Trong việc giáo dục con trẻ, nhiều bậc phụ huynh thường tập trung nhiều hơn vào kết quả học tập mà chưa chú ý đến trau dồi EQ - trí tuệ cảm xúc. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số EQ có thể là yếu tố dự báo mạnh mẽ về sự thành công trong các mối quan hệ, sức khoẻ và chất lượng cuộc sống trong tương lai của một người.
EQ được Giáo sư Đại học Harvard Daniel Goleman đánh giá là chìa khoá quyết định sự thành công trong cuộc sống và công việc của một người. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy trẻ em có EQ cao sẽ đạt được điểm số tốt hơn, tham gia nhiều vào các hoạt động trường học và những lựa chọn lành mạnh trong cuộc sống. Khi trưởng thành, người EQ cao cũng có sức khỏe tinh thần tốt và cảm xúc tích cực hơn về công việc của họ.
Các chuyên gia đã chỉ ra điểm chung từ những đứa trẻ có EQ cao, cha mẹ có thể lưu ý để rèn luyện và trau dồi kỹ năng này ở con:
Khả năng tự nhận thức
Tự nhận thức giúp một người hiểu hành động của bản thân được người khác nhìn nhận như thế nào, biết cách phát huy điểm mạnh và xác định điểm yếu để cải thiện.
Nếu con hiểu thế mạnh/khuyết điểm của mình, có lòng tự trọng cao và không ngại lên tiếng về nhu cầu bản thân, điều này cho thấy trẻ có khả năng tự nhận thức. Để rèn luyện khả năng này, cha mẹ nên thường xuyên thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc, lời nói của trẻ, từ đó nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng.
Dễ dàng nhận biết cảm xúc của người khác
Trẻ em có trí tuệ cảm xúc có thể cảm nhận chính xác cảm xúc của người khác, thường bằng cách nhận ra những tín hiệu phi ngôn ngữ cùng một số dấu hiệu tinh tế mà không phải ai cũng chú ý. Theo nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ Michele Borba, khả năng đọc được cảm xúc của mọi người xung quanh sẽ giúp trẻ có được sự đồng cảm, từ đó có cách giao tiếp, ứng xử hợp lý trong mọi tình huống.
Khi hiểu được cảm xúc của người khác, trẻ có thể nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn của đối phương, tránh được mâu thuẫn xảy ra do hiểu lầm hoặc giải quyết xung đột theo chiều hướng tích cực hơn. Trẻ có EQ cao cũng biết cách tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm và suy nghĩ, có xu hướng đánh giá khách quan 2 chiều.
Thích giúp đỡ người xung quanh
Nhà giáo dục Maureen Healy cho biết trẻ có trí tuệ cảm xúc cao luôn quan tâm đến mọi người xung quanh, tìm cách giúp đỡ khi có thể và tập trung nhiều hơn để lợi ích tập thể thay vì cá nhân.
Những đứa trẻ này thích tham gia các hoạt động vì cộng đồng, giúp đỡ người yếu thế hoặc đơn giản là phụ giúp bố mẹ trong việc nhà, hỗ trợ bạn bè, thầy cô trong môi trường trường học.
Việc này có thể rèn luyện khi các bậc phụ huynh làm gương cho con trong việc thể hiện sự quan tâm với mọi người xung quanh, đồng thời trò chuyện về cảm xúc con quan sát thấy ở những người con tương tác trong ngày, gợi ý cho trẻ cách để giúp đỡ nếu ai đó đang trong tình huống tiêu cực nào đó.
Biết quản lý cảm xúc của bản thân
Trên thực tế, ngay cả người trưởng thành cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc trong các tình huống căng thẳng, khiến bản thân bực bội hoặc nói ra những lời tiêu cực. Trong khi đó, trẻ có EQ cao rất giỏi trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình một cách hiệu quả, không hành động bốc đồng vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Đứa trẻ nào ban đầu cũng có xu hướng phản ứng mạnh mẽ với những sự việc xảy ra không như mong muốn. Tuy nhiên bố mẹ hoàn toàn có thể hướng dẫn con từ việc hít thở sâu, tránh bản thân bị kích động, học cách sử dụng lời nói đúng hoàn cảnh thay vì hét lên khi tức giận”, nhà giáo dục Maureen Healy cho biết.
Theo Huffpost