Chị là người phụ nữ mạnh mẽ, yêu thương chồng vô hạn nhưng vẫn phải hứng chịu nỗi đau đớn mất đi người chồng yêu quý sau hơn 10 năm bên nhau (5 năm yêu và gần 6 năm chung sống). Chị chính là Mai Thị Hương Giang, 32 tuổi, biên tập viên ban Văn hóa - Xã hội của một Tạp chí. Hiện, chị và con trai nhỏ đang sống tại nhà riêng ở Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Mối tình thời sinh viên và cuộc sống vợ chồng son đong đầy hạnh phúc
Vào đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đến hết năm thứ nhất, chị vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai. Đến ngày Lễ tình nhân năm học thứ 2 tại trường (14/2/2000), trong khi chị đang trên đường đạp xe đến nhà bạn học cùng cấp 3 (người bạn này trọ ở khu vực Ngã Tư Sở) thì giật mình nghe thấy tiếng một người con trai gọi. Chị vội nhìn quanh nhưng không thấy người quen nên lại định đi tiếp. Vừa đi, chị lại nghe tiếng gọi tên chị một lần nữa.
Định thần nhìn mãi, chị mới nhận ra người bạn cũ. Hóa ra người gọi chị là anh Nguyễn Quang Huy - bạn học cùng trường, cùng khóa với chị ngày cấp 3. Ngày ấy, chị học lớp chuyên Văn. Còn anh, học lớp “bình thường”, không chuyên nên chị chỉ hơi ngờ ngợ (vì ngày trước đi học chị cũng ít bạn).
“Thấy mình ngờ ngợ, anh giới thiệu luôn anh học lớp 12E ngày trước. Anh cũng nói nhà anh cũng gần nhà chị và là con của ông bà này kia. Lúc đó, mình mới ớ ra và nhận người quen” - Chị nhớ lại kỷ niệm ngày đầu 2 anh chị quen nhau.
Vợ chồng anh chị Mai Thị Hương Giang và Nguyễn Quang Huy
Cùng cảnh sinh viên đi học xa nhà, lại là đồng hương, đồng niên nên anh chị chơi thân với nhau từ đó. Thực tình, khi ấy trong chị chưa hề có tình cảm yêu đương gì với anh ngoài tình bạn. Cho dù các anh chị và các bạn trong xóm trọ thấy anh hay qua chỗ chị chơi nên cứ trêu anh chị với nhau. Nhưng lần nào cũng thế, chị đều thanh minh bảo hai người chỉ là bạn bè, đồng hương.
Tết Dương lịch năm 2001 (khi ấy chị học năm thứ 3 đại học), chị cùng ở phòng trọ với chị về quê chơi. Chị không về được đợt này vì ở lại ôn thi học kỳ.
Thời gian này, anh vẫn đến chơi như mọi khi và “không có biểu hiện gì khác”: “Một ngày anh đến phòng chơi như bình thường. Hai đứa vẫn trò chuyện vô tư và vui vẻ. Sau khi anh về, mình lôi sách vở ra học bài thì thấy có một lá thư. Hóa ra là lá thư anh tỏ tình với mình. Anh nói đã quan tâm, theo dõi và có tình cảm với mình từ lâu. Mình thực sự rất bất ngờ về điều này và chưa bao giờ nghĩ đến tình huống ấy”.
Thời gian này, anh vẫn đến chơi như mọi khi và “không có biểu hiện gì khác”: “Một ngày anh đến phòng chơi như bình thường. Hai đứa vẫn trò chuyện vô tư và vui vẻ. Sau khi anh về, mình lôi sách vở ra học bài thì thấy có một lá thư. Hóa ra là lá thư anh tỏ tình với mình. Anh nói đã quan tâm, theo dõi và có tình cảm với mình từ lâu. Mình thực sự rất bất ngờ về điều này và chưa bao giờ nghĩ đến tình huống ấy”.
Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, từ tình bạn bền chặt, chị dần có tình cảm với anh và nhận lời yêu anh 1 năm sau đó (ngày 10/3/2001). Tình yêu bền chặt thời sinh viên của anh chị cứ thế trôi qua trong suốt 5 năm sinh viên. Đến tháng 11/2006, sau khi ra trường và đã có công việc ổn định, anh chị đã quyết định tổ chức một đám cưới hạnh phúc.
Khi đã chính thức nên vợ nên chồng và về sống với nhau, vì hai vợ chồng bằng tuổi nên 2 người cũng hay chí chóe, giận hờn những chuyện vụn vặt. Tuy nhiên, chưa bao giờ anh chị xảy ra xô xát lớn.
6 tháng vợ chồng, chị mới có tin vui. Và quá trình mang thai của chị khá vất vả. Bởi 3 tháng đầu chị cứ bị ra máu thai kỳ nên phải nghỉ làm ở nhà suốt. Thương vợ nên trong thời kỳ chị mang thai, anh chăm sóc chị từng li từng tí, từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Chị kể lại:“Đều đặn mỗi sáng, anh luộc sẵn cho vợ 1 quả trứng gà, có hôm thì hấp cách thủy. Mỗi tuần anh tự làm cháo cá chép cho vợ ăn. Anh tự đi chợ chọn cá, mua cá, làm sạch sẽ rồi luộc cá và ngồi gỡ từng cái xương để nấu cháo với hy vọng 'mong em bé sau này môi đỏ như son'. Nhìn chồng ngồi gỡ từng cái xương cá, mình xúc động và cảm thấy yêu chồng nhiều hơn”.
Hạnh phúc của vợ chồng trẻ cứ đong đầy như vậy cho đến khi chị mang bầu tháng thứ 5. Một ngày anh đi đá bóng và bị ngã lệch đĩa đệm phải nằm một chỗ. Hai vợ chồng sống trên Hà Nội nên không có ông bà nội ngoại ở gần. Ngày nào chị cũng bụng mang dạ chửa ra vào bệnh viện lo cơm nước cho chồng.
“Với biến cố nhỏ đầu tiên ấy, hành trình của mình cứ từ nhà - bệnh viện - cơ quan. Cứ như thế một thời gian cho đến ngày anh được xuất viện về nhà. Vì đi lại nhiều, nên mang thai đến tháng thứ 6, mình bắt đầu có hiện tượng rỉ ối. Mặc dù thuốc men đầy đủ và hết sức giữ gìn, nhưng mình vẫn phải mổ đẻ cấp cứu ở tháng thứ 8 và có một bé trai kháu khỉnh”.
Cú sốc sau 13 ngày ở cữ và hành trình dài sát cánh bên chồng chữa ung thư
Có thêm thành viên mới, những tưởng những ngày sóng gió đã qua của vợ chồng chị sẽ lùi vào dĩ vãng. Nhưng chưa kịp tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc làm mẹ thì chỉ sau 13 ngày ở cữ cũng là lúc chị phát hiện tin dữ về bệnh tình của chồng: chồng chị mắc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối.
Khi nghe hung tin: “Mình sốc, sốc lắm. Ban đầu, mình bàng hoàng không tin được đó là sự thật. Ôm đứa con mới 13 ngày tuổi còn đỏ hỏn trên tay mình khóc như chưa bao giờ được khóc. Khi đã bình tâm lại, mình nghĩ khóc cũng không giải quyết được vấn đề gì. Mình đã động viên chồng đừng sợ và đừng lo lắng quá. Y học bây giờ tiến bộ và phát triển, sẽ khống chế được căn bệnh quái ác này. Thứ nữa, anh phải vì con, yêu con để lạc quan và chiến đấu với bệnh tật”.
Vì khi phát hiện ra bệnh tình của anh xã thì bệnh đã ở giai đoạn 4D (giai đoạn cuối của cuối). Bởi thế quá trình điều trị ung thư của anh vô cùng vất vả và gian nan. Chị cùng bố chồng đã đưa anh đi mấy bệnh viện lớn ở Hà Nội để khám và làm tế bào sinh thiết. Tất cả các kết luận của các bệnh viện đều khẳng định anh bị ung thư đại tràng ở giai đoạn cuối, đã di căn hạch.
Trước bệnh tình của anh, sau khi bàn bạc và cân nhắc nhiều yếu tố, gia đình chồng chị đã quyết định đưa anh vào Bệnh viện 108 mổ.
Nhớ lại ca mổ đầu tiên của chồng, chị vẫn bần thần: “Dự kiến ca mổ khoảng 1,5 tiếng đồng hồ thế mà kéo dài đến 5 tiếng. Cả gia đình ai cũng lo lắng, đứng ngồi không yên tâm. Cuối cùng, các bác sỹ cũng đã ra và thông báo ca mổ đã thành công. Thế nhưng, sau hậu phẫu, anh bị nhiễm trùng phải nằm điều trị mất 3 tháng. Sau đó anh tiếp tục được chuyển sang Bệnh viện K2 Tam Hiệp để truyền hóa chất và xạ trị”.
Thời kỳ đầu mới truyền hóa chất và xạ trị, do tác dụng của hóa chất và hóa trị nên anh rất mệt, chán ăn, xuống cân và thay đổi tính nết. Anh hay cáu gắt và dễ nổi nóng. Hết 6 tháng điều trị hóa trị liệu, sức khỏe của anh khá hơn. Anh bắt đầu có thể đi làm lại được (Anh là kỹ sư cầu đường).
Thế nhưng mới đi làm được 5 tháng thì bệnh của anh lại tái phát, khối u mới lại mọc thêm ở bàng quang. Một lần nữa, khi phát hiện ra lại ở trong tình trạng quá muộn. Các bác sĩ kết luận “không mổ được”. Chỉ còn cách tia xạ để khống chế khối u, không cho khối u phát triển thêm lên.
Anh chị Huy - Giang cùng con trai nhỏ
“Lần này, chồng mình suy sụp hẳn. Anh cứ khóc suốt, chẳng chịu ăn, chịu nói. 70 mũi tia xạ làm cho anh mệt mỏi và kiệt sức. Sau lần xạ trị này, sức khỏe của anh không được ổn định và tốt cho lắm. Vì thế, khi xin đi làm lại, công ty anh cũng có phần hơi ái ngại và ít giao việc cho anh làm”.
Đi làm lại được 1 tháng, phần vì sức khỏe không bảo đảm, phần vì không được giao việc cho làm nên anh chán nản và làm đơn xin nghỉ không lương. Sau này, khi thấy sức khỏe tốt hơn lên, anh bàn với chị và gia đình đi làm ngoài với người anh họ.
“Với anh khi ấy, được làm việc là niềm vui lớn. Anh trở nên yêu đời hơn. Sống vui vẻ và lạc quan hơn. Thế nhưng thời gian yêu đời và vui vẻ đó của anh cũng chẳng kéo dài được bao lâu khi khối u ở bàng quang tái phát, hoại tử và vỡ bung ra. Lần nay, các bác sỹ bệnh viện K2 Tam Hiệp bàn với gia đình cho anh về nhà vì ‘không còn cách nào nữa rồi’”.
Đang lúc cả nhà và chính bản thân anh đã tắt ngấm hết hy vọng thì một tia hy vọng khác lại lóe sáng. Đó là: “Có một bác sỹ ở bệnh viện Việt Đức giới thiệu rằng, Bệnh viện Quảng Châu (Trung Quốc) có phương pháp điều trị ung mới bằng cách bắn tia phóng xạ trực tiếp vào vùng hoại tử.
Thế là lần lượt bố chồng mình, em trai mình và mình đã đưa anh sang Trung Quốc điều trị. Qua bên đó được 2 đợt, mỗi đợt khoảng 2 tuần thì tình trạng sức khỏe của anh có vẻ khá hơn. Nhưng về đến Việt Nam thì tình hình lại xấu đi. Và anh đã không còn đủ sức khỏe để sang Trung Quốc điều trị nữa. Những ngày cuối, anh nằm điều trị và chăm sóc ở bệnh viện Việt Đức”.
Hơn 4 năm sát cánh bên chồng, cùng anh nhiều lần vào viện ra viện điều trị ung thư, là vợ, là mẹ, chị cũng bao lần hy vọng rồi lại đau đớn thất vọng cùng bệnh tình của anh. Chưa kể, đó là những chuỗi ngày dài mệt mỏi và tốn kém vì tiền của trong nhà cứ cạn kiệt dần: “Vợ chồng còn trẻ, lại là công chức nhà nước nên thu nhập hàng tháng cũng thấp. Chi phí điều trị cho anh hơn 4 năm qua chủ yếu là bố mẹ chồng mình lo và có thêm phần giúp đỡ của anh em họ hàng, cơ quan và bạn bè hai bên gia đình.
Bố mẹ chồng mình đã rất vất vả để có tiền chạy chữa, điều trị cho anh. Ông bà đã phải bán đất, vay mượn của nhiều người. Về phần mình là vợ, mình cũng rất mặc cảm và buồn vì không giúp gì được nhiều cho bố mẹ về mặt kinh tế. Vì thế, mình luôn sát cánh bên anh chăm lo và động viên anh điều trị. Thôi thì như người ta nói ‘không có của thì có công’”.
Thời gian hơn 4 năm sát cánh bên anh, cùng anh vượt qua những giai đoạn điều trị bệnh tật đầy mệt mỏi, cam go, với chị nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được. “Thời điểm ấy, chồng ốm đau, con còn nhỏ, công việc thì bỏ bê và nghỉ làm triền miên. Có những lúc mình như muốn ngã quỵ và muốn buông xuôi tất cả.
Buồn lắm nhưng chưa bao giờ mình khóc trước mặt chồng. Mình luôn cố tỏ ra mạnh mẽ và nghị lực. Nhưng cứ quay mặt đi là mình lại không cầm lòng được. Mình cứ nghĩ khôn rồi lại nghĩ dại. Nếu có chuyện gì xảy ra với anh, mình sẽ phải sống thế nào? Rồi con trai mình sẽ ra sao?”.
Buồn lắm nhưng chưa bao giờ mình khóc trước mặt chồng. Mình luôn cố tỏ ra mạnh mẽ và nghị lực. Nhưng cứ quay mặt đi là mình lại không cầm lòng được. Mình cứ nghĩ khôn rồi lại nghĩ dại. Nếu có chuyện gì xảy ra với anh, mình sẽ phải sống thế nào? Rồi con trai mình sẽ ra sao?”.
Như đợt điều trị ở Trung Quốc, anh ăn được rất ít và cũng không ngủ được nhiều bởi những cơn đau liên tục hành hạ. Do đó, cứ khoảng 2 tiếng chị lại dậy pha cho anh cốc sữa, hoặc lấy bát cháo loãng cho anh ăn. Dù mệt mỏi và kiệt sức, nhưng chị gần như không dám ngủ vì sợ chồng ra đi bất cứ lúc nào.
“Có những lúc, tranh thủ lúc anh ngủ, mình ra hành lang ngồi ở dãy ghế chờ cho bớt ngột ngạt. Nhưng vì mệt và buồn ngủ quá, mình ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Rồi bỗng dưng như có một điều gì đó bất an, mình giật mình choàng tỉnh và hoảng sợ chạy vội vào phòng xem chồng thế nào”.
Nén nỗi đau mất chồng và tiếp tục sống vì con, vì gia đình
Hơn 4 năm anh điều trị ung thư, nhà chồng chị đã mất cả một gia tài và bao tháng ngày dài mệt mỏi tại các bệnh viện. Thế nhưng cuối cùng anh vẫn bỏ lại chị, bỏ lại đứa con trai nhỏ và những người thân thương của mình.
Ngày anh mất, với chị chẳng có nỗi đau nào lớn như thế. Chẳng có sự hụt hẫng và đau khổ nào lớn đến như vậy. Lúc đó chị còn ước: “Cho dù anh phải nằm một chỗ trên giường bệnh, hôn mê không còn biết gì nữa thì mình vẫn còn được nhìn thấy anh, sờ vào người anh. Giờ thì,… Thời gian đầu mình rất hụt hẫng, mất thăng bằng trong cuộc sống.
Hàng ngày mình cứ lẩn thẩn mở tủ quần áo thân thuộc, lấy những bộ đồ mà anh hay mặc ra ngồi nhìn và khóc. Hay mỗi lần thấy con vẫn bi bô nói cười mà lòng mình quặn đau. Con còn quá nhỏ nên chưa hiểu được nỗi đau mất cha”.
Ngã quỵ tinh thần sau ngày anh ra đi nhưng được sự động viên, chăm sóc hết lòng của bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ và anh em ruột nên chị cũng dần gắng gượng đứng dậy tiếp tục cuộc sống và nuôi con nhỏ.
“Sau khi Huy mất, cả nhà nội ngoại cứ động viên mình đi học thạc sỹ trở lại. Mình đã thi đỗ và hiện đang học. Thế nhưng có những lúc mình tủi thân và cô đơn lắm. Nhất là lúc đêm về khuya, khi mà con trai và mọi người trong gia đình đã chìm vào giấc ngủ, mình nằm một mình nhìn bóng mình và suy nghĩ về quá khứ, về hiện tại và tương lai”.
Với người đàn bà đau khổ vì mất chồng thì: “Quá khứ thì đã đi qua rồi. Hiện tại thì đang rất chênh vênh. Con đường phía trước còn quá dài. Mình tự nhủ: Liệu mình có còn đủ nghị lực để bước tiếp một mình khi không có chồng bên cạnh không? Con mình rồi đây sẽ ra sao khi cháu hiểu được nỗi đau của sự mất mát này? Và mình chợt nhận ra, cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn, mình phải tiếp tục sống. Mình đã phải cất nỗi nhớ chồng vào tim, nén nỗi đau mất chồng để đi làm, đi học trở lại, để có tiền nuôi, dạy con và bảo đảm cuộc sống của hai mẹ con”.
Gần 2 năm sau nỗi đau mất chồng, chị phải nén nỗi đau và cất nỗi nhớ chồng vào tim để tiếp tục sống nuôi con
Gần 2 năm sau ngày chồng mất, hiện tại 2 mẹ con chị đã dần ổn định được cuộc sống. Trước mắt, chị đang cố gắng hoàn thành chương trình học thạc sỹ. Sang năm (2014), con trai nhỏ của anh chị sẽ vào lớp 1 nên lúc này, chị đang chuẩn bị hành trang thật kỹ cho con.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, người phụ nữ 32 tuổi này nói: “Sẽ vất vả đây, nhưng mình cũng thấy hạnh phúc vì con đã ngày một lớn khôn. Với mình, điều hạnh phúc nhất lúc này là nhìn thấy con khôn lớn, là tình cảm gia đình, tình yêu thương vợ chồng. Và mình cũng mong những bệnh nhân bị ung thư như chồng mình luôn không ngừng hy vọng và can đảm chiến đấu với căn bệnh quái ác này từng ngày trong quá trình điều trị”.
Câu chuyện rơi nước mắt về một "gà trống nuôi con"