Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù luôn được đánh giá là 1 trong số ít những "hành trang" có ý nghĩa mà chúng ta cần trang bị cho bản thân, từ khoá "bảo hiểm" vẫn gắn liền với những bình luận và đánh giá trái chiều.
Có nhiều ý kiến cho rằng, bảo hiểm được cho là một lá chắn mạnh mẽ đặc biệt trong chuyện sức khoẻ và tài chính của mỗi người và dưới 30 là khoảng thời gian chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ đến vấn đề này để đảm bảo tài chính và sự hạnh phúc trong tương lai. Nhưng cũng có quan điểm chứng minh đây không thực sự là 1 thứ cần thiết.
Liên quan tới vấn đề này, Mina Chung - Người sáng lập nền tảng Money With Mina với mục tiêu đem an tâm tài chính đến với 50 triệu phụ nữ Việt Nam đã đưa ra ý kiến của riêng mình.
"Ở góc nhìn cá nhân của tôi, bảo hiểm là một phần quan trọng trong "Vòng xoay dòng tiền" – 5 khía cạnh cơ bản của quản lý tài chính vì nếu bạn và gia đình không được bảo vệ, mình sẽ không an tâm về tài chính, và chính điều ấy sẽ ảnh hưởng đến tất cả các bước khác trong việc quản lý tài chính. Vì vậy bạn sẽ cần bảo hiểm để bảo vệ được sức khỏe và những tài sản bạn tích lũy." - Mina Chung khẳng định.
Vậy, 4 trường hợp mà bạn cần tính toán tham gia bảo hiểm cần thiết hơn so với những người khác là gì?
Muốn biết cụ thể là gì, hãy tham khảo tiếp bài viết dưới đây!
1. Bạn là trụ cột kinh tế của gia đình
Nhắc đến bảo hiểm, chúng ta thường được tiếp cận thông qua quan ngại phổ biến: không được bảo vệ khi có tai nạn xảy ra, tốn nhiều chi phí hơn… Nhưng với đa số, chúng ta sẽ cảm thấy những việc bất trắc đó có tỉ lệ xảy ra thật hiếm hoi. Nên trong góc nhìn đó, bạn sẽ cảm thấy có bảo hiểm thật dư thừa.
Nhưng nếu bạn nghĩ sâu hơn, điều gì sẽ xảy ra khi những bất trắc dẫn đến gánh nặng tài chính cho gia đình? Giả sử tôi là người trụ cột kinh tế chính, nếu tôi mất việc, đau ốm, hoặc có những vấn đề không lường trước được thì những người đang phụ thuộc vào thu nhập của tôi (ba mẹ, vợ/chồng, con cái…) cũng sẽ gặp khó khăn. Và đừng quên, tất cả những mục tiêu tài chính bạn đặt ra cho việc nghỉ hưu, lúc này sẽ có thể không đạt được.
Có khi chúng ta không thể lao động trong một khoảng thời gian, các tài sản khác thì phải bán cắt lỗ để chi trả cho bệnh viện, hoặc thay cho phần thu nhập mình không kiếm được. Đối với những bất trắc như thế, bảo hiểm sẽ là công cụ để bảo vệ bạn và gia đình khỏi những gánh nặng tài chính phát sinh.
Tài chính gia đình giống như những chiếc domino đứng cạnh nhau, nếu bạn là người trụ cột, hãy thêm cho mình sự bảo vệ vì nó không chỉ ý nghĩa với một mình bạn. Và lúc này, bạn nên mua bảo hiểm y tế cho mình và gia đình, hoặc bảo hiểm nhân thọ khi gia đình mình sẽ là những người thụ hưởng. Người thụ hưởng nên là người có độ tuổi trẻ hơn mình, để họ có thể tiếp tục có thời gian lo cho các thành viên khác.
2. Bạn còn trẻ và đường băng thời gian dài
Nhiều bạn trẻ cho rằng bạn còn quá trẻ và còn khỏe mạnh để tham gia bảo hiểm, nhưng thực tế thì càng trẻ, chi phí tham gia của bạn sẽ càng ít. Bảo hiểm không quá đắt đỏ như bạn nghĩ. Nhưng vấn đề lớn ở đây là nếu bạn đợi đến lúc xảy ra vấn đề (bệnh tật, tai nạn) thì có thể bệnh của mình sẽ bị loại trừ bảo vệ hoặc bảo hiểm sẽ từ chối bán cho bạn. Khi tham gia bảo hiểm, bạn sẽ được khuyến khích sử dụng gói có giá trị chi trả tối thiểu 10% thu nhập và tối đa 20% của năm. Bởi vì nếu tham gia quá ít sẽ không đủ quyền lợi, còn nếu tham gia quá 20% thì sẽ trở thành gánh nặng tài chính vì bảo hiểm là 1 hợp đồng lâu dài từ 5 năm trở lên.
Ngoài ra, khi bạn còn trẻ, vào tầm độ tuổi dưới 25, bạn có thể tham gia bảo hiểm mà không cần phải thực hiện kiểm tra sức khỏe (trừ những trường hợp có tình trạng sức khỏe, công việc cần phải kiểm tra kỹ hơn). Và bạn được tối ưu thêm thời gian, có thể bạn đã đóng xong bảo hiểm vào trước năm 40 tuổi – trong độ tuổi bạn vẫn còn làm việc nên nó không trở thành vấn đề tài chính.
Hiện nay có những loại bảo hiểm liên kết đầu tư (hay còn được gọi là BH nhân thọ), khoản sinh lời mỗi năm kết hợp cùng yếu tố lãi kép có thể giúp số tiền gốc tăng trưởng qua nhiều năm, giúp bạn đạt được những mục tiêu quỹ hưu trí, và quan trọng là quỹ hưu trí này sẽ tiếp tục chi trả cho bạn sau hưu trí để bảo đảm tiền phải sống thọ hơn mình.
Có thể bạn suy nghĩ khi mình đang làm cho công ty là đã được mua bảo hiểm. Nhưng bạn cần tìm hiểu những lợi ích đó có đảm bảo đầy đủ và phù hợp với hoàn cảnh của bạn và gia đình chưa? Ví dụ bạn có thể kiểm tra về quyền lợi nội, ngoại trú, thai sản, ung thư… trên các gói được công ty mua sẵn. Hoặc bạn có xác định làm việc cho công ty đó đến khi về hưu hay không, nếu đổi công ty thì những quyền lợi có thể sẽ khác, việc bảo vệ của bạn sẽ bị động khi phụ thuộc vào bảo hiểm của công ty.
3. Bạn là người làm tự do (freelancer hoặc chủ kinh doanh nhỏ)
Khi bạn làm tự do (freelancer hoặc chủ kinh doanh nhỏ), có nghĩa rằng không có công ty đóng bảo hiểm hằng tháng nên bạn sẽ cần tìm hiểu thật kỹ các loại bảo hiểm của nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho mình, bên cạnh các bảo hiểm tư nhân khác.
Hiện nay phí tham gia vào BHYT khá thấp nhưng lại được hỗ trợ từ 32%-100% cho các bệnh viện đúng tuyến thuộc huyện/tỉnh và tham gia liên tục trên 5 năm. Ngoài BHYT, bạn còn có thể tự đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tai nạn… đây là những loại bảo hiểm nhà nước gia tăng quyền lợi an sinh xã hội cho người dân.
4. Bạn theo đuổi lối sống FIRE (nghỉ hưu sớm)
Với những bạn theo đuổi lối sống nghỉ hưu sớm, việc quản lý tài chính cần được thực hiện gắt gao hơn.
Khi bạn nghỉ hưu sớm, thời gian hưu trí của bạn cũng dài hơn nên việc lên ngân sách và thực hiện theo kế hoạch tài chính đặt ra ban đầu rất quan trọng. Và vì thời gian hưu trí dài hơn, chi phí cho y tế sức khoẻ chắc chắn sẽ nhiều hơn. Nên nếu bạn không bảo vệ được từ sớm, thì chắc chắn kế hoạch FIRE của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Lúc này, để duy trì được cuộc sống độc lập tài chính, có thể bạn phải tiếp tục lao động. Dẫn đến có bảo hiểm khi bắt đầu lên kế hoạch FIRE là yếu tố bắt buộc.
Những thông tin ở trên, các bạn lưu ý rằng khi tôi nhắc đến bảo hiểm, tôi đang nói đến các chi phí y tế sức khoẻ lớn mà bạn cần quan tâm. Ví dụ các chi phí cho nằm viện, bệnh hiểm nghèo, tai nạn, và kể cả nha khoa. Có nhiều bảo hiểm sẽ không bao gồm các chi phí nhỏ như khám định kỳ, gặp bác sĩ khi cảm cúm, vì thế ngoài bảo hiểm y tế sức khoẻ đã có, bạn vẫn cần phải đưa vào một ít chi phí y tế cho bản thân.
Tôi biết ở Việt Nam vẫn có nhiều sự bất cập trong bảo hiểm, bằng chứng là rất dễ gặp phải những tin đồn thất thiệt "bảo hiểm là lừa đảo", "các công ty bảo hiểm chậm thanh toán", "quyền lợi bảo hiểm không đúng như cam kết" và còn rất nhiều những tiếng xấu của bảo hiểm nữa. Những vấn đề khác như các đại lý bán bảo hiểm không có tâm, hoặc bảo hiểm rườm rà phức tạp không dễ hiểu chỉ tốn thêm thời gian đã quá bận rộn của tất cả chúng ta. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, bảo hiểm y tế sức khoẻ là chi phí cần thiết, và đó là điều bắt buộc phải có.
Thế nên để chọn được loại bảo hiểm đúng nhu cầu, bạn cần có kiến thức và chịu khó dành nhiều thời gian để tìm hiểu. Tôi thường khuyên rằng các bạn nên gặp ít nhất 3 công ty bảo hiểm để trao đổi và lựa chọn, đọc kỹ hợp đồng cho dù nó phức tạp – vì bảo hiểm cần một thời gian cam kết tham gia lâu dài (từ 5 đến 10 năm đóng phí). Nếu bạn ngừng giữa chừng, bạn sẽ mất hết quyền lợi, bao gồm cả chi phí mà trước đó bạn đã đóng vào. Và hàng năm bạn có thể ngồi lại với bạn quản lý hợp đồng BH để có thể nghe lại các điều khoản này.
Hãy là một khách hàng thông thái để tìm được loại bảo hiểm phù hợp nhất với mình nhé!