Trong số rất nhiều thói quen thể hiện sự căng thẳng như búng ngón tay, xoắn tóc, véo mũi..., cắn móng tay là hành động thường thấy nhất. Hầu hết các bé đều làm vậy, thậm chí có trẻ vẫn duy trì thói quen này khi đã lớn hơn. Khoảng 1/3 học sinh cấp 1 và 1/2 trẻ vị thành niên có thói quen cắn móng tay.
Nhắc nhở bé
Bạn hãy giải thích với bé cảm giác của bạn về việc bé cắn móng tay (kinh khủng, bẩn thỉu, khó chịu… ). Tuy nhiên, bé sẽ không từ bỏ được thói quen này ngay đâu, bạn vẫn phải nhắc nhở bé mỗi khi bé “chót” quên nữa.
Ở các hiệu thuốc có bán một số loại dược phẩm mùi vị không dễ chịu lắm để chữa tật cắn móng tay. Tuy nhiên, với trẻ ở tuổi này, việc bôi thuốc lên đầu ngón tay bé có vẻ giống như việc phạt bé một cách oan uổng. Thuốc bôi đó chỉ thích hợp với những bé tiểu học và chỉ khi bé thực sự muốn từ bỏ tật cắn móng tay.
Để tay bé luôn “bận rộn”
Bạn nên để mắt tới bé, đặc biệt là khi bé sắp sửa cắn móng tay, chẳng hạn khi đang xem TV, hay trên ôtô… Hãy đưa cho bé cầm một thứ gì đó như một con rối, quả bóng nén hay đồ chơi có chất liệu dẻo. Cắt móng tay thường xuyên để bé không thể cắn được cũng là một cách.
Kiểm tra cẩn thận
Nếu bé cứ liên tục gặm móng tay đến mức chảy máu, hoặc bé nhai nhai móng tay và kèm thêm một số động tác khác như kéo tóc..., bạn nên nhờ bác sĩ nhi khoa tư vấn. Con bạn có thể đang phải chịu đựng nhiều sự lo lắng và căng thẳng hơn những bé khác.
Tuy nhiên, với phần lớn trường hợp, cắn móng tay chỉ là thói quen để bé "tiêu khiển". Bạn hãy giúp con từ bỏ nó bằng cách không khuyến khích bé; cố tình không nhận ra hoặc lờ đi những thói quen này. Và rồi một ngày, đột nhiên bạn sẽ nhận ra chúng không còn tồn tại nữa, cũng giống như thói quen dùng tã lót hay ti giả cho bé.