Sáng 29/5, tại chương trình Hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hoá Thế giới do Báo Sức khoẻ và Đời sống đồng hành cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức.
PGS.TS Trần Như Dương, Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khoảng 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm ở đường ruột. Chế độ dinh dưỡng tốt tăng vi khuẩn có lợi hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Như vậy, chế độ dinh dưỡng đa dạng sẽ giúp cho đường tiêu hóa khỏe mạnh.
Ông Dương nhấn mạnh, dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới hệ vi khuẩn của đường ruột. Một chế độ ăn uống đa dạng 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất sẽ góp phần xây dựng hệ miễn dịch của cơ thể.
Theo ông Dương, để tăng cường lợi khuẩn đường ruột nên bổ sung các sản phẩm có vi khuẩn probiotic (sữa chua). Vi khuẩn probiotic giúp điều chỉnh vi khuẩn đường ruột, giảm nguy cơ mắc các bệnh, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Sữa chua: Chìa khóa vàng giúp tăng cường đề kháng, chống lại nhiễm trùng
Theo các chuyên gia y tế, nghiên cứu mới cũng chỉ ra mối liên hệ giữa hệ thần kinh ruột với thần kinh trung ương mang tính chất hai chiều và được gọi là trục não ruột. Theo đó não bộ tác động lên các hoạt động, chức năng của ruột. Ngược lại, hệ thần kinh ruột, với sự hỗ trợ đắc lực của hệ vi sinh đường ruột, cũng tương tác, kết nối tự động với thần kinh trung ương để không chỉ tối ưu hiệu quả quá trình tiêu hóa - miễn dịch mà còn tác động tích cực đến nhận thức - cảm xúc và hành vi.
Do vậy, một hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng sẽ giúp hỗ trợ tinh thần thư thái, cơ thể khỏe mạnh, hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng tốt hơn. Do đó, chúng ta không thể không chăm sóc tốt cho hệ tiêu hóa nhất là vào những ngày nắng nóng của mùa hè, lượng nước và các chất dinh dưỡng trong cơ thể tiêu hao….
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng cho hay, đường ruột có vai trò quan trọng tiếp nhận dinh dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể. Do vậy, đường ruột khỏe giúp cho việc hấp thu vi chất dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường đề kháng, chống lại các nhiễm trùng.
Bà Lâm tiết lộ, để tăng cường sức khỏe tiêu hóa, cũng như sức đề kháng cho cơ thể, người dân có thể sử dụng sữa chua hàng ngày (mỗi ngày một hộp), nhằm tối ưu hệ vi sinh đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó nâng cao đề kháng, phòng chống bệnh tật cho cơ thể.
Tự làm sữa chua, phải tuân thủ an toàn thực phẩm
PGS Lâm cũng chỉ ra thực trạng liên quan đến vấn đề dinh dưỡng khiến nhiều trẻ bị ngộ độc do ăn sữa chua tự làm tại trường học.
Theo PGS dinh dưỡng, sữa chua tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, khi tự làm sữa chua không đảm bảo an toàn vệ sinh, bảo quản không tốt có thể nhiễm các vi khuẩn có hại gây ra ngộ độc. Ngoài ra, việc tự làm sữa chua nếu không bảo quản tốt sẽ làm giảm đi chủng men tốt.
Trong khi đó, BS. Nguyễn Vũ Linh cũng đưa ra khuyến cáo cách bảo quản sữa chua tốt nên bảo quản kín ở nhiệt độ thích hợp 4-8 độ C. Với nhiệt độ này sữa chua không bị đóng đá vẫn giữ được độ mềm mịn, ngon và hương vị. Việc để sữa chua ở ngăn đá ít nhiều sẽ làm cho vi khuẩn bị bất hoạt và giảm chất lượng.