“Bệnh lạ” ở Quảng Ngãi
“Bệnh lạ” hay còn gọi là “hội chứng viêm dày sừng da bàn tay, bàn chân” thay tên gọi cũ là “bệnh viêm lòng bàn tay, bàn chân và có rối loạn chức năng gan”. Mới đây bệnh bùng phát ở Huyện Ba Tơ (Quãng Ngãi) làm nhiều người chết và nhiều người mắc bệnh đang chờ điều trị. Do là loại bệnh “lạ” nên quá trình chẩn đoán của ngành y tế khá khó khăn và phức tạp.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân thì nguồn nước mà họ sử dụng bị “nhiễm độc” bởi thời triến tranh, Mỹ đã cho xây dựng một kho vũ khí tại đầu nguồn nước thuộc huyện Ba Tơ.
Bệnh lạ tại Quảng Ngãi
Những người bị bệnh, tay chân bỗng nhiên nứt nẻ thô ráp, nhìn bên ngoài chỉ đơn giản là bệnh ngoài da, bôi thuốc mỡ bong da, bong vẩy là khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều đặc biệt những bệnh nhân này đều bị rối loạn chức năng gan có chỉ số men gan tăng, có bệnh nhân tăng 4-5 lần, nhưng cũng có bệnh nhân tăng tới 10-20 lần mức bình thường.
Hiện tại ngành y tế vẫn tiếp tục phân tích nguyên nhân và cách điều trị cho người dân Ba Tơ. Tính đến thời điểm hiện tại căn “bệnh lạ” này đã cướp đi 24 sinh mạng và 240 người đang mắc bệnh.
Bệnh “Trết” ở Nghệ An
Những bàn tay dị tật 6 ngón đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới những người “mang bệnh”, họ không thể đeo bao tay để lao động, không được thi vào các trường quân sự và đi xuất khẩu lao động… Nhiều người bị bệnh mặc cảm với bản thân, xấu hổ với bạn bè.
Bệnh bàn tay 6 ngón xuất hiện nhiều ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Người dân nơi đây quen gọi là bệnh “trết”. Thông thường người mang bệnh mọc thêm ngón tay thứ 6, hay các ngón tay dính liền với nhau bằng lớp màng như chân vịt. Những cục thịt thừa này sẽ phát triển theo tuổi đời, càng lớn lên nó càng to.
Hai cha con ở xã Thanh Tùng, Thanh Chương,
Nghệ An đều mang dị tật giống nhau ở tay
Theo nhiều người thì đây là bệnh di truyền, nếu những người có mối quan hệ huyết thống sẽ di truyền lại cho đời sau. Tuy nhiên, căn “bệnh lạ” này xuất hiện duy nhất ở vùng Thanh Chương.
Bệnh “Sung mọc” chi chít khắp người ở Hà Nam
Bệnh nhân “nhí” mắc phải căn bệnh này là cháu Phan Thị Lý 8 tuổi ở Hà Nam, khi sinh ra người cháu đã mọc lên những nốt đen như mụn nước, những nốt đó cứ lớn dần theo năm tháng. Những nốt này mọc quanh người, từ trên đầu đến lòng bàn chân. Khi mắc bệnh này bệnh nhân thường rất ngứa và gãi đến bật máu trên da.
Theo chẩn đoán của một số bác sĩ ở nhiều bệnh viện thì em bị nhiễm bệnh sắc tố ngoài da và u sơ thần kinh toàn thân nhiễm sắc tố. Sau nhiều lần đi khám, gia đình em đều chỉ nhận được những cái lắc đầu vì các y bác sĩ vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị có hiệu quả đối với căn bệnh quái ác này.
Bà Đáng ở Lục Bình, Hà Nam
Có trường hợp khác bệnh nhân cũng “mọc sung” khắp cơ thể nhưng những nốt nhỏ không có màu đen, đó là trường hợp của bà Đáng ở Lục Bình, Hà Nam. Toàn thân bà nổi những khối u và cục to tròn mọc khắp cơ thể, khiến nhiều người thương tâm nhưng cũng có nhiều người cảm thấy rùng mình không dám nhìn.
Bệnh bàn chân “chết khô” ở Lâm Đồng
Chị Ka Rưng bên người chồng đau đớn vì bệnh tật hành hạ
Bệnh nhân thiếu may mắn mắc phải căn bệnh quái ác này là anh Cil Ha Toàn (40 tuổi), thường trú tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Bàn chân của anh bị chết khô, mốc đen và bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Theo như vợ anh, ban đầu chỉ là những vết thâm tím, nhức buốt ở đầu các ngón chân nhưng do nhận thức về bệnh tật quá kém, hơn nữa gia đình lại không có tiền để đi bệnh viện khám và điều trị nên chỉ một thời gian sau cả 10 ngón chân anh Cil Ha Toàn bỗng nhiên bốc mùi hôi tanh và mốc đen.
Căn bệnh hành hạ Cil Ha Toàn khiến anh nhiều lần có ý muốn tự sát để không phải chịu cảnh đau đớn dày vò, thế nhưng vì thương vợ con anh cắn răng chịu đau và sống tiếp. Các bác sĩ chẩn đoán anh Toàn bị hoại tử hai chân, nghi do tắc mạch ở cả hai chi, rất khó điều trị.
Còn rất nhiều những căn bệnh lạ, quái ác khác hiện diện trên khắp đất nước. Điểm chung của nhiều người mắc những căn bệnh quái ác này, họ đều là những người dân nghèo sống ở vùng nông thôn, cũng có thể vì môi trường sống, sinh hoạt kém “sạch sẽ” nên bị nhiễm bệnh và có thể do di truyền... Một số căn bệnh này ở nước ta y học vẫn chưa có biện pháp trị liệu, người bệnh vẫn phải “sống chung với bệnh” với sự dằn vặt, đau đớn hàng ngày.