Vào những năm 1990 nỗi ám ảnh cả thế giới về dịch bệnh truyền nhiễm là dịch cúm Tây Ba Nha (năm 1918). Theo ước tính của các nghiên cứu khác nhau dịch cúm này đã làm tử vong 50-100 triệu người. Tỷ lệ tử vong theo ước tính từ 2,8- 3,6% dân số chung lúc bấy giờ.

Từ năm 1920-1960 thế giới không xuất hiện vụ dịch nào gây chú ý. Tuy nhiên, những năm 1960-1970 các vụ dịch xuất hiện khá liền kề nhau và đặc biệt những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 các dịch bệnh liên tục xuất hiện như: SARS, MERS, SARS-CoV-2...

Theo nhận định của PGS.TS Lê Minh Khôi, Trưởng đơn vị hình ảnh học Tim mạch, Trưởng ban Khám và Điều trị bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM, đại dịch Covid-19 là một biến cố tập thể quan trọng đối với đời sống của mỗi cá nhân. Nó làm thay đổi từ hình thức sinh hoạt, triết lý sống…

Khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc rất nhiều người phủ nhận và nghĩ đó chỉ là dịch cúm thông thường. Bản thân PGS.TS Khôi cũng ở trong nhóm phủ nhận mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. 

Sau đó con người đã chuyển từ phủ nhận sang đối mặt với một kẻ thù không nhìn thấy được chính là virus SARS-CoV-2. Việc nhận biết được kẻ thù, đưa kẻ thù ra ánh sáng sẽ giúp cho con người thành công khi chiến đấu lại với nó.

 - Ảnh 1.

Bảo vệ thiên nhiên là cách giúp con người tránh được dịch bệnh, ảnh minh hoạ.

PGS.TS Khôi cho hay: "Coronavirus đa phần lưu hành trong tự nhiên ở loài dơi. Hiện giờ các nhà khoa học đã phân lập 100 Coronavirus khác nhau từ các loài dơi, con số này có thể sẽ nhiều hơn. Quá trình tự nhiên virus corona trên dơi sẽ biến đổi và lây sang các động vật như: lạc đà, cầy hương. Virus corona lây sang người qua một vật chủ trung gian.

Ví dụ, bệnh SARS (vật chủ trung gian là cầy hương), bệnh MERS (lạc đà) và Covid-19 hiện nay nghi ngờ lây qua tê tê. Như vậy nếu chúng ta không sử dụng thực phẩm động vật hoang dã nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm sẽ thấp đi.

Ngược lại nếu chúng ta tiếp tục lối sống không bảo vệ thiên nhiên, tấn công vào động vật, làm trái đất nóng lên thu hẹp không gian sống của động vật, khi đó sẽ tiếp xúc con người và động vật ngày càng cao và dịch bệnh xuất hiện ngày càng dày hơn", PGS.TS Khôi chia sẻ.

Tất cả các loài virus tự nó không thể sinh sôi được. Muốn gây bệnh nó phải đi vào tế bào của vật chủ để sinh sôi và gây bệnh. Virus SARS-CoV-2 có đặc điểm bám vào niêm mạc, khi virus vào cơ theo cơ chế nhập bào và nó sẽ sử dụng tất cả những gì sẵn có trong tế bào để nhân lên gấp nhiều lần và xâm nhiễm sang các tế bào khác.

SARS-CoV-2 cực kỳ nguy hiểm, nó ký sinh nhưng khi đi vào tế bào lại làm chủ tế bào đó. Virus này tấn công vào rất nhiều cơ quan trong cơ thể như: phổi, tim, gan. Trong đó phổi là cơ quan bị virus tấn công nhiều nhất.

SARS-CoV-2 tấn công vào phế nang của phổi nơi diễn ra quá trình trao đổi không khí. Virus tấn công vào lớp tế bào type 2 Pneumocyte làm thay đổi cản trở quá trình trao đổi chất. Hậu quả khiến phổi phù nề, đông đặc không còn chức năng trao đổi chất cho cơ thể và bệnh nhân tử vong.