Tại đa số ngân hàng ở Trung Quốc, trước mỗi quầy giao dịch đều có một tấm biển: "Đi khỏi quầy thì không còn trách nhiệm". Ví dụ nhận số tiền ít hơn con số yêu cầu rút tại quầy, hoặc thậm chí nhận tiền giả, một khi đã bước ra khỏi ngân hàng thì mọi sai sót đều không phải trách nhiệm ngân hàng. Tấm biển này nhắc nhở mọi người kiểm tra kỹ lưỡng trước khi rời khỏi quầy giao dịch, nếu không “tiền mất tật mang”, ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm.

Thế nhưng cũng vì tấm biển nhắc nhở này mà đã xảy ra rất nhiều tình huống trớ trêu, thậm chí dẫn đến kiện tụng.

Ở thành phố Trung Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc) từng có một trường hợp: Nhân viên ngân hàng mắc lỗi giao dịch, chuyển thêm cho một người đàn ông 180.000 NDT (gần 60 triệu đồng), mãi đến gần 4 năm sau mới phát hiện.

Chuyển khoản lần 2 cho khách số tiền gần 60 triệu, hơn 3 năm sau ngân hàng mới phát hiện nhưng không đòi lại được vì một nguyên do - Ảnh 1.

Hình minh họa

Giao dịch tại quầy ngân hàng, lời thêm khoản lớn

Ông Lại làm kinh doanh, thường xuyên giao dịch với các công ty nước ngoài. Để thuận tiện cho việc gửi và rút tiền, ông Lại đã mở một tài khoản thanh toán ngoại tệ cá nhân tại ngân hàng địa phương.

Tài khoản ngân hàng này chủ yếu được sử dụng để quản lý tiền vốn và lợi nhuận được chuyển dưới dạng ngoại tệ. Nói một cách đơn giản, sau khi nhận được một khoản ngoại tệ, ông Lại có thể chuyển đổi thành Nhân dân tệ để chuyển khoản hoặc rút tiền mặt.

Khoảng giữa năm 2018, ông Lại đã nhận được khoản tiền 27.200 USD từ một công ty nước ngoài. Sau đó, ông lập tức đến ngân hàng xử lý.

Theo quy định, tiền sẽ chuyển vào tài khoản nội bộ của ngân hàng trước, sau khi ông Lại làm đơn, ngân hàng sẽ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của ông Lại thông qua giao dịch trên máy tính.

Chẳng mấy chốc, tài khoản của ông Lại đã nhận được khoản 27.200 đô la Mỹ, tương đương gần 180.000 NDT. Sau khi nhận tiền, ông Lại lập tức chuyển toàn bộ sang một thẻ ngân hàng khác.

Chuyển khoản lần 2 cho khách số tiền gần 60 triệu, hơn 3 năm sau ngân hàng mới phát hiện nhưng không đòi lại được vì một nguyên do - Ảnh 2.

Nhưng điều không ngờ là ba ngày sau, nhân viên ngân hàng đã gọi cho ông Lại và nói rằng có một khoản 27.200 đô la Mỹ trong tài khoản ngân hàng ngoại tệ của ông và có thể rút ra.

Làm việc với ngân hàng nhiều năm, ông Lại biết chắc ngân hàng đã nhầm, cho rằng số tiền lần trước chưa chuyển cho ông. Thế là ông nhanh trí làm đơn rút tiền một lần nữa, kết quả là trong thẻ ngân hàng lại có thêm 180.000 NDT.

Ba năm bốn tháng trôi qua, ông Lại nghĩ rằng chuyện này đã vào dĩ vãng, mình yên tâm sử dụng số tiền từ trên trời rơi xuống. Không ngờ khoảng đầu năm 2022, ngân hàng đột nhiên gọi điện yêu cầu ông Lại hoàn trả 180.000 NDT.

Hóa ra nhân viên ngân hàng xử lý giao dịch cho ông Lại đã sơ suất, tưởng số ngoại tệ 27.200 USD chưa được xử lý nên đã gọi điện cho ông Lại làm thủ tục lại và chuyển thêm một lần nữa.

Rõ ràng, ông Lại đã lợi dụng sơ hở để lấy thêm một khoản tiền từ ngân hàng nhưng hoàn toàn không có ý định trả lại.

“Ngân hàng các người không phải nói rời khỏi quầy không còn trách nhiệm nữa sao?”, ông Lại nói.

Một bên đòi hoàn tiền, một bên từ chối, hai bên giằng co suốt nửa năm. Thương lượng không thành, ngân hàng đã kiện ông Lại ra tòa.

Kiện tụng ra tòa, đảo ngược tình thế

Tại tòa, đại diện ngân hàng cho biết giao dịch viên thực hiện lỗi thao tác và chuyển tiền lần hai. Ông Lại đã nhận thêm một khoản gần 180.000 NDT, điều này cấu thành hành vi thu lợi bất chính và phải được hoàn trả đầy đủ.

Thoạt nhìn, hành vi của ông Lại không phù hợp với nguyên tắc pháp luật ở Trung Quốc và phải có nghĩa vụ trả lại. Nhưng, theo quy định có liên quan của "Bộ luật dân sự" ở đất nước này, sau khi sự việc xảy ra, người bị hại có quyền khởi kiện vụ án dân sự trong vòng 3 năm, vượt quá thời gian này xem như không còn hiệu lực.

Vì vậy, ông Lại cho rằng: Đã quá thời hiệu khởi kiện, đến nay đã 3 năm 10 tháng, ngân hàng chỉ có thể xem như họ kém may mắn, không nên đòi tiền ông.

Chuyển khoản lần 2 cho khách số tiền gần 60 triệu, hơn 3 năm sau ngân hàng mới phát hiện nhưng không đòi lại được vì một nguyên do - Ảnh 4.

Nhưng đại diện ngân hàng cho biết, thời hiệu khởi kiện tính từ ngày ngân hàng phát hiện. Khi ngân hàng kiểm tra tài khoản theo yêu cầu của cấp trên (hơn nửa năm trước thời điểm khởi kiện), ngân hàng phát hiện có những khoản thanh toán nhiều lần cách đây 3 năm và ông Lại đã được chuyển thêm 180.000 NDT. Vì vậy, vụ kiện của ngân hàng không vượt quá thời hạn hiệu lực 3 năm.

Thẩm phán sơ thẩm ủng hộ đơn kiện của ngân hàng và phán quyết rằng ông Lại phải trả lại 180.000 NDT và tiền lãi liên quan cho ngân hàng. Tuy nhiên, ông Lại đã từ chối chấp nhận bản án và đệ đơn kháng cáo.

Chuyển khoản lần 2 cho khách số tiền gần 60 triệu, hơn 3 năm sau ngân hàng mới phát hiện nhưng không đòi lại được vì một nguyên do - Ảnh 5.

Hình minh họa

Thẩm phán phúc thẩm cho rằng theo các quy định có liên quan của "Luật Ngân hàng Thương mại", ngân hàng nên kiểm toán các tài khoản một cách kịp thời và gửi tài liệu liên quan như thống kê tài chính, bảng cân đối kế toán và báo cáo lãi lỗ lên cấp cao hơn.

Nói cách khác, thời điểm chậm nhất để ngân hàng phát hiện ra việc chuyển khoản lần 2 phải là ngày cuối cùng của năm xảy ra vụ việc (tức cuối năm 2018). Nhân viên ngân hàng không kiểm tra tài khoản thường xuyên, không tiến hành xác minh khi nhận được yêu cầu của cấp trên, rõ ràng có sự cẩu thả trong hành vi.

Theo cách này, căn cứ vào ngày cuối cùng của năm xảy ra sự cố, thời điểm mà ngân hàng khởi kiện đã vượt quá thời hạn hiệu lực ba năm. Vì vậy, thẩm phán đã tuyên bố ông Lại không cần trả lại số tiền 180.000 NDT.