Có những cặp đôi mà suốt cuộc hôn nhân hàng chục năm, họ chưa từng xích mích, tranh cãi. Cuộc hôn nhân của họ cứ kéo dài như vậy trong tình yêu thương thắm thiết của cả hai người.
Đến với một viện dưỡng lão Bách Niên Thiên Đức, tôi được gặp bà Tuyết Hằng và được nghe kể về câu chuyện tình giữa bà cùng chồng mình.
Mối tình giữa cô gái ngành Y và người đàn ông hơn 10 tuổi
Năm ấy, bà Hằng mới 23, là quân y chuyển ngành về công tác tại Bộ Điện Than. Bà là người quê ở Bát Tràng. Chồng bà là người Yên Hòa (Hà Nội).
Vào những năm cuối thập niên 60, Hà Nội còn sử dụng xe điện. Hai ông bà quen nhau từ những chuyến xe điện đó vì họ cùng sinh sống tại Từ Liêm. Sáng sáng, họ lại đạp xe đến chợ Bưởi rồi ngồi xe điện đến bờ hồ Gươm gần nơi làm việc. Cả hai cùng trong một cơ quan, sinh hoạt cùng chi Đoàn. Chính vì những điểm chung đó đã giúp ông bà gặp nhau.
Khi kể về ấn tượng đầu tiên dành cho ông, bà Hằng bật cười: "Chồng tôi hiền lành, phúc hậu và điềm đạm lắm. Tuy nhiên ngày ấy tôi chê ông vì ông già, hơn tôi đến cả 10 tuổi.
Khi ông đã thích rồi thì ông cứ đòi lên thăm gia đình. Đương nhiên tôi ngại ngần nên cứ nói dối, không cho ông lên. Sau đó mấy chị làm cùng ở phòng Y tế cứ vun vào rồi bảo rằng nhà ông cũng ở trên chợ Bưởi. Dần dần thì tôi cũng đồng ý vì ông ấy rất tốt".
Ngày đó, sau khi bố mẹ bà Hằng gặp ông thì ưng ý luôn. Bố mẹ thật lòng khuyên nhủ cô con gái: "Cậu ấy như thế là quá tốt rồi con ạ, cùng cơ quan, cũng ở Hà Nội vậy là quá tốt. Theo bố mẹ thì con đừng chê già nữa".
Có những lời ấy, bà Hằng càng yên tâm hơn. Hai ông bà yêu nhau 1 năm thì kết hôn. Đám cưới được tổ chức vào năm 1969. Khi đó bà 24 còn ông 34 tuổi.
Đám cưới những năm ấy được tổ chức ở nhà ăn cơ quan ở số 54 Hai Bà Trưng. Hai ông bà được cơ quan phát tem phiếu mua chiếc giường giá 50 nghìn đồng và mấy bao thuốc lá Sông Cầu.
Quý giá nhất những ngày ấy và cũng là tài sản lớn mà bà giữ gìn được tận đến hôm nay chính là bức ảnh cưới do ông chủ động rủ bà đi chụp. Tấm hình chụp ở hiệu ảnh Quốc tế ở gần Hồ Gươm. Trong tấm hình, hai ông bà cách đây hơn 50 năm vừa trẻ trung vừa đẹp đẽ.
"Ngày đó, quà cưới đơn giản lắm. Mọi người tặng vợ chồng trẻ cặp lồng, đồ nhựa đơn giản nhưng mà rất vui", bà Hằng nhớ lại.
Lúc đó, bố mẹ chồng của bà đã mất. Hai cụ để lại cho hai con trai là chồng bà và anh trai chồng một căn nhà ở phố Yên Hòa. Chẳng may anh trai mất sớm, khi đó, chồng bà sống cùng một người cháu ở đó.
Sau khi kết hôn, cơ quan phân cho họ một suất nhà riêng trên phố Trần Hưng Đạo. Ban đầu, căn hộ rộng 12-13m2. Nhà cũng được đổi theo mức lương của ông. Từ Trần Hưng Đạo họ lại được phân nhà mới ở Mai Động, về Kim Liên rồi sang Đội Cấn. Hai ông bà đã cùng đồng hành với nhau đi qua từng căn nhà như thế.
Sự tôn trọng và đồng cảm là điểm tựa hôn nhân
Sau khi kết hôn, ông vẫn thường xuyên phải đi công tác. Phải đến 7 năm sau, bà mới sinh con trai đầu lòng. Và đến năm 1983, con trai thứ hai ra đời. Một gia đình 4 người "kiểu mẫu" và hạnh phúc.
Vì đặc thù công việc, chồng bà Hằng liên tục đi công tác. Công việc của bà là làm y tế, hay ở nhà. Vì chồng bận rộn, bà thay ông quán xuyên việc nhà, nuôi các con khôn lớn. Trong suốt nhiều chục năm, bà là một điểm tựa, là người hậu phương vững chắc để ông phấn đấu cho sự nghiệp của mình.
"Ông nhà tôi điềm đạm lắm, kể cả sau khi kết hôn với nhau vẫn như thế. Ông ấy hiền lành, chu đáo, lịch sự và tốt bụng. Với ai ông ấy cũng thế. Có lẽ vì vậy mà hai vợ chồng tôi chẳng có cãi vã bao giờ", bà Tuyết Hằng tâm sự.
Trong cuộc sống bình thường, vợ chồng bà Hằng lúc nào cũng bàn bạc để cùng đưa ra những quyết định cùng nhau. Ví dụ như chuyện học hành của con cái, hai bên phải trao đổi kỹ lưỡng. Lúc chồng dạy con thì bà im lặng rồi đợi lúc khác hai bên lại nói chuyện, thống nhất chuyện dạy dỗ. Suốt hơn 50 năm bên nhau, ông bà chưa từng nặng lời hay phải to tiếng. Lúc ông nóng giận thì bà nhịn để trong nhà lúc nào cũng hòa thuận.
"Tôi thế này nhưng lại không dỗi, chồng tôi còn hay dỗi hơn. Nếu hờn dỗi, ông thường xuống nhà bà chị ở Ngọc Hà. Nhiều lúc không thấy ông ấy đâu tôi lại đi tìm xem ông ở đâu. Bà chị gái sau đó kiểu gì cũng nhắn đứa cháu lên bảo với tôi là chồng đang ở dưới ấy. Nói chung ông dỗi chút thôi chứ không có làm ầm ĩ hay gây chuyện bao giờ", bà Tuyết Hằng tâm sự thêm.
Trong gia đình bà Hằng, mọi chuyện cần được cả hai bên vợ chồng đồng thuận. Lúc nào vợ chồng cũng phải tôn trọng nhau.
Bà kể: "Với chồng bà thì chuyện lớn chuyện bé gì cũng bàn trước với vợ, chưa bao giờ tự mình làm việc gì. Có việc là hai bên hỏi ý kiến nhau. Đó là sự đồng thuận.
Thêm việc nữa là việc nhà cả hai cũng bàn bạc, sắp xếp sao cho phù hợp. Vợ cũng nên biết thông cảm và thấu hiểu cho chồng. Ví dụ chồng hay đi công tác thì ở nhà mình cũng chu toàn chứ đừng trách móc rằng sao ông đi suốt. Cái gì thì cũng nên có sự đồng cảm và tôn trọng nhau".
Bình thường ông cũng hay làm thơ hay viết nhạc tặng bà. Câu thơ của ông chỉ "nôm na" nhưng rất tình cảm. Đôi lúc đến ngày lễ ông cũng mua quà đơn giản tặng vợ. Ông là một người "cổ" nhưng cũng cố gắng để mang đến điều lãng mạn cho bà. Cuộc sống cứ đơn giản như vậy nhưng lại chất chứa thật nhiều điều hạnh phúc.
Quyết định bán nhà vào viện dưỡng lão và cùng hiến xác khi qua đời
Ông bà sinh được hai người con. Hiện tại, họ đều có sự nghiệp vững chắc ở Nhật Bản. Vì con cái ở xa nên ban đầu họ định thuê giúp việc chăm sóc bố mẹ.
Tuy nhiên, ông bà bàn bạc với nhau và cho rằng giúp việc không thể nào bằng được sự chăm sóc trong viện dưỡng lão. Các con trai của bà về nước, đi đến vài nơi để tìm chỗ tốt nhất, phù hợp nhất rồi mới chọn lựa. Ông bà cũng đi nhiều nơi và phát hiện viện dưỡng lão hiện tại thật sự hợp lý.
"Hai vợ chồng tôi có suy nghĩ rất thoải mái và 'thoáng'. Con cái ở xa cũng chỉ lo bố mẹ ở nhà thế nào. Con ở nước ngoài thì biết viện dưỡng lão cũng rất tốt, trùng hợp thay hai chúng tôi cũng đã bàn với nhau vậy. Con đã cùng bạn đi tìm hiểu nhiều chỗ rồi mới chọn nơi này để bố mẹ đến sinh sống.
Sau một thời gian ở đây, hai vợ chồng tôi quyết định bán căn nhà bên ngoài, chuyển vào đây luôn. Nhà để không cũng chẳng để làm gì. Vào đây thấy cuộc sống tốt quá, từ sự chăm sóc của các cháu đến nơi ăn chốn ở đều tốt và chu đáo, chúng tôi yên tâm và thấy quyết định quá đúng đắn. Các con ở nước ngoài cũng đỡ lo toan", bà Tuyết Hằng tâm sự.
Bà Hằng cũng tiết lộ thêm rằng mình và chồng đều quyết định hiến xác cho y học sau khi qua đời. Ông bà xem Tivi, thấy nói nhiều đến việc thiện. Họ cũng muốn sau này mất đi để lại được cái gì đó cho đời. Bà thấy hiến tạng, hiến xác cho y học là việc làm rất có ý nghĩa.
"Tôi là người làm trong ngành y nên cũng biết. Có xác để phục vụ cho việc nghiên cứu là một điều rất đúng đắn và tốt đẹp nên bàn bạc với ông. Chuyện này, hai vợ chồng bàn nhau đến mấy lần rồi thống nhất với nhau. Vậy đấy, chuyện gì chúng tôi cũng bàn kỹ lưỡng thế cả.
Sau đó hai vợ chồng nói với các con, ban đầu chúng nó cũng băn khoăn và bất ngờ nhưng chúng ủng hộ bố mẹ khi biết được ý nghĩa đằng sau. Vậy là chúng tôi làm đơn, con cái ký xác nhận rồi làm thủ tục, hai vợ chồng tự nguyện hiến xác", bà Hằng nhớ lại.
Khao khát và lí tưởng chung của cả hai ông bà đều muốn làm việc thiện, muốn được cống hiến chút gì đó cho đời. Đến khi già rồi, họ vẫn muốn được hiến xác, phục vụ cho khoa học.
"Thật sự việc làm của chúng tôi như hạt cát trên sa mạc thôi, mình giúp được gì cho đời thì giúp. Cống hiến được gì là cống hiến. Con cái cũng bảo rằng việc làm của bố mẹ vậy là đúng đắn chứ chẳng có vấn đề gì", bà Hằng chia sẻ thêm.
Những lời dặn dò cuối cùng của người đàn ông yêu vợ
Hiện tại, bà đang sống một mình trong căn phòng rộng khoảng 30m2 ở viện dưỡng lão. Đó là một căn phòng sạch đẹp, thoáng mát và có công trình phụ khép kín. Khi ông còn sống thì hai vợ chồng vui vẻ thủ thỉ trò chuyện cả ngày. Đến khi ông mất đi, bà lại có những người bạn ở viện hoặc nhân viên của viện dưỡng lão đến tâm tình.
Đến bây giờ, bà Hằng vẫn nhớ lại tháng cuối cùng của chồng trước khi ông yếu rồi mất. Vì tuổi già nên ông đã "đi trước bà một bước".
Trong suốt 1 tháng cuối cùng khi bệnh tình ông trở nặng, bà vẫn ở bên chăm sóc ông từ việc thay tã bỉm hay cho ông ăn. Nhân viên ở viện dưỡng lão muốn để bà nghỉ ngơi, họ sẽ lo toan toàn bộ nhưng bà vẫn muốn tự tay chăm sóc chồng mình.
Bà Tuyết Hằng ngậm ngùi: "Trước đó khi còn khỏe, ông cũng nói với tôi về chuyện mình sẽ 'đi' trước. Ông dặn rằng: 'Sau khi tôi mất bà khỏe thì cứ đi lại vui chơi đừng nghĩ đến tôi. Bà nghĩ cũng có mức độ thôi, tự lo cho mình.
Bà nên đi thăm các con để các cháu biết người Việt Nam như thế nào. Bà đừng âu sầu, rẫu rĩ quá không tốt. Giờ bà có một mình thì tôi thương lắm. Nhưng may có các cháu ở viện đây, bà sống ở đây 6 năm cũng biết các cháu thế nào nên bà cứ yên tâm nhé. Đừng nghĩ ngợi nhiều'. Mỗi khi nhớ lại lời ông tôi vẫn rưng nước mắt. Đến cuối cùng ông ra đi nhưng vẫn chỉ đau đáu vợ ở lại ra sao".
Đêm hôm ông trở nặng, bà Hằng vẫn bón cho chồng ăn. Bà ngồi bên cạnh giường, cầm tay ông. Khoảng hơn 22 giờ đêm, tay ông rời ra ngoài. Những người cùng túc trực bảo bà: "Ông đi rồi bà ạ".
"Lúc đó, tôi choáng váng, gục xuống giường luôn. Chồng tôi đã buông tay, tôi còn không biết gì nữa. Các cháu bảo rằng sẽ sắp xếp phòng bên để tôi sang nghỉ ngơi nhưng tôi muốn ở lại với chồng mình một đêm nữa", bà kể.
Suốt đêm đó, trong căn phòng mà hai ông bà đã ở hơn 5 năm, bà ngồi bên giường cạnh chồng. Bà cầm tay ông trực đến sáng. Trong đêm cuối bên nhau đó, bà Hằng nghĩ đến tình cảm suốt hơn 50 năm. Những hình ảnh, kỷ niệm của hai ông bà lần lượt xuất hiện. Lúc đó, bà thương ông vô cùng vì con cái ở xa, tình hình dịch bệnh chẳng thể ở bên cạnh bố, đưa tiễn bố trong quãng đường cuối cùng của cuộc đời.
Ngay sáng hôm sau, nhân viên bên Học viện Quân Y đã đến để nhận xác ông và đưa về làm lễ truy điệu. Bà cùng những nhân viên ở viện dưỡng lão đã cùng đi theo xe xuống đó, cùng đồng hành với ông ở thời khắc cuối cùng.
"Ông mất đi nhưng như thế này là xác ông vẫn 'sống', trong thâm tâm tôi là ông vẫn sống. Tôi buồn vì chồng mất đi nhưng cái chết của ông vẫn mang đến ý nghĩa, như thế là quá tuyệt vời rồi. Từ ngày ông mất, tôi cũng cố sống vui vẻ theo lời dặn nhưng nhiều lúc cũng buồn vì thương nhớ. Những lúc ấy các cháu lại đi ra đi vào, vui vầy chăm sóc nên tôi khuây khỏa hơn nhiều", bà tâm sự thêm.
Bà Hằng hạnh phúc xem lại những tấm ảnh của gia đình.
Hai con của bà tại Nhật Bản cũng thành công trong sự nghiệp và đều cưới vợ Nhật. Hằng ngày, con trai con dâu và các cháu lại gọi điện về hỏi han, gửi ảnh về cuộc sống bên đó cho bà Hằng.
Hồi ông còn khỏe, hai ông bà đã nhiều lần sang Nhật thăm các con. Trong căn phòng ở viện dưỡng lão, bà có rất nhiều cuốn album ghi lại hình ảnh trong những chuyến đi đó. Tất cả đều là tài sản quý giá mà bà hết lòng gìn giữ.