Bỏ việc nghìn đô đi du lịch rồi đem nghề Wedding planner về
Việt Nam
Khái niệm Wedding planner – Nghề lên kế hoạch đám cưới –
xuất hiện ở Việt Nam cách đây khoảng 6 năm nhưng ít ai biết Nguyễn Thị Hồng
Xuân chính là một trong những người đầu tiên đem nghề này về Việt Nam.
Tốt nghiệp Đại học, Hồng Xuân làm nghề Marketing ngành hàng tiêu dùng trong vòng 5 năm. Khi sự nghiệp đang ổn định, lương lên đến nghìn đô và chuẩn bị được thăng chức thì Hồng Xuân lại cảm thấy cô không còn yêu việc mình đang làm nữa. Cô xin nghỉ phép đi du lịch và chính trong thời gian 3 tháng ngắn ngủi ấy, cuộc đời Hồng Xuân đã rẽ sang một hướng đi hoàn toàn khác: “Đó là năm 2009, tôi sang Singapore và Philippines du lịch và làm quen với những người làm nghề lên kế hoạch đám cưới ở hai quốc gia này. Họ dẫn tôi đi theo xem cách tổ chức một đám cưới như thế nào, và họ gọi chính xác nghể này gọi là Wedding planner”.
Hồng Xuân kể: "Ở nước ngoài, toàn bộ những nhà cung cấp hoa, trang trí tiệc cưới, trang điểm cô dâu… chỉ làm chuyên công việc của họ và wedding planner là người ở giữa kết nối tất cả mọi thứ lại để tạo thành một ý tưởng (concept) chính xuyên suốt đám cưới”.
Nhận thấy mô hình Wedding planner rất hay và mới mẻ so với thị trường cưới Việt Nam thời điểm đó, Hồng Xuân quyết định nộp đơn nghỉ việc và dồn toàn bộ vốn liếng vào khởi nghiệp một công ty chuyên chuẩn bị kế hoạch cưới bất chấp sự phản đối của gia đình.
“Tôi biết ý tưởng của mình khá táo bạo và mô hình này quá mới ở Việt Nam, tôi sẽ gặp rất nhiều rủi ro, nhưng nếu tôi không khởi nghiệp bây giờ thì cơ hội trở thành người đi đầu sẽ trôi qua”, Hồng Xuân kể.
Đam mê và lạc quan là thế, nhưng những khó khăn trong 3 năm đầu tiên khởi nghiệp như thị trường mới, sự phản đối của gia đình và nhất là gánh nặng tài chính đã không ít lần khiến Xuân muốn chùn bước. “Ngày xưa đi làm dù có đi sớm về khuya cỡ nào thì cuối tháng cũng có gần cả nghìn đô trong tài khoản, đâu phải lo lắng gì. Giờ phải trả lương cho nhân viên thì là câu chuyện hoàn toàn khác. Hồi ấy, đêm nào tôi cũng không ngủ được, nằm suy nghĩ đến bạc cả tóc luôn”, Hồng Xuân tâm sự.
Nhưng “khổ nào rồi cũng sẽ qua”, sau 3 năm “trầy da tróc vảy” thì đến năm 2013 công ty của Xuân đã phát triển ổn định và trở thành một thương hiệu làm nghề uy tín trong cộng đồng. Hiện giờ, mỗi tháng công ty Xuân nhận lên kế hoạch tổ chức từ 6 – 8 đám cưới với chi phí từ 30 triệu – 70 triệu đồng (tùy theo tính chất đơn giản hay cầu kỳ của đám cưới), tổng thu nhập trung bình lên đến hơn 350 triệu đồng mỗi tháng.
“Trong những ngày gian khó, tôi lúc nào cũng tự hỏi liệu những gì mình đang chịu đựng có đáng không? Tôi tin là một ngày nào đó công việc này sẽ đem lại quả ngọt và đúng là như vậy. Đam mê là phải trả giá, nhưng khi trả giá xong rồi, tôi cảm thấy rất xứng đáng”, Hồng Xuân bày tỏ.
Wedding planner – Người lắng nghe những câu chuyện tình
Không có một công cuộc “start –up” nào không gặp sóng gió
nhưng điều nuôi dưỡng và tiếp sức niềm đam mê của Hồng Xuân có lẽ chính những
câu chuyện tình yêu mà cô nghe được trong suốt quãng thời gian 6 năm làm nghề.
“Làm nghề Wedding planner vui nhất là gặp những cặp đôi yêu nhau. Họ kể cho tôi
nghe đủ kỷ niệm về chuyện tình của họ, lời cầu hôn ra sao, lần đầu tiên nắm tay
cảm giác thế nào đến chuyện gia đình cản trở rồi họ đã vượt qua khúc quanh trắc
trở đó ra sao. Tất cả những điều ấy, dù cho có khó khăn đi nữa, vẫn là chuyện
vui vì họ đã đi đến quyết định cuối cùng là kết hôn”, Hồng Xuân tâm sự.
Những câu chuyện tình cũng là chất liệu chính để người làm nghề Wedding planner như Xuân sáng tạo ra những ý tưởng cưới (Wedding concept) đặc sắc và khác biệt. Có những ý tưởng cưới sẽ được thể hiện qua lời nói của MC hay nội dung chương trình, nhưng cũng có những ý tưởng sẽ chỉ thể hiện qua phần trang trí đám cưới vì cô dâu chú rể đôi khi không muốn làm điều gì quá khác lạ so với đám cưới truyền thống.
Nhiệm vụ của Wedding planner là phải khai thác
được chuyện tình của mỗi cặp đôi nên công việc của họ đôi khi cũng giống như
một phóng viên vậy. “Tôi tiếp cận câu chuyện tình của cô dâu chú rể bằng nhiều
cách. Đầu tiên là trên giấy tờ, họ sẽ có một bản mẫu để kể câu chuyện của mình
bằng câu chữ. Sau đó, tôi sẽ gặp trực tiếp để trò chuyện với họ. Nếu như vẫn còn
chưa đủ dữ liệu, tôi sẽ hỏi thăm bạn bè, người thân để tìm được những tình tiết
hay sao cho có thể phát triển thành một ý tưởng/chủ đề xuyên suốt đám cưới”,
Xuân tiết lộ.
Có những chuyện tình mới nghe qua cứ như chuyện của nàng Thúy Kiều tân thời. Chị là người Việt, còn anh là người nước ngoài. Hai người này đã từng trải qua một đời vợ, đời chồng. Chị ở với chồng trước có hai đứa con, nhưng gia đình không hạnh phúc. Chị ly hôn, đưa hai con qua nước ngoài sinh sống và không còn tin vào tình yêu nữa cho đến ngày chị gặp anh trong một tiệm bán băng đĩa. Họ tìm thấy nhau qua âm nhạc, rồi từ âm nhạc, họ chuyển sang chia sẻ về cuộc sống rồi yêu nhau. Thế nhưng mãi đến lần thứ 6, chị mới chấp nhận lời cầu hôn chân tình của anh.
“Trong một lần trò chuyện, chị ấy chia sẻ rằng bình yên là cảm giác lớn nhất khi chị ở bên anh. Chị không còn lo lắng gì, ứng xử ra sao, không lo sợ bị hiếp đáp nữa”, Xuân cho biết.
Tiệc cưới ngày hôm đó được trang trí theo màu chị ấy thích là màu xanh biển trang nhã, diễn ra vào buổi tối với điểm nhấn chính là những ngọn đèn vàng, dạng đèn được lồng trong khung sắt màu đen hay được trưng bày trong quán cà phê với ý nghĩa “Tình yêu được bọc trong một cái lồng sắt chắc chắn luôn đem lại cho người ta cảm giác an toàn”.
“Hôm đó, tôi đã dùng cả nghìn bóng đèn để trang trí đám cưới, cả Thảo
Điền rực sáng dưới ánh đèn dịu dàng ấm áp khiến lễ cưới diễn ra rất xúc động.
Cậu con trai nhỏ của chị lên sân khấu phát biểu “Con rất vui vì mẹ cuối cùng đã
tìm được tình yêu của mình. Con rất vui vì từ hôm nay con và anh chính thức có
một gia đình”. Chưa nói hết câu, cậu bé đã mếu máo khóc rồi và chạy xuống ôm
chầm lấy mẹ và bố dượng”, Xuân xúc động kể.
Cũng có những chuyện tình nghe xong mà rươm rướm nước mắt đến nỗi Xuân phải thốt lên “Nếu là người trong cuộc có lẽ tôi đã bỏ cuộc ngay từ đầu”. Họ là một cặp đôi yêu nhau đến 10 năm và trải qua không biết bao nhiêu trắc trở. Yêu nhau nhưng không thể ở bên nhau, khi về lại được với nhau thì gia đình cấm cản. Tiếp sau đó là người thân mất, một người phải đi học theo quyết định của gia đình. Sau quá trình yêu xa, cả hai lại phải suy tính là sống ở nước ngoài hay quay về Việt Nam.
“Lần đó tôi đã tổ chức đám cưới của họ với ý
tưởng “Tổ chim cúc cu”. Cúc cu là một loài chim rất chung thủy, dù thế nào đi
nữa, cuối cùng nó sẽ bay về với người tình duy nhất của nó. Khi người tình của
nó chết đi, nó sẽ cũng ủ rũ chết theo. Cúc cu khi đã chọn được người bạn đời
thì nó sẽ gắn bó suốt đời, dù khó khăn cỡ nào đi nữa, nó cũng sẽ quay về”, Xuân
kể.
“Mở xưởng thêu tay vì
muốn nghỉ hưu ở tuổi 40”
Dù là người có nhiều trải nghiệm tình cảm và luôn dào dạt cảm hứng khi tạo ra những ý tưởng cưới độc đáo nhưng Hồng Xuân cho biết wedding planner cũng giống như nghề tổ chức sự kiện, là nghề có tuổi thọ nhất định. Đến một lúc nào đó, wedding planner sẽ không còn đủ sức khỏe để “ăn dầm nằm dề với nghề” và Hồng Xuân đã chuẩn bị cho mình một đam mê khác, đó là lý do cô cho ra đời một xưởng thêu tay.
“Tôi tìm lại sở thích thêu tay tình cờ trong một lần
đọc sách và bắt đầu thêu trong thời gian chăm con. Ban đầu tôi chỉ thêu vì
thích, nhưng sau khi đăng lên Facebook thì bạn bè thích nên nhờ thêu hộ. Sau
này tôi mở hẳn một xưởng thêu, sản phẩm của xưởng là mẫu thêu trên áo dài, đầm,
váy, áo với đủ loại chất liệu từ lụa, voan, linen, bố, jeans, nhung, lụa. Tất
cả các mẫu thêu đều do tôi tự sáng tác”, Xuân cho biết.
Xưởng thêu tay ra đời cũng nằm trong kế hoạch “Nghỉ hưu ở
tuổi 40” của Hồng Xuân, cô cho biết đến 40 tuổi cô muốn dành toàn bộ thời gian
cho gia đình và chỉ làm những việc mình thích. “Suy nghĩ về hưu ở tuổi 40 bắt
đầu có từ ngày tôi sinh con. Tôi sinh con gần như thập tử nhất sinh nên sau đó
tôi thấy mọi thứ khác trên đời không còn quan trọng. Tất cả đều sẽ trôi qua
hết, chỉ còn tình yêu và gia đình ở lại. Tôi chọn gia đình mình”, Hồng Xuân tâm
sự.
Do sinh con khó, Hồng Xuân cảm thấy rất trân trọng cuộc sống mình đang có.
Làm nghề Wedding planner đã 6 năm, tổ chức hàng trăm đám cưới, Hồng Xuân cho biết cô nhận thấy quan điểm tình yêu giữa các thế hệ thay đổi khá nhiều. “2011 – 2013 là thời điểm cưới của lứa tuổi 8X. Tôi thấy thế hệ 8X thường thích theo đuổi sự nghiệp và kết hôn khá muộn, nhưng khi đã nhận ra tình yêu quý như thế nào, họ lại yêu rất sâu sắc. Tình yêu của họ lớn lên từ tình bạn, từ tình đồng nghiệp, và có nền tảng là sự đồng cảm sâu sắc, họ chia sẻ được với nhau rất nhiều, rồi mới quyết định đi đến hôn nhân”, Hồng Xuân chia sẻ.
“Đến 2014 – 2016 là thời điểm 9X bắt đầu cưới. Có khá nhiều
bạn 9X yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, có một số bạn yêu và cưới rất nhanh. Sau
khi cưới xong, vì còn quá trẻ, mỗi người lại tập trung vào sự nghiệp nên mối
quan hệ của họ giống như hai người bạn cùng phòng hơn là vợ chồng. Đó là lý do
một số cặp ly hôn rất nhanh sau khi cưới. Tôi cảm thấy hơi chạnh lòng vì đã
từng tự tay tổ chức những đám cưới rất đẹp cho họ nhưng cuối cùng họ lại không
có một kết thúc hạnh phúc. Tôi nghĩ có lẽ các bạn nên chậm lại một chút, nên
cùng nhau trải qua nhiều thứ hơn thì hôn nhân mới thật sự bền vững”.