Người biến tấu món ăn đất Campuchia, khiến người Sài Gòn phải thương phải nhớ
Lần đầu nghe đến cái tên cacao đá chấm bánh mì, hẳn không ít người sẽ tò mò bởi từ trước đến nay, bánh mì luôn được sử dụng để chấm với các món mặn, món nóng như phá lấu, cháo lòng, hủ tiếu bò kho... Vậy mà sự kết hợp độc đáo này đã được dì Tám nghĩ ra để suốt hơn 20 năm nay, nó trở thành thương hiệu riêng biệt của dì, khiến ai từng ăn đều trầm trồ khen ngon nức nở.
Quán ca cao đá của Tám nằm lọt thỏm dưới góc một chung cư cũ với vài ba chiếc ghế nhựa.
Tấm bảng đơn sơ được ép bằng giấy A4 đã tồn tại suốt hơn 20 năm nay.
Nằm khuất sau một góc của chung cư cũ Chợ Quán (tại số A414 đường Trần Bình Trọng, phường 1, quận 5), quán cacao đá bánh mì của dì Tám được nhận diện bằng tấm bảng hiệu nhỏ là tấm giấy A4 ép nhựa. Nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều bạn trẻ bởi lời truyền tai nhau "độc nhất vô nhị ở Sài thành".
Chỉ với 15.000 đồng, khách đến quán dì Tám đã sở hữu ngay một combo ca cao đá pha đường thốt nốt sền sệt, bánh mì sữa tươi ăn thả ga kèm theo chỗ giữ xe miễn phí. Tuy diện tích quán khá khiêm tốn được kê bằng vài ba chiếc ghế nhựa nằm san sát nhau, nhiều hôm khách đông không đủ ghế ngồi phải đứng xung quanh quán của Tám chờ thưởng thức nhưng không một ai thấy phiền hà.
Trước khi đến với nghề bán cacao đá, dì Tám đã trải qua những năm tháng vất vả cùng chồng bán canh bún tại chung cư Chợ Cầu.
Ca cao đá chấm bánh mì, món ăn lạ lẫm nhưng hấp dẫn vô cùng.
Theo lời Tám kể, trước đây Tám cùng chồng bán canh bún ở góc chung cư Chợ Cầu, cạnh bên gian hàng ca cao Campuchia của bà Ba. Vì cuộc sống mưu sinh vất vả, phải lo cho mấy đứa con nên sau khi bán canh bún xong, Tám lại phụ với bà Ba trông coi hàng ca cao rồi học lỏm được bí quyết. Khi đó, bà Ba không chính thức truyền nghề cho Tám nhưng cũng ngỏ ý dạy Tám cách nấu cacao, vì vậy, sau 2 năm bà Ba không còn bán cacao nữa vì tuổi cao sức yếu, Tám đã nối nghiệp bà, duy trì món ca cao đá chấm bánh mì suốt hơn 20 năm nay.
Sự ngọt đắng của ca cao kết hợp với bánh mì cho ra một món ăn hảo hạng khó lòng kiềm chế được.
Những bạn trẻ tìm đến quán ca cao dì Tám đa phần là học sinh, sinh viên.
"Ăn ca cao của Tám, phải đợi cho đá trong ly ca cao tan ra một chút, sau đó khuấy đều phần ca cao lên rồi tận hưởng. Con thích ăn ngọt thì cho thêm sữa, muốn đắng thì thêm tí cacao, cứ vậy mà chấm bánh mì, dì Tám bảo đảm không ngon không lấy tiền", dì Tám vừa thuyết minh món ăn, vừa khoái chí cười ha hả.
Nói về bánh mì của dì Tám, tuy không được giòn lắm do để ngoài nắng một thời gian nhưng khi kết hợp với cacao đá thì tuyệt hảo bởi sự đặc quánh của cacao đã làm mềm mại phần bánh mì, chỉ cần cắn một miếng, cảm giác tan chảy ngay khi đưa vào miệng thưởng thức.
Bánh mì của dì Tám luôn luôn miễn phí dù khách có xin 1, 2 hay 3, 4 ổ đều được.
Ca cao của Tám chia làm 2 nồi, 1 lỏng, 1 đặc để chế biến ra một ly ca cao hoàn chỉnh.
Đặc biệt, dù chỉ gọi một phần ca cao đá nhưng có khách lại dùng tới 2-3 ổ bánh mì, dì Tám vẫn vui vẻ phục vụ mà không lấy thêm bất cứ một khoản nào. Đã vậy, tiền giữ xe của khách, dì Tám cũng bỏ ra để trả vì dì biết: "Tụi nhỏ đến quán Tám đa phần là học sinh, sinh viên thì làm gì có nhiều tiền, cứ đến đây ủng hộ Tám là Tám vui rồi, mọi cái phát sinh Tám bao tất". Thậm chí, ai muốn hỏi bí kíp nấu cacao, học lỏm nghề, Tám cũng vui vẻ chỉ luôn.
Với những người hảo ngọt, thêm chút sữa đặc cho ly ca cao vừa miệng hơn.
Con người của Tám cũng bình dị như cái cách mà Tám đối đãi với khách hàng.
Đời Tám cũng như ly cacao, đủ cả cay - đắng – ngọt – bùi
"Sự tích" về món cacao bánh mì đã hay, sự tích đời Tám còn hay hơn. Gắn bó với cái nghề nấu ca cao thấm thoắt đã hơn 20 năm, dì đã trải qua biết bao vui buồn, tủi cực. Dì cho biết, mỗi ngày dì phải thức từ 3 giờ sáng để nấu cacao cho buổi sớm, trong ngày lại nấu thêm 4 - 5 lần nữa động bếp nấu mẻ mới để đảm bảo cacao không bay mùi. Đều đặn mỗi ngày, 7 giờ sáng dì lại dọn hàng ra bán, có hôm ế khách, mãi đến tận 22 giờ đêm dì mới dọn về. Riết rồi mọi thứ thành quen, dì không còn cảm thấy cực khổ nữa.
Một mình Tám phải loay hoay từ sáng sớm cho đến tối khuya bên cạnh hàng cacao của mình.
Không chỉ được thưởng thức cacao đá độc đáo, đến quán Tám còn thích hơn khi nghe Tám kể chuyện đời.
Dì cho biết: "Bây giờ Tám đã khỏe lắm rồi, được bà con thương, ngày nào cũng bán được mấy trăm ly để có tiền lo cho chồng, cho con. Vì cuộc sống mà, có cực khổ mấy cũng chấp nhận". Nói rồi, dì lấy tay gạt nước mắt, xúc động kể tiếp đời mình.
Hồi đó, cuộc sống khó khăn, gia đình Tám không có nhà để ở phải nương nhờ nhà chị chồng. Cả mười mấy người quây quần bên căn nhà nhỏ, hễ mưa xuống là ngập nước tận chân giường, phải thi nhau tát nước từ nhà ra. Rồi chừng ba chục năm trước, trong lúc đi đào khoai mì, thì chồng Tám bị thương ở mắt, vì không có tiền chữa trị thuốc men, ông không còn thấy đường, mọi gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ của Tám.
Ngoài cacao đá, một số loại nước uống khác cũng được Tám bày bán để phục vụ khách hàng.
Hồi đó, Tám chưa bán cacao, mà bán canh bún. Xót chồng, thương con, Tám làm quần quật từ sáng đến tối, rồi trong lúc mệt mỏi, dì bưng nồi nước lèo canh bún thì chẳng may nồi bị sứt đai, đổ lên đôi bàn tay làm dì phỏng nặng, phải nằm viện suốt hơn 1 tháng ròng.
Tám nghẹn ngào nói: "Hồi đó, dì chỉ muốn chết đi cho khỏe, tiền thì không có mà thêm gánh nặng cho chồng con. Giờ trải qua rồi mới biết, ông trời có bao giờ phụ người có lòng đâu. Sau khi khỏe bệnh, Tám chỉ chăm chăm vào làm ăn, được sự hỗ trợ của chính quyền, mấy năm nay Tám mới có được cái chỗ chui ra chui vào".
Nụ cười hiền hậu phảng phất trên khuôn mặt của cuộc đời Tám cùng bao nỗi cay đắng ngọt bùi.
Một chút đắng của ca cao, chút ngọt của sữa, chút cay cay nơi khóe mắt Tám cùng sự bùi bùi của hương bánh mì khi chấm cacao đã tạo nên một món ăn độc đáo ở Sài Gòn.
Di chứng của đợt bỏng nặng là bàn tay dúm dó, nổi những cục u và chuyển màu đen sạm. Bởi, cái tay "kỳ dị" của Tám, ai biết chuyện thì thương, ai không biết thì nhìn nhìn ái ngại, làm như Tám mắc bệnh gì ghê lắm. Đó cũng là một phần lý do, sau này Tám ngại, thường rút vào "hậu trường" chế biến, còn việc bán hàng thì hay nhờ con hoặc chị chồng phụ.
Tôi ngỏ ý xin Tám cho chụp vài bức hình để làm kỷ niệm, Tám nghe nói vậy liền xua tay: "Ôi, Tám xấu lắm mà chụp hình làm gì, có ai dám xem đâu, chèng ơi". Nói đoạn, Tám lại cười thích thú: "Mà có chụp hông để Tám cười lên cho đẹp, chứ không người ta bảo giống khỉ già nhăn nhó nữa rồi khổ".
Không chỉ có khách Việt, một số du khách cũng tìm đến quán Tám để thưởng thức món ngon Sài thành.
Rồi trong những câu chuyện đời mình, dỉ tặc lưỡi kể về chuyện hàng cacao chỉ nghỉ duy nhất vào rằm tháng giêng để giỗ ông bà, về ông chồng khi không bị mù, phải ở dưới quê một mình với... con chó, chuyện ổng không thấy đường mà giăng lưới bắt cá tài lắm, chuyện hàng xóm ở quê thấy cũng thương nên để ý, trông chừng ổng giùm để dì an tâm bán hàng.
Vẫn khuôn mặt ấy, nụ cười móm mém, hiền hậu của Tám ở cái tuổi hơn 60 hiện rõ bao vất vả của một đời người. Cực khổ đó, nhưng Tám chẳng bao giờ than, một câu thương chồng, hai câu thương con và thương cả những người khách lạ lẫn quen tìm đến quán của Tám để thưởng thức món cacao đá độc nhất của dì.
Sự ân cần, niềm nở khi đón khách.Sài Gòn vẫn luôn bình dị với những hàng quán khiến cho ta đến một lần nhớ mãi không thôi.
Chẳng cần màu mè, hoành tráng, quán cacao đá của dì Tám vẫn bình dị tồn tại suốt hơn 20 năm nay giống như cái cách mà Tám đón nhận những ngọt - đắng ở đời. Dẫu có mệt mỏi, cực khổ, dì vẫn chấp nhận đắng cay để tìm cho chính mình sự an yên, ngọt bùi hạnh phúc bên tổ ấm gia đình.
Ghé quán của Tám vào ngày cuối tuần, vừa thưởng thức ca cao đá chấm bánh mì, vừa nghe Tám kể chuyện đời cũng đủ bản thân mỗi người yêu cái thành phố này hơn. Một Sài Gòn bình dị đến lạ thường, như chính chủ nhân của những hàng quán vỉa hè nơi này.
Có lẽ vài năm sau nữa, quán cacao bánh mì của Tám sẽ không có người nối nghiệp nhưng chắc chắn không ai có thể quên được một dì Tám vui vẻ, hào sảng hôm nay.