1. Kẹo mứt ngọt ngào của trẻ nhỏ
Trong dịp Tết, trẻ sẽ được ăn nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt nhiều, tạo cảm giác no, trẻ sẽ dễ bỏ bữa ăn chính, gây mất cân bằng dinh dưỡng trong những ngày nghỉ tết. Thực phẩm có đường là một trong những nguyên nhân chính gây sâu răng. Nhất là nước ngọt có gas, các loại bánh, kẹo, mứt dẻo dính. Trẻ ăn nhiều lần thực phẩm ngọt trong ngày sẽ gia tăng nguy cơ sâu răng; thúc đẩy những răng sâu giai đoạn sớm tiến triển thành những xoang sâu răng.
2. Nỗi lo của cha mẹ
Những vấn đề sức khỏe răng miệng của trẻ mà bố mẹ cần phải quan tâm trong dịp tết:
- Trẻ dễ viêm họng do uống nhiều nước ngọt lạnh.
- Trẻ dễ viêm nướu, sâu răng do ít đánh răng hơn ngày thường. Khi nướu bị viêm sẽ gây đau và chảy máu khi trẻ đánh răng.
- Trẻ dễ bị viêm loét niêm mạc miệng do mất cân bằng dinh dưỡng.
3. Nhận biết mức độ để xử lý đúng
Tâm lý chung của người dân trong dịp Tết là ngại đến bệnh viện, điều này có thể tiềm ẩn những mối nguy đối với sức khỏe. Cha mẹ có thể chủ động xem xét và cân nhắc các mức độ khác nhau của vấn đề sức khỏe răng miệng ở trẻ để có thể lựa chọn phương án phù hợp nhất:
- Những vấn đề răng miệng của trẻ mà cha mẹ có thể tự chăm sóc cho trẻ ở nhà:
Trẻ bị viêm nướu nhẹ, khi đó cha mẹ phải tăng cường vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ. Có thể sử dụng nước súc miệng loại dành cho trẻ để hỗ trợ thêm; hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo và nước ngọt.
Khi trẻ bị viêm loét niêm mạc miệng, gây đau khi ăn uống, cha mẹ có thể dùng thêm các sản phẩm gel bôi trong miệng, loại dành cho trẻ em để hỗ trợ giúp trẻ giảm đau và nhanh lành các vết loét miệng.
- Vấn đề có thể chăm sóc dưới sự hỗ trợ của bác sĩ:
Khi trẻ bị đau răng ở mức độ nhẹ, không đau thường xuyên, vẫn ăn, ngủ được thì đây là triệu chứng của sâu răng làm viêm tủy răng có thể hồi phục được. Khi đó bố mẹ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ, không cho ăn bánh kẹo và nước ngọt, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol theo hướng dẫn hỗ trợ từ bác sĩ trong 2-3 ngày. Tuy nhiên, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị răng càng sớm càng tốt.
- Những vấn đề cần đi đến bệnh viện:
Khi trẻ bị đau răng nhiều hoặc bị sưng nướu, áp xe nướu hoặc sưng mặt, sốt. Cha mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để điều trị kịp thời.
4. Dự phòng cho tủ thuốc gia đình
Trong dịp Tết cha mẹ có thể chuẩn bị một số loại thuốc dự phòng cho trẻ như:
- Thuốc giảm đau hạ sốt thông thường cho trẻ như paracetamol, hàm lượng tùy theo cân nặng của trẻ, sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc bôi vết loét niêm mạc miệng loại dành cho trẻ em.
- Dung dịch súc miệng thông thường loại dùng cho trẻ em.
5. Lời khuyên cho nụ cười của trẻ
- Cha mẹ nên hỗ trợ giúp trẻ đánh răng cho tới khi trẻ được 7, 8 tuổi. Khi chải răng, phải làm sạch tất cả các mặt của răng. Cha mẹ cần để ý lựa chọn kem đánh răng, bàn chải phù hợp với độ tuổi của trẻ và thay bàn chải định kỳ mỗi 3 tháng một lần.
- Khi trẻ hơn 6 tuổi nên cho trẻ chuyển sang dùng kem đánh răng của người lớn, chú ý lấy một lượng kem đánh răng vừa đủ và nhắc trẻ không được nuốt kem đánh răng. Tập cho trẻ cách chải lưỡi, cách dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng được sạch hơn và làm giảm được sự hôi miệng.
- Về dinh dưỡng, nên tập cho trẻ ăn đầy đủ, cân bằng các nhóm chất protid, glucid, lipid và vitamin. Hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt và nên thay thế bằng trái cây. Sau khi cho trẻ ăn thực phẩm có đường, nên dùng nước sạch súc miệng nhiều lần để giảm nguy cơ sâu răng.
- Về khám răng, nên cho trẻ làm quen với bác sĩ nha khoa từ nhỏ để được chăm sóc răng toàn diện. Bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc vệ sinh răng miệng, điều trị kịp thời các bệnh lý răng miệng, can thiệp xâm lấn tối thiểu các răng sâu giai đoạn sớm và theo dõi chỉnh hình răng vào những thời điểm thích hợp cho trẻ có răng bị lệch lạc. Thông thường, cha mẹ nên cho trẻ khám răng định kỳ mỗi 3-6 tháng một lần tùy theo tình trạng sâu răng của trẻ nhiều hay ít.