Chuyện ít ai ngờ của chàng trai trẻ chưa vợ dịch “Ký ức của vợ tôi” gây "bão like"
Ít ai ngờ rằng, người dịch câu chuyện “Ký ức của vợ tôi” lại là một chàng trai trẻ tuổi chưa vợ. Và khi đọc câu chuyện này, hầu như tất cả mọi người nghĩ về bạn đời thì anh lại nghĩ rất nhiều về gia đình, đặc biệt là về mẹ.
Bật khóc với câu chuyện "Ký ức của vợ tôi" hơn 50 nghìn lượt thích và chia sẻ
Thời gian qua, câu chuyện “Ký ức của vợ tôi” nằm trong bộ Tales of the Unusual kể về những câu chuyện kì lạ trong đời sống của tác giả Seongdae Oh được Nguyễn Ngọc Cương dịch ra tiếng Việt và chia sẻ trên trang facebook cá nhân đã làm lay động hàng triệu trái tim, đặc biệt là chạm tới trái tim của những người chồng vô tâm, đang ”đóng băng” cảm xúc với người vợ yêu thương.
Có lẽ, ai cũng nghĩ rằng, người dịch câu chuyện là một người đàn ông có tuổi, đã có vợ và con, nhưng thật bất ngờ khi anh chỉ là một chàng trai 9X trẻ tuổi sinh năm 1990 và chưa lập gia đình.
Vậy lý do gì thôi thúc được chàng trai trẻ tuổi hứng thú với câu chuyện này đến thế? Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Ngọc Cương cho biết: “Thật ra khi đọc được chuyện "Ký ức của vợ tôi", mình thấy đồng cảm với câu chuyện đó, một phần vì mình cũng đã trải qua một câu chuyện, dù không giống nhưng cũng có nhiều điểm chung. Tuy nhiên, mình may mắn hơn nhân vật chính, mình vẫn còn kịp để dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Khi đọc câu chuyện đó mình đã nghĩ rất nhiều về gia đình mình, đặc biệt là mẹ mình”.
Chàng trai trẻ tự nhận rằng mình chưa phải là người con tốt vì đã từng có lúc để mẹ phải một mình với "sóng gió cuộc đời". "Trước đây, khi chuyện không hay ập đến với gia đình mình và đặc biệt là trên vai mẹ mình, mẹ mình đã giấu tất cả và chịu đựng một mình, không nói với ai cả. Mình nghĩ người mẹ nào cũng sẽ làm thế, đến khi mọi chuyện xảy ra, tưởng chừng như gia đình mình đổ vỡ, lúc đó mình vừa thương mẹ vừa trách móc mình tại sao lại để mọi chuyện xảy ra đến nông nỗi này. Đã có thời gian mình muốn rời xa gia đình để thấy nhẹ nhàng và đỡ phiền phức hơn, nhưng thật may là mình vẫn quyết định chọn để mẹ về sống cùng mình, và thật ra mình cứ nghĩ là mình sẽ chăm sóc mẹ nhưng mẹ mới là người chăm sóc mình, như từ trước đến giờ”.
Chính
sự chịu đựng, hy sinh thầm lặng và tình yêu của người mẹ đã khiến chàng trai
Nguyễn Ngọc Cương cảm thấy hối hận vì trước đó đã có lúc suy nghĩ sẽ rời xa nơi
đầy ắp những yêu thương, ấm áp. Anh nhận ra rằng, chỉ có gia đình mới cho con
người cảm giác được an toàn, được sống trong sự đùm bọc, chở che.
Tự trách bản thân mình, nhìn nhận nghiêm khắc về bản thân mình là vậy nhưng với mọi người, Nguyễn Ngọc Cương lại vô cùng “rộng rãi”: “Có lẽ trong tâm trí mọi người ai cũng dành tình cảm mạnh mẽ cho gia đình, cho vợ, cho bố mẹ. Đôi khi họ quên đi một chút thôi, giống như cô con gái trong câu chuyện đã có lần lỡ lời với mẹ nhưng thực sự thì trong lòng cô bé ấy, mình nghĩ không gì có thể thay thế mẹ cô ấy”.
Nhìn từ chính mình, Cương cho rằng: “Thường là khi gặp một biến cố lớn, người ta mới nhận ra chỉ có cách về với gia đình mình”.
Nói về quá trình dịch câu chuyện này, Ngọc Cương cho biết, anh đã mất một ngày để dịch lời thoại và lựa chọn từ ngữ, một buổi tối để edit (biên tập – PV) các khung chat và thêm chữ vào hình ảnh.
“Mình muốn mọi người được đọc câu chuyện này, nhất là bạn bè của mình và người yêu của mình bởi đây là một câu chuyện rất hay và thú vị về tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng”, Ngọc Cương cười khi nói về mục đích chia sẻ câu chuyện này.
“Ban đầu, mình không có chút trách móc gì với người chồng, mình có thể hiểu suy nghĩ của ông ấy. Mình đã rất xúc động trước sự quan tâm thầm lặng của người vợ dành cho chồng và dành cho gia đình mình. Đến phần 4 của câu chuyện, khi có chi tiết bản tin thời tiết và người vợ nhớ về lần cầu hôn của chồng, khi ấy mình đã thấy rùng mình vì tình cảm của người vợ trong những phần ký ức cuối vẫn có chỗ cho những kỷ niệm như thế. Có một chi tiết là khi những đứa con lần lượt ra đi, ông chồng ở nhà một mình và ông đã nói với vợ rằng ông nhận ra tại sao khi "linh hồn mất trí nhớ" chỉ có thể nhìn thấy bởi 1 người và người đó là ông. Ông ấy nói với vợ “cảm ơn mình” vì đã biết rằng tôi sẽ phải ở một mình nên đã lựa chọn ở lại cùng tôi. Mình nghĩ, trong sự quan tâm cuối cùng có thể, người vợ đã chọn ở lại cùng chồng và đó là điều khiến mọi thứ diễn ra như trong chuyện.
Với Cương, thứ có sức cuốn hút, gây ấn tượng mạnh nhất khi dịch câu chuyện “Ký ức của vợ tôi” đó chính là tình cảm, sự hy sinh thầm lặng không đòi hỏi gì của người vợ dành cho chồng cho con. “Cả câu chuyện, duy nhất có một lần người vợ cười và đó là khi nhớ lại kỷ niệm cũ, chỉ cần điều đó cũng khiến cô ấy vui rồi”.
Có lẽ, nhiều bà vợ sau khi đọc xong sẽ trách móc ông chồng trong câu chuyện và cũng có thể quay sang trách móc cả người chồng có phần nào vô trách nhiệm hay vô tâm đang hiện diện bên cạnh mình. Tuy nhiên, với tư cách là một người dịch chuyện, một người trong tương lai cũng sẽ làm chồng thì Cương lại tỏ ra cảm thông cho người chồng trong câu chuyện. “Mình không nghĩ ông chồng trong chuyện tệ, nếu không thì tại sao trong tất cả những người thân, chỉ người chồng có thể nhìn thấy người vợ của mình”.
Cương cho rằng: "Chỉ là trong hoàn cảnh phải lo cả công việc, lo cả cho gia đình, người ta khó mà có thể cư xử hoàn hảo và bởi vậy mình cũng không chắc là có thể tránh sai lầm, có thể là một vài buổi tối mải nhậu với bạn bè quên vợ con, hay là vì công việc mà không dành thời gian nhiều cho gia đình... Nhưng mình chắc chắn, mình có thể hơn người chồng trong chuyện một điều là mình cho cô ấy nhiều kỷ niệm để khi nhớ lại cả mình và cô ấy có thật nhiều điều để nhắc tới".