Nghề kiếm tiền từ đất sét
Nhờ phù sa từ sông mẹ Mê Kông chảy về cùng với trầm tích dưới dòng Cổ Chiên, Vĩnh Long có nguồn đất sét tốt mà theo ông Nguyễn Văn Buôl (60 tuổi, nghệ nhân gốm đỏ có tiếng ở Vĩnh Long) nhận xét, đó là "của trời cho duy nhất tại nơi này".
Tỉnh lộ 902 dẫn chúng tôi vào một con đường đất dài hàng chục cây số đi qua nhiều xã, ấp chi chít những lò nung sừng sững, mỗi lò cao chừng 6 mét nhuốm rêu phong, giữa những miệng lò tàn tích có lò vẫn còn giữ lửa dẫu hàng thế kỷ đã đi qua.
Công nhân làng gạch đỏ Mang Thít có thâm niên ít nhất 10 năm làm nghề, là những người không trình độ, không bằng cấp, thậm chí không biết cách đánh vần họ và tên của mình, những người "làm công - ăn lương" đúng nghĩa.
Trong bán kính 1km, 10 lò gạch nung chỉ còn khoảng một vài lò giữ lửa.
Tiếng máy ghe cập bến như báo hiệu cho những người công nhân đã hết nửa ngày công, anh Huỳnh Văn Thía (56 tuổi, Vĩnh Long) khoác vội một chiếc áo để vạt ngắn vạt dài, nhanh chóng đưa đất từ ghe lên láng, áng chừng được hơn 2 khối đất. Anh Thía nghỉ tay ừng ực một tràng nước đá lạnh rồi hồi tưởng: "Hồi trước, tôi làm nghề lặn múc đất sét bán cho lò gạch. Tôi chở một xuồng được khoảng nửa khối đất, được 3.000 - 4.000 đồng/xuồng. Dầm trong nước từ sáng sớm đến tối được chừng 3 - 4 xuồng, được mấy chục ngàn một ngày. Bây giờ lớn tuổi nên không làm nổi, lên bờ làm".
Theo ông Thía, một viên gạch, người công nhân sẽ được 50 đồng – 100 đồng tiền công tuỳ lò.
Cứ lên khuôn được một viên gạch, ông Thía sẽ được 50 đồng tiền công. Mỗi ngày ông có thể kiếm được từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, 3 - 4 ngày chủ lò mới gọi đi làm 1 lần.
"Người ta nói 'cạp đất mà ăn' là đúng đó. Nhiều người ở đây cũng nhờ 'cạp đất' mà có cái ăn cái mặc", ông Thía tâm sự.
Hơn 20 năm làm công nhân lò gạch nhưng cả đời làm trụ cột gia đình, ông Thía kể về những bữa cơm nhà 5 người ăn cùng với canh rau suông đậm bột ngọt để nghe như mùi thịt, cá.
"Ngày xưa tiền công của tôi khoảng 30.000 đồng thôi nhưng thời đó tôi mua được cá, mắm. Bây giờ phải lo thêm miệng ăn trong nhà. Sinh kế ra tiền nhưng thời thế thay đổi, ăn uống cũng phải tằn tiện hơn".
Những người "giữ lửa" ở 1000 độ C
Cùng làm công nhân lò gạch, công việc của ông Phạm Văn Bé Năm (62 tuổi) lại không giống với ông Thía.
"Họ nghỉ sớm hơn tôi, tôi thức sáng đêm ở một chỗ canh gác lò, đổ trấu. Lửa nhỏ canh cực hơn lửa lớn. Công chuyện nhẹ nhàng hơn mấy khâu khác nhưng phải thức đêm", ông Năm nói.
Theo ông Năm, trong 10 công nhân ở 1 lò thì có khoảng 2 - 3 người giữ lửa. Họ được ví như những "ông Táo", bất di bất dịch. Họ lập ra những trang thờ "ông Táo lò" - nhân vật không có thật mà trong niềm tin của những người làm nghề, vạn vật đều được thần linh che chở, mọi khó khăn về vật chất sẽ qua.
Chu kỳ đóng, mở lò là tượng hình của một vòng quay đời sống người công nhân. Họ tạo dựng một mối liên kết tinh thần với những chiếc lò, sau khi kinh qua nhiều thập kỷ bền bỉ với nghề, họ thấy rằng chiếc lò nào cũng có linh hồn và sẵn lòng bảo bọc những người giữ lửa.
"Hồi xưa vừa chụm lò vừa chạy cối thu nhập 2-3 đầu. Còn bây giờ, ngày làm ngày nghỉ. Một người vừa đốt lò vừa chạy cối, làm hết 8 tiếng được khoảng 120.000 đồng - 180.000 đồng", ông Năm nói.
Khác với dòng gốm tráng men, cách điệu theo nhiều trường phái ở Lái Thiêu, gốm Vĩnh Long là gốm mộc, lên màu nhờ quá trình nung chứ không qua xử lý. Đất thế nào, gạch thế ấy, nhờ sức nhào nặn mà dân địa phương biến đó thành cái nghề, trải qua quá trình lao động, làm ra vật liệu "di sản" để dựng nên chốn cư trú của hàng triệu ngôi nhà vùng đồng bằng châu thổ.
Đất sét được phơi khô cho đến khi sẫm màu, công nhân sẽ xếp gạch vào lò nung một cách đồng nhất để sức nóng được lan toả đều và nung liên tục từ 3 - 5 ngày. Thợ đốt lò cứ cách 15 - 20 phút sẽ thêm trấu cho đến khi nhiệt độ đạt khoảng 1000 độ C thì cho ngưng lửa và chờ nguội gạch để lấy thành phẩm.
Bà Trương Thị Hảo (sinh năm 1965, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) chủ một lò gạch cho biết, gạch ở các lò Mang Thít từng chiếm lĩnh thị trường khắp lục tỉnh bởi đặc tính dị biệt của nó. Gạch khi nung chín màu đỏ cam dù không trộn bất kỳ nguyên liệu nào, chất gạch rắn, chắc, khi gõ lên gạch sẽ nghe đanh, không bọng như gạch sản xuất công nghiệp.
"Giá trấu được giao đến tận nơi 5.000 đồng/kg. Chi phí nhiên liệu cao, cộng thêm các phần phụ khác như phí vận chuyển, tiền công nhân, thành phẩm một viên gạch thủ công vừa nung lâu vừa bị đội vốn nên làm gạch không lời, nhiều người vì vậy mà bỏ nghề", bà Hảo tâm sự.
Theo bà Hảo, trong vòng 1 - 2 năm trở lại đây nhiều công nhân thất nghiệp ở TP.HCM về lò gạch xin làm nghề nhưng do lao động địa phương đang chắc tay nên bà chỉ tuyển từ 1 - 2 người xếp gạch.
"Ngày xưa người nào chạy cối là chỉ chạy cối, người nào vào khuôn là chỉ vào khuôn, chụm lò thì chỉ lo giữ lò. Nay do sức mua giảm nên 1 người làm 2-3 công việc", bà Hảo nói.
Cũng theo bà Hảo, công nhân làm lò gạch ở xứ này hầu hết đều có hoàn cảnh, cuộc sống khó khăn, buộc phải lãnh lương theo ngày và hàng chục năm qua chính nghề này đã cưu mang cuộc sống của những người trong gia đình họ.