Hè đến là thời điểm người lớn và trẻ nhỏ nô nức kéo nhau đi học bơi với mong muốn nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống và tránh nóng. Hình ảnh người lớn, trẻ con tụ tập tại bể bơi từ sáng sớm hay buổi chiều muộn đã trở nên không còn xa lạ trong những ngày này.

Anh Thanh, giáo viên dạy bơi ở một bể bơi trong nhà thuộc khu phức hợp tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), chia sẻ, anh vốn là nhân viên một trung tâm huấn luyện thể thao. Tranh thủ ba tháng hè học viên được nghỉ, anh đi dạy thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập.

Chuyện nghề: Dầm mình trong nước 14h mỗi ngày, giáo viên dạy bơi thu về 30-40 triệu/tháng - Ảnh 1.

Vì bơi lội là môn học phù hợp với nhiều đối tượng, không giới hạn độ tuổi nên học sinh của anh có những bé chỉ 5-6 tuổi nhưng cũng có những cụ già đã trên 70.

“Chúng tôi không giới hạn số buổi học mà sẽ dạy cho đến khi nào học viên biết bơi thì thôi. Tuy nhiên, thường thì tầm 7-10 buổi là học viên đã bơi thành thạo rồi. Những bạn nhanh nhẹn thì tầm 5 buổi là ổn nên mình có thể nhận thêm học viên mới”, anh Thanh cho biết.

Với mỗi buổi dạy khoảng hơn một giờ đồng hồ, anh kèm từ 2 đến 3 học viên. Có những hôm số lượng học sinh tăng, anh phải nhờ thêm 1-2 giáo viên phụ đến dạy cùng.

Học phí một khóa bơi cơ bản (bơi ếch) vào khoảng 2.500.000 đồng/khóa, khóa bơi nâng cao học phí cao hơn, như bơi sải là 3.000.000 đồng hay bơi bướm là 4.500.000 đồng. Sau khi trừ chi phí cho ban quản lý bể bơi khoảng 1.500.000 đồng/học viên, vé tháng 2.400.000 đồng/30 lượt, trung bình một tháng anh Thanh kiếm được 30-40 triệu đồng. Chịu khó “cày cuốc” trong ba tháng hè, anh có thể “bỏ túi” trên dưới 100 triệu đồng.

Tuy nhiên anh Thanh cho biết, công việc này tuy thu nhập tốt nhưng chỉ mang tính thời vụ, hơn nữa phải ngâm mình trong nước thường xuyên 13-14h/ngày (từ 6 giờ sáng đến 8-9h tối) nên khá “cực”. Lịch dạy kéo dài từ thứ 2 tới thứ 6. Cuối tuần bể được sử dụng hoàn toàn cho dịch vụ bơi.

“May mà là bể bơi trong nhà nên cũng đỡ, chứ ngâm nước dưới trời nắng gắt thì mệt lắm. Mỗi ngày mình chỉ có 30 phút để ăn trưa. Còn giờ nào cũng có người đến học cả”, anh Thanh bộc bạch.

Bể bơi ở đây rộng 1.000 m2, phân thành 2 khu, một khu dạy/học bơi, một khu bơi riêng. Trung tâm dạy bơi mà anh Thanh tham gia còn tổ chức dạy ở 4 bể bơi khác trên địa bản Hà Nội tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy hay Đống Đa.

Khi nhu cầu học bơi ngày càng gia tăng, không ít bể bơi cũng chủ động mở các lớp đại trà (từ 10-15 học viên). Tuy nhiên tỷ lệ học sinh biết bơi không cao, phần lớn là “chữ thầy trả thầy” nên nhiều người thường tìm đến các lớp học giáo viên tự tổ chức. Dù học phí đắt hơn nhưng những lớp này có đặc điểm là được hướng dẫn nhiệt tình, được đảm bảo chất lượng sau khi kết thúc khóa học nên nhiều giáo viên thậm chí rơi vào tình trạng “kín lịch”.

Hoàng Anh, sinh viên một trường đại học kinh tế cho biết cô đã bước chân vào con đường dạy bơi được khoảng 3 năm nay. Vốn là thành viên đội tuyển bơi lội của tỉnh, Hoàng Anh tự lân la đến các bể bơi xem người khác hướng dẫn thế nào, sau đó xin làm trợ giảng và dần dần được “lên chức”.

Cứ mùa hè đến là Hoàng Anh lại đăng tin lên mạng hoặc vào các diễn đàn quảng cáo. Có những đợt học viên đăng ký đông, Hoàng Anh phải từ chối hoặc “nhường” cho một người bạn khác.

“Một ngày mình dạy tầm 8-9 tiếng nhưng vẫn không xuể. Có lần mình ghi rõ là ‘kín lịch, không nhận dạy thêm’ mà mọi người vẫn liên hệ đấy”, cô gái trẻ tâm sự.

“Mình thích bơi từ bé. Công việc này cho mình thu nhập và cả niềm vui. Học viên của mình chủ yếu là chị em văn phòng và các bé gái. Họ hoặc bố mẹ của các bé gái thường chỉ tin tưởng giáo viên dạy bơi nữ thôi. Vậy nên nghề của mình không lo thiếu đất diễn” Hoàng Anh kết luận.

Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng Hoàng Anh cho biết khoản thu nhập từ việc dạy bơi giúp cô trang trải học phí trong năm tới, đồng thời gửi một phần về quê nhà. Cô gái 9x khẳng định trong tương lai, dù theo ngành ngân hàng, nhưng sẽ vẫn tiếp tục công việc dạy bơi nếu có thời gian phù hợp.