Đối với nhiều người Trung Quốc trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chuyện hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” là điều hiển nhiên. Họ chẳng thể nào phản kháng được. Những người phụ nữ rơi vào cuộc hôn nhân không tình yêu đó chẳng mấy ai có được hạnh phúc trọn vẹn.
Câu chuyện tình yêu của nhà văn Mao Thuẫn lại rất khác.
Chú rể bỏ đi ngay sau hôn lễ vì một điểm "khó chấp nhận" của cô dâu
Hiện tại, Giải thưởng văn học Mao Thuẫn vẫn rất danh giá ở Trung Quốc. Nó được đặt theo tên của một bậc thầy văn học nổi tiếng thế giới của Trung Quốc. Tuy vậy, cuộc sống cá nhân của ông vẫn còn nhiều điều gây tranh cãi.
Mao Thuẫn sinh ra trong một gia đình khá giả ở Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 17 tuổi, ông trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của Đại học Bắc Kinh. Được học đại học và tiếp nhận văn hóa Tây phương, suy nghĩ của Mao Thuẫn rất cởi mở. Ông luôn muốn tự do yêu đương, giải quyết cuộc sống nhưng thời thế xã hội và gia đình không cho phép điều đó.
Năm 1916, ông nhận được thư nhà, gọi về quê vì mẹ ốm nặng. Thực chất, đó là cách gia đình đánh lừa để gọi ông về làm lễ kết hôn. Cô ấy là Khổng Đức Chỉ, người cùng làng của Mao Thuẫn và ít hơn ông 3 tuổi.
Họ Mao phản khán quyết liệt với cuộc hôn nhân này. Ông là một thanh niên tiên tiến, có đầu óc đổi mới nên nằng nặc từ chối hôn nhân sắp đặt. Tuy nhiên, một mình ông chẳng chống lại được những người lớn trong nhà. Ông phải tiến hành lễ cưới với cô gái họ Khổng.
Đúng là trời giỏi trêu ngươi, Mao Thuẫn là một nhà văn bắt đầu có tiếng ở giai đoạn đó. Vợ ông thì “một chữ bẻ đôi không biết”. Ngay sau khi làm lễ thành hôn xong, ông mới phát hiện điều này. Ngay lập tức, Mao Thuẫn bỏ luôn chẳng thèm dự tiệc cưới. Trước khi đi ông còn không quên quay sang buông những lời coi thường, khinh bỉ cô vợ quê mùa, dốt nát.
May mắn cho Khổng Đức Chỉ, mẹ chồng Trần Ái Châu rất thương. Thấy con trai hành xử tàn nhẫn ngay trong ngày cưới bà đã đi theo. Bà phân tích cho Mao Thuẫn rất nhiều về trách nhiệm của người đàn ông và chuyện kết hôn. Bà kết luận lại rằng, Đức Chỉ là con dâu bà mong muốn. Bà nhìn thấy cô lớn lên từ bé ra sao và hài lòng với cô gái này.
Vốn là người thương mẹ, Mao Thuẫn quay về động phòng với vợ. Chấp nhận người vợ này để mẹ cảm thấy an tâm.
Về phần Khổng Đức Chỉ, bà hiểu sự thua kém của mình so với chồng. Bà không được đi học nhưng rõ lý lẽ chứ chẳng phải kiểu người mông muội, dốt nát.
Bà xin đi học trường nữ mới mở trong thị trấn để biết chữ và đọc được sách. Khi về nhà, bà vẫn chu toàn hết công việc trong ngoài khiến mẹ chồng rất ưng ý. Sự chăm chỉ và tận dụng thời gian học mọi lúc mọi nơi của Đức Chỉ khiến thầy giáo cũng phải khen ngợi.
Vài năm sau khi kết hôn, Mao Thuẫn quay lại Thượng Hải làm việc. Trần Ái Châu đủ sáng suốt để biết rằng một người đàn ông trưởng thành trong thế giới phồn hoa sẽ bị cám dỗ ra sao.
Năm 1921, khi đó Khổng Đức Chỉ đã học hành xong xuôi. Trần Ái Châu yêu cầu con dâu đến Thượng Hải sống cùng con trai mình. Trước khi đi, bà còn dặn dò con dâu rằng hãy để cho chồng được tự do bay cao bay xa như một con diều nhưng người vợ nhất định phải giữ bằng được sợi dây của con diều đó.
Đến Thượng Hải, Khổng Đức Chỉ không hề ngồi không. Chồng lo việc của chồng, bà cũng thường ngày đến thư viện đọc sách, kết bạn, tham gia các bữa tiệc cùng bạn bè. Đặc biệt, Khổng Đức Chỉ rất nhiệt tình trong phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ đang rộ lên thời gian đó. Ngoài thời gian làm việc, Mao Thuẫn cũng trao đổi với vợ về những vấn đề xã hội. Cả hai đã có quãng thời gian rất tốt đẹp trong những tháng năm ở Thượng Hải.
Trong cuộc sống, Đức Chỉ đã lo toan hết tất cả cho chồng. Từ ăn uống, giặt giũ hay thư tín, ông chẳng cần đụng tay vì bà thu vén tốt tất cả. Tình cảm hai vợ chồng ngày càng khăng khít hơn.
Tuy nhiên, sự tận tụy và thay đổi chừng đó của Khổng Đức Chỉ không đủ giữ chân Mao Thuẫn.
Bí quyết giữ chồng của người phụ nữ nông thôn!
7 năm đến Thượng Hải, Khổng Đức Chỉ từ từ vươn lên thành một nhân vật được chú ý. Bà là giám đốc ở một trường dạy nghề cho phụ nữ. Vai vế của bà cũng lên ngang hàng với chồng. Bà không còn quá xấu hổ mỗi khi được nhắc đến là vợ của Mao Thuẫn nữa.
Thời điểm này, tiếng tăm của Mao Thuẫn “như mặt trời ban trưa”, rực rỡ và khiến nhiều người chú ý. Trong đó, có một cô gái tên là Tần Đức Quân.
Trong một chuyến tàu sang Nhật Bản, Mao Thuẫn gặp Tần Đức Quân. Cả hai như gặp tiếng sét ái tình và lao vào chuyện yêu đương tội lỗi, vụng trộm. Sau này, trong cuốn hồi ký của mình, Mao Thuẫn đã từng nhắc đến cuộc tình đó. Họ đã sang Kyoto và sinh sống với nhau như vợ chồng.
Khổng Đức Chỉ biết chồng ngoại tình, bà chết lặng. Tuy nhiên, bà quyết định không làm to chuyện hay tiết lộ tin tức cho bất cứ ai. Bà muốn giải quyết mọi chuyện trong êm đẹp. Thời điểm ấy, Khổng Đức Chỉ rõ rằng, những đứa con và mẹ chồng sẽ là “vũ khí” của bà trong cuộc chiến với “tiểu tam”.
Bà bình tĩnh kể chuyện này với mẹ chồng. Trần Ái Châu sau khi biết chuyện rất phẫn nộ. Bà khuyên con dâu hãy bình tĩnh và tự mình viết một lá thư dài gửi con trai:
“Con mất cha từ nhỏ, mẹ đã nâng niu con, dạy con những bài thơ, lễ nghĩa. Con nên biết rằng vợ của con dù làm gì đi chăng nữa cũng nghĩ đến gia đình này. Con nên thay đổi suy nghĩ, quay trở lại với gia đình và đảm nhận trách nhiệm trong nhà mà một người đàn ông nên có. Đây là cách đúng đắn nhất con có thể làm bây giờ”.
Nhưng Tần Đức Quân không phải là một người phụ nữ đơn giản. Ngay sau khi cả hai người về Thượng Hải, bà liên tục dùng mọi cách ép tình nhân bỏ vợ. Thậm chí, bà còn thừa nhận trong hồi ký của mình rằng từng bịa chuyện Khổng Đức Chỉ có người khác để thúc giục điều đó đến nhanh hơn.
Về phần Đức Chỉ, bà không hề lên tiếng tranh cãi. Gia đình gồm bà, mẹ chồng và những đứa con sống êm đềm, bình lặng như chẳng có biến cố gì.
Bị nhiều sức ép chuyện bỏ vợ từ tình nhân, nhìn về gia đình thì thấy chẳng ai trách móc, nhắc đến chuyện ngoại tình của mình, Mao Thuẫn có sự lựa chọn. Ông quyết định chia tay Tần Đức Quân để quay lại với gia đình nhỏ.
Cùng thời điểm, Trần Ái Châu khuyên con dâu nên từ bỏ hết chức vụ, trở về quê nhà. Không phải mục đích phục vụ mẹ chồng, bà muốn con dâu chăm lo nhiều hơn cho con, cho chồng để bù đắp khoảng cách giữa họ. Vốn là một người phụ nữ truyền thống từ tận xương tủy, đặt gia đình lên đầu, Khổng Đức Chỉ đồng ý.
Biết tin, Mao Thuẫn vô cùng sửng sốt. Ông hoảng hốt nhận ra chỉ vì mình mà vợ đánh mất cơ hội sự nghiệp.
Cũng chính vì điều này, từ ngày đó cho đến cuối đời ông đã bày tỏ sự cảm ơn và biết ơn người vợ hi sinh tất cả cho chồng. Từ sau hoạn nạn mới nhận thấy chân tình, Mao Thuẫn sau đó đi đâu cũng mang vợ theo, tình cảm vợ chồng vô cùng mặn nồng, ấm áp.
Năm 1970, Đức Chỉ mắc bệnh. Trong những thời gian bà nằm liệt giường, Mao Thuẫn đều phục vụ vợ rất chu đáo. Ngày ngày ông lại đến giường bệnh đọc sách cho bà nghe, an ủi bà.
Ngày vợ mất, ông rất đau đớn. Sau này nhiều lần ông nói với cháu mình rằng: "Ông với bà đến từ một cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng kết thúc lại rất có hậu".
Đúng là chuyện hôn nhân của một nhà văn nổi tiếng, tuy sóng gió nhưng cái kết cuối khiến nhiều người trầm trồ. Trong câu chuyện này, dù có thua thiệt hơn nhưng cuối cùng, bằng cái cách riêng, Khổng Đức Chỉ đã giữ được hôn nhân hạnh phúc và giữ được chồng ở bên cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Nguồn: Kknews, Sohu