Ứng tiền order cho khách, đến ngày hẹn thì "ò í e"

Nói về văn hóa mua bán hàng online, người ta thường nghĩ đến các chiêu trò câu khách, dựng chuyện, tạo phốt của chủ shop online, mà quên đi rằng chính những vị khách với phong cách mua hàng có 1 không 2 mới khiến người bán phải phát điên.

Đã có biết bao vụ chủ shop online phải "đăng đàn" trên mạng xã hội, cho tên và số điện thoại của khách quái gở chuyên đặt hàng rồi chê không lấy, tắt máy, hoặc để shipper chờ dài cổ, nhà xa không chịu trả tiền ship… vào black list, để cùng nhau tránh xa. Thế nhưng, chuyện gặp thiệt thòi với khách hàng vẫn xảy ra thường xuyên, điển hình là việc ứng tiền ra order hàng về cho khách.

Nguyên tắc với hàng order, khách sẽ phải đặt cọc hoặc trả tiền toàn bộ món hàng rồi mới chốt order. Nhưng với các khách thân quen, đã giao dịch trên 2-3 lần, hoặc với người có profile hoàn hảo, facebook có hàng ngàn người theo dõi chẳng hạn, cũng thuộc dạng "vua biết mặt, chúa biết tên", thì người bán cũng dễ dàng bỏ tiền ra nhập hàng về trước rồi mới tính tiền sau.

Chuyện những dân chơi đặt mua đồ nhưng thản nhiên... quên trả tiền - Ảnh 1.
Cực chẳng đã, chủ shop phải đăng đàn "tố" khách đặt hàng nhưng lại lặn mất tăm.

Có lẽ vì nhận được sự ưu ái của chủ shop, nên khách hàng mới trở nên "lười" trả tiền và nhận hàng khi hàng về, để người bán lắm lúc truy khách như con nợ, sau khi đòi một thời gian không trả tiền, họ đành ấm ức bán cho người khác bù lỗ. Hoàng Phương, chủ shop chuyên nhận order đồ Zara, HM mới đây phải kêu trời trên facebook khi bị tới 3 khách "bùng" sau khi order.

Nhắc đến chuyện này, cô không khỏi bức xúc: "Khi mình post album hàng mới, họ sốt sắng vào order cái này cái kia, tiền hàng của 3 người là 8 triệu. Đến khi hàng về, hết nhắn tin thường, nhắn tin facebook lẫn gọi điện đều hẹn người thì chờ chị đi công tác về, người thì cứ để ở nhà chị qua lấy. 1 tháng sau vẫn không chịu qua, tin nhắn facebook không đọc mặc dù vẫn online".

Chuyện những dân chơi đặt mua đồ nhưng thản nhiên... quên trả tiền - Ảnh 2.
Những đoạn status như thế này không hiếm gặp trong giới mua bán hàng online

Cực chẳng đã, Phương phải viết status "xin" những ai còn chưa lấy hàng thì nhanh chóng thanh toán. Cuối cùng 2 trong số đó remove facebook của cô, người còn lại chuyển khoản nhưng chỉ lấy nửa hàng. Nuốt quả đắng, Phương đành đăng bán lại để mong bù lỗ, mặc dù không phải khách nào cũng mặc vừa size và ưng mẫu số đồ đó.

Ứng tiền order đồ rồi chạy theo khách kiểu này không phải là chuyện hiếm gặp, và cũng là cơn ác mộng đối với người bán hàng. Mai Nguyễn, facebooker bán hàng online chia sẻ, có những vị khách chỉ thích order cho sang mồm, họ comment hỏi lấy size này cho chị nhé, lấy mẫu kia cho tớ nhé… rất dõng dạc như thể cho người khác thấy mình sẵn sàng mua đồ không tiếc tay. Nhưng khi hàng về, họ chầy cối hơn cả con nợ, facebook online đấy nhưng còn lâu mới "seen" tin nhắn, điện thoại thì gọi cháy cả máy vẫn không nghe. Thắc mắc nhiều quá thì lý do là "Chị không nghe số lạ".

Khách dân chơi sang chảnh đặt hàng hiệu, lấy hàng về nhưng tiền không trả

Trông mặt mà bắt hình dong, nhưng trong câu chuyện của anh Đ.Thắng, chuyên nhận order hàng hiệu giá web thì có lẽ, đây là bài học nhớ đời dành cho anh. Anh Thắng đã làm nghề order hàng hiệu nhiều năm nay, song song với công việc chuyên phải đi lại giữa các nước.

Nhắc đến vị khách "dân chơi" này, anh chỉ còn biết "cười ra nước mắt". Chả là vị khách thuộc dạng hot boy, bóng sáng, và thường xuyên khoe ảnh dùng đồ hiệu, không tiếc tiền sắm đủ từ giày, ví, quần áo, thắt lưng của các hãng Hermes, Mc Queen, Givenchy… Trên facebook, cậu ta luôn xuất hiện như một công tử lịch lãm, có các mối quan hệ "dân chơi" đích thực. Cậu ta cũng từng order anh Thắng vài món đồ, nên khi nhận đơn chiếc ví hiệu LV, anh nhận lời ngay lập tức.

Chuyện những dân chơi đặt mua đồ nhưng thản nhiên... quên trả tiền - Ảnh 3.
Khách sang chảnh order quần áo rồi block luôn facebook người bán, đang gây ồn ào trên mạng xã hội vài ngày nay.

Hàng về, vị khách "sộp" hẹn lấy ví nhưng hôm đó lại… quên mang tiền. Nghĩ khách quen, lại là "dân chơi" thiếu gì tiền, chắc vô tình quên nên anh Thắng đồng ý. Thế rồi 1 tuần, 2 tuần, sang đến các tuần sau nữa mà cậu khách vẫn bặt vô âm tín mặc dù đã lên facebook khoe tới chục kiểu ảnh với chiếc ví hàng hiệu.

Cảm thấy khó hiểu nhưng vẫn muốn lịch sự, anh Thắng cũng chỉ biết nhắn tin gọi điện. Và cuối cùng, để lâu thì mọi thứ đều hóa bùn, anh Thắng đành trút bực tức và nỗi thất vọng về một vị khách sang chảnh vào những dòng status trên trang cá nhân. Đến nay thì cậu khách bóng sáng ấy vẫn hay khoe đi ăn chốn này, check in chỗ kia sang chảnh, nhưng mười mấy triệu tiền chiếc ví hàng hiệu thì tuyệt nhiên không trả.

Tất nhiên không phải khách nào cũng "mặt dày" như cậu dân chơi kia, nhưng từ sau vụ "tai nạn", anh Thắng đã phải dặn mình không nên tin người quá. Bởi vì trong nghề này, anh chia sẻ, bỏ tiền ra order cho khách cũng giống như canh bạc. Những món hàng như anh Thắng nhập về thường có giá chục triệu trở lên. May mắn gặp khách tử tế thì không sao, họ cũng chỉ ăn chút tiền chênh lệch, còn không, người bán nghiễm nhiên lỗ nặng, sau khi tìm khách như chủ nợ tìm con nợ, họ phải tìm cách bán tháo món hàng trong ấm ức để còn lấy vốn nhập món khác.

Mới đây, trên mạng lại ồn ào vụ một khách hàng sang chảnh, xinh xắn khiến chủ shop tăng xông khi order bộ bơi bằng được, sau đó liên tục không nghe điện thoại của shipper, nhắn tin không trả lời và cuối cùng block luôn facebook người bán hàng. Chủ shop đã phải kêu trời, khi thấy khách trông thì sang chảnh như thế nhưng lại thích chơi trò order cho sang mồm.

Những chuyện dở khóc dở cười quanh việc nhận hàng order còn rất nhiều, và mỗi ngày lại có thể xuất hiện các vị khách "không nghe số lạ" hay khách dân chơi sang chảnh kể trên. Thế mới thấy, giá như cả người mua lẫn người bán cứ đối xử với nhau thật văn minh, thì văn hoá bán hàng trên mạng đâu phải cứ bị lôi ra kể xấu một cách "đến hẹn lại lên" như thế này!

Theo kênh 14/ Trí thức trẻ