Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài hồi năm ngoái, anh Đăng suýt đứng tim vì sự ham chơi của chị Giao - vợ anh. Khi ấy, chị Giao mang bầu hơn 7 tháng. Vừa qua giai đoạn nguy hiểm thứ hai của thời kỳ thai nghén, chị Giao như chim sổ lồng. Chị quyết tâm bám càng chồng đi du lịch cho bõ những ngày “tu” vì kiêng khem.
Bố mẹ chồng chị phản đối ghê gớm lắm. Ông bà không muốn cháu đích tôn gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, khi anh Đăng đồng ý, không ai buồn nói gì thêm. Các cụ chỉ lườm chị như muốn nhắc nhở: “Cháu tôi có mệnh hệ gì, cô chết với tôi”.
Chị thì nghĩ các cụ lo quá đà. Lúc đó, chị cảm thấy vô cùng khỏe mạnh. Hơn nữa, chị không say tàu xe nên vấn đề đi lại chẳng thể làm khó chị được.
Đấy là chị nghĩ vậy. Thực tế lại không suôn sẻ như chị tưởng. Sau hành trình dài cả bay và đi ô tô tới Phú Quốc, chị cảm thấy thấm mệt. Nhưng vì mải chơi, chị vẫn cố đi thăm thú khắp các ngóc ngách của hòn đảo thú vị này.
Đang vui vẻ đi trên đường, chị bỗng nhiên…. trở dạ. Nhìn chị đau lăn lộn, mấy người có kinh nghiệm sinh đẻ trong công ty anh Đăng khẳng định chị sắp sinh. Quá hoảng hốt, anh chỉ biết gọi taxi và đề nghị họ đưa đến bệnh viện gần nhất. Lúc đó, anh còn lo Phú Quốc… không có bệnh viện.
Chị Nguyệt cũng là bà bầu ham chơi. Khi mang bầu 4 tháng, cơ quan anh Nguyên, chồng chị tổ chức đi du lịch Thái Lan. Nếu du lịch trong nước chị không bận tâm lắm nhưng đằng này lại “xuất ngoại”. Vì chưa được ra nước ngoài bao giờ nên chị hết ngon ngọt lại đến dọa dẫm anh để được đi cùng. Với chị đây là cơ hội ngàn năm có một. Kinh tế hai vợ chồng eo hẹp nên chẳng biết khi nào có cơ hội xuất ngoại thứ hai.
Một phần thương vợ, một phần vì cơ quan “bao” tới 90% cho người thứ hai trong gia đình nên anh vẫn tặc lưỡi đồng ý với suy nghĩ “chắc không có vấn đề gì xảy ra”.
Nhưng không ai lường trước được vì có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra. Và gia đình chị Nguyệt, anh Nguyên là những người không may mắn.
Lúc vợ đau đẻ giữa đường, anh còn không biết ở nơi đảo này có bệnh viện hay không. (Ảnh minh họa)
Người đẻ rơi, người mất con
Với anh Đăng, hóa ra Phú Quốc có bệnh viện hay không chẳng quan trọng gì vì chưa kịp đến bệnh viện, chị Giao đã sinh con. Khi chị trở dạ, trong khi anh đang sợ hãi tột cùng thì người lái taxi ra lệnh như bác sĩ.
Sau một hồi loay hoay, cuối cùng hai người đàn ông cũng đỡ đẻ thành công. Anh chàng lái taxi đùa: “Gia đình anh chị tu 7 kiếp mới gặp được tôi đó. Ngày xưa tôi học làm… ông đỡ nhưng vì không xin được việc nên đành ra đảo lái taxi kiếm sống”.
Vợ chồng anh Đăng thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy mình là người may mắn nhất trên đời. Nếu không gặp được chàng taxi kiêm ông đỡ, không biết tính mạng của hai mẹ con thế nào. Để kỷ niệm sự kiện đặc biệt này, anh chị đặt tên con là Quốc Đường - nghĩa là em bé được sinh ra trên đường của đảo Phú Quốc.
Chị Nguyệt lại không được may mắn như vậy. Sau một ngày lang thang khắp nơi trên bãi biển, chị đau bụng và ra huyết. Vì không thuộc tiếng, không thông đường, loay hoay một lúc, anh Nguyên mới đưa chị ra được taxi.
Khi chị đến bệnh viện, bác sĩ chỉ biết lắc đầu. Họ nói dù cố gắng hết sức, họ cũng không thể giữ lại em bé cho vợ chồng chị.
Thế là kỳ nghỉ “xuất ngoại” của anh chị kết thúc bất ngờ và đau đớn. Hai người không còn lòng dạ nào ở đất Thái Lan mà lẳng lặng về Việt Nam. Anh không trách chị lời nào nhưng trong lòng chị vẫn vô cùng nặng trĩu.
Sự việc xảy ra đã được một năm nhưng cho đến bây giờ, chị vẫn không hết đau buồn và ân hận. Chị chia sẻ, đúng là các mẹ bầu nên vận động nhưng vì con, các mẹ nên chọn cách vui chơi nhẹ nhàng, an toàn trong các kỳ nghỉ lễ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Những ca đẻ rơi có một không hai trên thế giới.