Bệnh viện Johns Hopkins từ lâu được coi là một trong những bệnh viện hàng đầu ở Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung. Trở lại những năm 1950, đây cũng là một trong số ít nơi mà bệnh nhân da màu được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng.
Vào tháng 2 năm 1951, một phụ nữ Mỹ gốc Phi tên Henrietta Lacks đến Bệnh viện Johns Hopkins để tìm cách điều trị chứng chảy máu âm đạo nặng không liên quan đến thời kỳ kinh nguyệt. Cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung và qua đời vào cuối năm đó.
Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị phát hiện ra rằng các tế bào của Henrietta Lacks sở hữu khả năng tái tạo và tồn tại bên ngoài cơ thể. Các tế bào của Henrietta, được đặt tên là “tế bào HeLa” (sử dụng hai âm đầu trong tên và họ của Henrietta), nhanh chóng được dùng để nghiên cứu trong y học và tạo ra những bước đột phá thay đổi cả lịch sử loài người...
Chẩn đoán định mệnh
Henrietta Lacks là một phụ nữ da màu (khi ấy 30 tuổi) đến từ Virginia. Là hậu duệ của những nô lệ được trả tự do, cô và chồng từng làm nông dân trên các cánh đồng trồng cây thuốc lá.
Khi Henrietta 21 tuổi, vợ chồng cô chuyển đến Baltimore với hy vọng có cơ hội việc làm tốt hơn. Họ có tổng cộng 5 người con, và không lâu sau khi sinh đứa con trai cuối cùng, Joe, Henrietta (hay là “Hennie” như cách gia đình gọi) phát hiện mình bị chảy máu bất thường.
Tiến sĩ Howard Jones, bác sĩ phụ khoa đã khám cho Henrietta, đã phát hiện ra một khối u lớn trên cổ tử cung của cô. Chưa đầy một tuần sau, cô nhận tin dữ rằng đó là ung thư.
Theo cuốn sách năm 2010 có tên "Cuộc sống bất tử của Henrietta Lacks" của tác giả Rebecca Skloot, Henrietta Lacks rất sợ bị các bác sĩ người da trắng ngược đãi trong thời Jim Crow (tên gọi của một chế độ giai cấp đặt cơ sở trên màu da). Nhưng nỗi đau đớn trong cơ thể buộc cô phải tìm đến sự trợ giúp của y học. Ban đầu, Henrietta giấu gia đình về tình trạng sức khỏe của mình, nhưng không thể giữ bí mật khi cơn đau ngày càng tăng.
Vào những năm 1950, việc điều trị bệnh ung thư vẫn chưa được như ngày nay. Hồ sơ y tế cho thấy, Henrietta đã trải qua phương pháp điều trị bằng radium cho căn bệnh ung thư cổ tử cung.
Mặc dù đó là phương pháp điều trị tốt nhất vào thời điểm đó, nhưng các bác sĩ vẫn không thể khống chế sự phát triển của khối u. Các tế bào của Henrietta vẫn tiếp tục sinh sản với tốc độ cao bất thường.
Khi tình trạng của Henrietta trở nên tồi tệ hơn, Tiến sĩ George Gey, một nhà nghiên cứu về virus và ung thư nổi tiếng thời đó, đã phát hiện ra một điều gì đó bất thường về các tế bào của Henrietta Lacks.
Thông thường, các tế bào trong các mẫu mà Gey thu thập từ các bệnh nhân khác chết nhanh đến mức ông không kịp nghiên cứu chúng. Nhưng các tế bào của Henrietta không chỉ sống được mà còn tiếp tục nhân lên, chúng cứ thế nhân đôi sau mỗi 20 đến 24 giờ đồng hồ. Điều này có nghĩa là các bác sĩ có thể giữ cho các tế bào sống bên ngoài cơ thể Henrietta để giúp họ tiếp tục nghiên cứu về tế bào ung thư.
Nhưng thật không may, sự bất thường này cũng có nghĩa là các tế bào ung thư bên trong cơ thể của Henrietta nhân lên với tốc độ nhanh hơn tốc độ radium có thể giết chết chúng. Chưa đầy 8 tháng sau khi lần đầu tiên bước vào bệnh viện, Henrietta Lacks qua đời.
Người mẹ "vô tình" của y học hiện đại
Khi gia đình Henrietta Lacks đang chìm trong nỗi đau đớn khi mất đi người vợ, người mẹ thân yêu, các tế bào của cô đã có "một cuộc sống mới" trong các phòng thí nghiệm của các nhà khoa học, chuyên gia y tế.
Họ đặt tên cho các tế bào bất thường ấy là “tế bào HeLa”, là sự kết hợp của hai chữ cái đầu tiên trong họ và tên của Henrietta. Họ đang sử dụng chúng không chỉ để nghiên cứu sự phát triển của tế bào ung thư và cách tiêu diệt chúng mà còn để tìm hiểu thêm về bộ gen của con người.
Tiến sĩ Gey đã gửi các mẫu tế bào HeLa đang nhân lên liên tục cho các nhà nghiên cứu ở Mỹ. Chẳng bao lâu sau, các tế bào HeLa đã được phân phối trên khắp nước Mỹ và cả ở các quốc gia khác.
Các tế bào không chỉ giúp nghiên cứu ung thư mà còn giúp phát triển vaccine phòng bệnh bại liệt và HPV, thậm chí thụ tinh trong ống nghiệm và một loạt những tiến bộ đột phá khác trong y học.
Từ đó, tế bào HeLa trở thành tế bào bất tử đầu tiên trong lịch sử. Trước đó, các nhà khoa học tại Bệnh viện Johns Hopkins đã cật lực làm việc hàng năm trời để tạo ra dòng tế bào có thể tái tạo liên tục. Dù được nuôi cấy bằng phương pháp đặc biệt, hầu hết các tế bào đều chết, chỉ tế bào HeLa có thể sinh sôi nảy nở vô hạn, theo đúng nghĩa đen.
Đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa lý giải được hiện tượng trên. Giả thiết được nhiều người đồng tình nhất là khối u trong cơ thể Henrietta hung dữ hơn bình thường do sự tác động của bệnh giang mai mà người phụ nữ mắc phải.
Nhưng gia đình của Henrietta vẫn không biết về đóng góp "vô tình" của cô cho khoa học. Mãi cho đến khi họ nhận được cuộc gọi từ các nhà nghiên cứu vào những năm 1970 - tức nhiều năm sau khi các tế bào của Henrietta đã bị phân phát đi nhiều nơi - yêu cầu họ tham gia vào các nghiên cứu bổ sung thì cuối cùng họ mới biết được sự thật.
Cách thức đáng ngờ mà các tế bào HeLa đã được lấy và phân phối đã làm dấy lên các vấn đề về đạo đức. Gia đình Henrietta lo ngại rằng mẫu tế bào đã bị lấy mà không có sự cho phép của cô trước khi qua đời.
Họ cũng bày tỏ sự thất vọng khi các tổ chức tư nhân trong lĩnh vực y sinh đã kiếm được hàng tỷ USD từ việc sử dụng tế bào của Henrietta trong khi nhiều người thân còn sống của bà vẫn phải sống trong cảnh nghèo đói, thậm chí không đủ tiền mua bảo hiểm y tế.
Tiến sĩ Daniel Ford, giám đốc Viện nghiên cứu lâm sàng và dịch thuật Johns Hopkins, nhận xét rằng vụ việc xảy ra trong thời đại mà “các nhà nghiên cứu bị 'cuốn theo' khoa học và đôi khi quên mất quyền của bệnh nhân”.
Nhiều năm sau khi cuốn sách "Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks" được phát hành, năm 2017, kênh truyền hình Mỹ HBO đã sản xuất một bộ phim chuyển thể từ cuốn sách. Bộ phim với sự tham gia của Oprah Winfrey trong vai con gái của Henrietta, người đã khám phá ra sự thật về việc các tế bào của mẹ cô được sử dụng cho khoa học. Bộ phim này sau đó đã giành được đề cử Giải Primetime Emmy cho Phim truyền hình xuất sắc.
Sự công nhận muộn màng
Đến năm 2017, các tế bào HeLa lấy từ cơ thể Henrietta Lacks quá cố đã được nghiên cứu ở 142 quốc gia, dẫn đến vô số đột phá trong khoa học y tế, bao gồm cả nghiên cứu đã giành được 2 giải thưởng Nobel.
Các tế bào cũng đã đóng góp cho hơn 17.000 bằng sáng chế và 110.000 bài báo khoa học, đưa Henrietta trở thành “mẹ đẻ của y học hiện đại” - mặc dù cô không hề có chủ ý. Các tế bào của cô tiếp tục được sử dụng trong các nghiên cứu quan trọng liên quan đến ung thư, AIDS và một số vấn đề y tế khác.
Kể từ khi câu chuyện của Henrietta Lacks được biết đến rộng rãi, áp lực ngày càng tăng từ công chúng đã buộc ngành công nghiệp y tế trị giá hàng tỷ đô la phải tính toán, đặc biệt là giữa các công ty tư nhân và phòng thí nghiệm nghiên cứu được hưởng lợi từ việc sử dụng các tế bào HeLa.
Trong thập kỷ qua, Bệnh viện Johns Hopkins đã làm việc với gia đình của Henrietta để tôn vinh di sản của cô thông qua các học bổng, hội nghị chuyên đề và giải thưởng để tri ân cô.
Vào tháng 8 năm 2020, Abcam và phòng thí nghiệm Samara Reck-Peterson - hai cơ quan được hưởng lợi từ việc sử dụng tế bào HeLa - đã tiến thêm một bước. Họ tuyên bố quyên góp tiền sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho Quỹ Henrietta Lacks và hỗ trợ việc học cho con cháu của cô.
Nguồn: All The Interesting