Chuyện mời trước khi ăn đã là một điều quen thuộc với tất cả các gia đình. Khi ngồi vào mâm cơm, điều đầu tiên mà mỗi người cần phải làm đó là mời mọi người ăn cơm. Với những người có vai vế cao như ông bà, chú bác, chuyện mời cơm cũng khá đơn giản như “cả nhà ăn cơm đi nào”, “thôi chúng ta ăn cơm thôi”… hoặc một câu nào đó là đã vào bữa được rồi.
Nhưng với trẻ con thì khó hơn một chút. Gia đình 4 người thì đơn giản nhưng ngày Tết khi ăn cỗ thì quả là phức tạp hơn nhiều. Mới đây trên mạng xã hội ghi lại một đoạn clip cảnh bé gái mời cơm khiến ai cũng phì cười.
Bé gái mời cơm mọi người ngày Tết
Cô bé bắt đầu mời từ trên xuống dưới: ông bà, các bác các chú, các cô, các dì, các anh chị, các em… Sau khi cảm thấy có vẻ đã đủ, bé gái mới cúi xuống ăn cơm.
Thế nhưng theo dân mạng, đây vẫn chỉ là một gia đình ít người, với các gia đình ngồi 3-4 mâm thì việc mời còn mệt hơn rất nhiều: “Mình mời xong mà hết hơi chứ đừng nói gì bé nhà mình. Lâu không về quên hết, phải vận dụng trí óc xem đấy là ai để mà mời, sau đó phải theo thứ tự lần lượt, bỏ qua ai là bị mắng ấy”, “Mời xong cúi xuống hết luôn đồ ăn mọi người ơi”…
Dường như đây là câu chuyện không của riêng nhà nào, thế nhưng vì đây là phong tục nên các bé cũng cần phải dần làm quen. Đây là thói quen tốt giúp các con giữ văn hoá nghi lễ, biết trên dưới, biết mời mọi người trước bữa cơm.
Nhiều mẹ bỉm chia sẻ, thôi thấy nhiều quá thì cứ gom lại “con mời các ông bà, các cô bác, anh chị em ăn cơm là được rồi”. Tuy nhiên còn tuỳ vào thói quen của từng gia đình mà xử lý ra sao cho phù hợp.
Trên thực tế, bữa cơm của gia đình Việt có rất nhiều thói quen đang được lưu giữ, còn gọi là văn hoá ăn cơm. Có thể kể đến như những câu chuyện trên bàn ăn, việc mời cơm, việc xin kết thúc ăn cơm, việc bày biện đồ ăn, việc thứ tự ngồi ăn uống, tốc độ ăn… ở một số gia đình cũng được ưu tiên. Sau nhiều bữa ăn với gia đình, các bé sẽ được bố mẹ dạy dần về những điều đó, lâu dần trở thành thói quen.