.000 đồng. Với mức lương cao hơn, bạn có thể đặt ra mỏ neo là giá trị lớn hơn.
Cụ thể, bạn đang có ý định thuê huấn luyện viên riêng cho việc tập gym của mình. Một địa chỉ có phòng tập và huấn luyện viên riêng với mức giá 180.000 đồng/giờ và một địa chỉ khác có mức giá thấp hơn là 90.000 đồng/giờ. Trong trường hợp này, với mức thu nhập là 300.000 đồng, bạn có thể lựa chọn cả hai phương án. Nhưng với mức thu nhập chỉ 150.000 đồng/giờ, bạn nên chọn phương án thứ hai.
Cách thứ hai: So sánh giá của món đồ cần mua với giá của một thứ bạn yêu thích
Giả sử bạn thích uống một cốc cà phê ở đối diện công ty, nơi mình làm việc. Giá của cốc cà phê là 30.000 đồng. Ngược lại, bạn đang phân vân không biết có nên bỏ ra 500.000 đồng để mua một chiếc váy mà mình đang thích hay không.
Bạn hãy làm một phép tính so sánh. Chiếc váy này đang đáng giá bằng 16 cốc cà phê mà bạn yêu thích.
Hãy dùng cốc cà phê làm mỏ neo, bạn sẽ dễ dàng xác định giá trị của chiếc váy đối với bản thân mình. Đó là cách giúp bạn chi tiêu khôn ngoan hơn.
Đặc biệt, đối với các chị em, việc lấy bỉm sữa, tã quần áo của con làm mỏ neo để hạn chế chi tiêu và mua sắm luôn luôn hiệu quả. Một món đồ bạn thích sẽ bằng bao nhiêu hộp sữa, bao nhiêu bịch bỉm của con. Cách so sánh này sẽ làm dập tắt ngay ý định mua sắm hoang phí không đáng có.
Đây cũng là cách làm được nhiều tư vấn viên ưu tiên khi nói chuyện về tài chính với chị em. Nếu bạn đang thực hiện điều đó, hoặc chưa biết, đều có thể áp dụng mẹo này.
“Mỏ neo” có tác dụng cả với các khoản chi tiêu lớn
Trong các khoản chi tiêu lớn, công thức mỏ neo có tác dụng hữu ích rất nhiều. Chẳng hạn trong vấn đề nhà đất, người môi giới luôn cố gắng thuyết phục bạn xem những ngôi nhà nằm ngoài mức giá bạn nhận định ban đầu.
Điều này chưa hẳn là xấu, nhưng bạn hãy học cách từ chối nếu điều kiện kinh tế của bản thân chưa cho phép. Bạn phải tự quyết định xem mình có đủ khả năng chi trả hay không và đừng để người khác dắt mũi dẫn tới các rủi ro về tài chính ngay lập tức.