Cứ tới dịp Tết là câu chuyện chi tiêu Tết như thế nào cho hợp lý lại được chị em bàn tán rôm rả. Thực tế thì tiêu Tết bao nhiêu, tiêu Tết như thế nào còn phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu tiền để tiêu Tết cũng như các khoản chi lớn cho Tết của bạn là gì?

Liên hệ với chuyên gia tài chính cá nhân Lê Phương Thanh, hiện đang là chuyên gia giáo dục tài chính. Cô đã nhận được chứng nhận CFEI® của Mỹ. Trước đó từng có 10 năm công tác trong lĩnh vực Ngân hàng. Phương Thanh sẽ đưa ra một vài lời khuyên hữu ích cho chị em để giúp việc chi tiêu Tết hợp lý, tiết kiệm mà vẫn thoải mái.

Chuyên gia tài chính tư vấn cách chi tiêu Tết thế nào cho hợp lý, tiết kiệm mà vẫn thoải mái - Ảnh 1.

"Chi tiêu Tết là câu chuyện không của riêng ai, nhưng mỗi người mỗi hoàn cảnh và mức chi tiêu khác nhau. Chẳng hạn chi tiêu của mình là một người đã có gia đình, có hai con nhỏ nhưng không phải dâu trưởng, không phải chịu trách nhiệm chính cỗ bàn ngày Tết và cũng sống khá đơn giản chắc sẽ khác chị A là dâu trưởng và yêu thích bày biện, trang trí nhà cửa ngày Tết hay có thể sẽ khác với em B vẫn còn độc thân vui tính chẳng hạn.

Mặc dù vậy mình biết rằng ít nhiều ai cũng cảm thấy có đôi chút "quá tải" khi nghĩ đến chi tiêu của bản thân và gia đình trong những ngày gần Tết này. Nếu đó là cảm giác đang hiện hữu trong bạn thì có thể tham khảo những điều mình cho là hữu ích trong việc cân đối chi tiêu tài chính trong dịp Tết dưới đây", Phương Thanh chia sẻ.

Chuyên gia tài chính tư vấn cách chi tiêu Tết thế nào cho hợp lý, tiết kiệm mà vẫn thoải mái - Ảnh 2.

Ít nhiều ai cũng cảm thấy có đôi chút "quá tải" khi nghĩ đến chi tiêu của bản thân và gia đình trong những ngày gần Tết. Ảnh minh họa.

1. Đầu tiên bạn cần xác định các khoản chi lớn trước, trong và sau Tết

Việc liệt kê các khoản chi lớn trong Tết sẽ giúp bạn tránh được việc bỏ sót bất kỳ khoản chi nào quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán.

Như đã nói mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung lại các khoản chi tiêu Tết thông thường sẽ bao gồm các khoản chi lớn sau đây:

- Trước và trong Tết:

+ Chi quà Tết (cơ quan, gia đình, đối tác, cô giáo, giúp việc,…)

+ Trang trí dọn dẹp nhà cửa (đào quất, đồ bày biện,…)

+ Mâm cỗ cúng Tết, ăn uống ngày Tết (thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả,…)

+ Quần áo (quần áo mặc đi tất niên, quần áo mặc chơi Tết, quần áo đi du xuân,…)

+ Đi lại chơi Tết, du Xuân (tiền máy bay, tàu xe, tiền tiêu Tết,…)

+ Và lì xì (mừng tuổi cho những ai, bao nhiêu tiền,…).

- Sau Tết: Các khoản chi phí sinh hoạt thường ngày, tiền phát sinh khác nếu có.

Việc liệt kê đầy đủ các khoản chi lớn trong Tết sẽ giúp bạn lập kế hoạch chi tiêu cho đầy đủ những hạng mục mình cần. Từ đó giúp cân đối được chi tiêu lại tránh phát sinh thêm tiền không mong muốn.

Chuyên gia tài chính tư vấn cách chi tiêu Tết thế nào cho hợp lý, tiết kiệm mà vẫn thoải mái - Ảnh 3.

Hãy xác định các khoản chi lớn trước, trong và sau Tết. Ảnh minh họa.

2. Một số bí quyết giúp bạn chi tiêu Tết hợp lý

Khi đã có một hình dung tương đối rõ ràng về các hạng mục chi tiêu ngày Tết sau đây bạn có thể tham khảo các bí quyết sau để có một cái Tết vui vẻ và không bị "cháy túi" nhé!

- Kế hoạch chi tiêu Tết nên được theo dõi ở một file riêng, độc lập với chi tiêu hàng ngày. Bạn nên có một ngân sách riêng chỉ dành cho Tết, tránh để việc tiêu Tết "vung tay quá trán" ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính khác.

- Nếu có thể hãy dành một phần lương thưởng Tết cho việc tiết kiệm tích lũy thay vì suy nghĩ Tết là dịp để tiêu tiền. Tất nhiên bạn có thể "xông xênh" hơn trong ngày Tết nhưng tuyệt đối tránh tình trạng "nợ nần" sau Tết chỉ vì chi tiêu Tết.

- Bạn nên lập kế hoạch tiêu Tết từ sớm (thời gian bây giờ là vừa vặn).

- Sắp xếp thứ tự mua sắm khoa học. Bạn không nên mua sắm sớm quá hoặc muộn quá. Một số đồ không có hạn sử dụng (như quần áo) hoặc có hạn sử dụng dài (như bánh kẹo, trà) có thể mua trước để có nhiều thời gian và nhiều sự lựa chọn hơn. Các thực phẩm tươi sống cần có kế hoạch đặt trước (đặt shop X, shop Y, … và lưu lại trong file để ghi nhớ). Đừng để sát Tết quá mới mua vì cận Tết thông thường giá cả sẽ tăng, việc mua sắm sẽ rất đông đúc mà lựa chọn không còn nhiều.

Chuyên gia tài chính tư vấn cách chi tiêu Tết thế nào cho hợp lý, tiết kiệm mà vẫn thoải mái - Ảnh 4.

Bạn nên lập kế hoạch tiêu Tết từ sớm. Ảnh minh họa.

- Về vấn đề quà Tết có thể cân nhắc lựa chọn tặng quà sao cho phù hợp với tài chính của bạn và phù hợp với người nhận món quà. Ví dụ ông bà nội ngoại có tuổi ít ăn bánh kẹo thì không nhất định phải mua giỏ quà Tết mà lựa chọn một món quà khác thiết thực hơn.

"Bản thân mỗi người phụ nữ có điều kiện kinh tế, thói quen mua sắm,... khác nhau nhưng tất cả chúng ta đều nên bắt đầu thiết lập các thói quen tốt, xây dựng và hoàn thành mục tiêu tài chính của riêng mình, của gia đình mình và sống một cuộc sống mình mong muốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong dịp Tết này, chỉ cần chị em lên kế hoạch và tuân thủ đúng thì việc chi tiêu hợp lý, tiết kiệm mà vẫn thoải mái là có thể làm được", chuyên gia tài chính Phương Thanh đúc kết.