Đã gần 80 tuổi, ở cái tuổi mà việc học hành thi cử không còn là mối bận tâm lớn nhất của cuộc đời, nhưng ngày nào ông Chánh cũng đến thư viện từ sáng sớm đến tối mịt để tự học ngoại ngữ. Với ông, con chữ không chỉ là một thứ đam mê mà còn giúp ông quên sự cô đơn lạc lõng.

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 1.

Ông Chánh dành tất cả thời gian của mình để học tiếng Anh mỗi ngày.

Sự học là chuyện cả đời

Ngồi lặng lẽ ở một chiếc bàn cạnh cửa sổ trong thư viện, ông Từ Trung Chánh (77 tuổi) chìm đắm vào thế giới của riêng mình, cái thế giới không có những toan tính xô bồ của con người chỉ có những con chữ. Từ lâu ông Chánh đã trở thành "người quen" ở thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, bởi chỉ cần nhắc đến ông cụ học tiếng Anh thì hầu hết mọi người ở thư viện cũng đều biết.

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 2.

Ông Chánh ngồi học ở góc quen thuộc.

Thành thông lệ cứ 7h sáng là ông Chánh có mặt tại thư viện để học, mãi đến khi thư viện đóng cửa ông mới thu dọn sách vở ra về. Người ta chẳng thể lý giải được vì lý do gì mà ông cụ gầy gò, mái tóc bạc trắng này không dành thời gian để nghỉ ngơi, ngồi tán dóc với mấy ông bạn già hay vui vầy bên con cháu mà lại ngồi cả ngày bên những cuốn sách. 

"Trước đây tôi từng học Pháp Văn và Anh Văn, nhưng giờ lớn tuổi đầu óc không còn minh mẫn như ngày xưa vì vậy những kiến thức ngày xưa cũng mất dần, tôi phải học lại mỗi ngày để giữ lấy những kiến thức đó. Bởi mỗi khi nhìn thấy một câu, một chữ tiếng Anh mà tôi không dịch được, hay nghe người nước ngoài nói mà tôi không hiểu thì tôi cảm thấy khó chịu lắm!" - ông Chánh giải thích.

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 3.

Với ông học ngoại ngữ là một đam mê, nó giúp ông tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Ông Chánh sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, các anh chị ông đều đậu vào các trường đại học danh tiếng của Pháp, thế nên phần nào ông cũng noi gương theo các anh chị. Trước năm 1975, ông Chánh từng làm kiểm soát viên không lưu ở sân bay Nha Trang, sau đó vì một số biến cố nên ông về nhà phụ con cái việc kinh doanh.

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 4.

Trước đây ông từng làm việc trong ngành hàng không.

Dẫu không còn nhiều cơ hội sử dụng ngoại ngữ như trước nhưng ông Chánh vẫn luôn dành tình yêu của mình cho ngôn ngữ. "Tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Việt cũng như vậy, muốn dịch chính xác thì phải đúng văn phạm, xác định đúng danh từ, động từ, tính từ. Vì thế tôi dùng các màu mực khác nhau để phân biệt các loại từ" - ông Chánh chia sẻ cách học của mình.

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 5.

Ông ghi chép tỉ mỉ trong cuốn vở của mình.

Từng câu từ đều được ông tra cứu, ghi chép lại rất tỉ mỉ, ông Chánh dùng 3 màu mực để phân loại từ một cách cẩn thận, màu xanh để viết động từ quy tắc, màu đỏ cho động từ bất quy tắc. Hệ động từ màu xanh thì danh từ phía sau màu đỏ và ngược lại. Những từ loại khác như tính từ, trạng từ, giới từ, liên từ ông viết màu đen. Hiện tại ông có gần 50 cuốn vở ghi chém đầy từ vựng tiếng Anh do ông tra cứu từ nhiều từ điển khác nhau và tỉ mỉ ghi chú lại.

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 6.

Ông sử dụng internet để tra cứu thêm kiến thức.

Ông Chánh - Một người Sài Gòn

Ở thư viện hầu như ai cũng biết đến ông cụ ngày ngày học tiếng Anh, thế nhưng ít ai biết rằng người đàn ông này lại có một cuộc đời vô cùng đặc biệt. Ông Chánh li hôn vợ đã lâu, hai người con đầu đã định cư ở nước ngoài, còn người con út thì ở Việt Nam nhưng làm ăn thất bại. Chính vì vậy ông Chánh ở một mình trong căn trọ ở con hẻm nhỏ đường Phạm Ngũ Lão (quận 1).

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 7.

Ông Chánh rất sẵn lòng chia sẻ kiến thức của mình cho người khác.

Nói là ở trọ nhưng ông Chánh gần như không có khả năng để chi trả tiền phòng, ông được bà chủ trọ cho ở không tốn tiền. Còn chuyện cơm nước thì mỗi buổi sáng ông chỉ uống 1 tách cà phê, rồi trưa ông chạy sang quán cơm từ thiện để ăn, tối về mua 2 ổ bánh mỳ không là đủ cho một ngày.

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 8.

Ông được rất nhiều người quý mến và giúp đỡ.

"Sáng uống 1 ly cà phê là tỉnh táo rồi đắm chìm vào sách vở là hết thấy đói, chỉ khi nào thả cuốn sách ra mới thấy đói thôi. Tôi ăn uống tiết kiệm vì dạo gần đây không có ai mượn tôi dịch giấy tờ tài liệu gì nữa nên thu nhập cũng bấp bênh" - ông tâm sự.

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 9.

Ông ở trọ ở trung tâm thành phố.

Ông bảo bản thân mang nợ nhiều lắm, đó là cái nợ ân tình của những con người đang ngày ngày giúp ông đi qua cơn khốn khó của tuổi già. "Tôi khắc cốt ghi tâm những điều mà mọi người làm cho tôi. Tôi tin rằng trên đời luôn có luật nhân quả, trước đây gia đình tôi khá giả tôi thường giúp đỡ những người khó khăn, giờ tôi khó khăn thì ít nhiều cũng được mọi người dang tay ra tương trợ" - ông Chánh chia sẻ.

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 10.

"Có bao giờ ông trách hay giận những người con của mình vì không thể cho ông những ngày tuổi già sung túc hơn?" - tôi hỏi ông Chánh. Ông mỉm cười: "Tôi nói em nghe, đôi khi cũng tủi thân cũng buồn, nhưng rồi nghĩ đến các con, tôi thương nhiều hơn, biết đâu con tôi cũng đang gặp phải khó khăn, thôi thì bản thân mình cứ tự lo cho mình. Cuộc sống của tôi bây giờ chẳng phải cũng đang rất bình yên đó thôi".

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 11.

Ông chưa bao giờ oán trách hay giận ai.

Quả thật như vậy, những ngày trên chặng đường cuối của cuộc đời ông Chánh bước đi bình thản dẫu những sóng gió cuộc đời đã lấy đi của ông rất nhiều, tiền của, người thân, gia đình... Thế nhưng ông vẫn lạc quan, vẫn say mê với những cuốn sách, đắm chìm với con chữ. Chẳng phải đời người cũng chỉ cần có một tri kỷ là đủ hay sao?!

Chuyện ông cụ 77 tuổi ngồi ở thư viện Sài Gòn từ sáng đến tối mịt: Ăn cơm từ thiện, luyện học tiếng Anh - Ảnh 12.

Chẳng phải ông đã có những người bạn là sách vở đó thôi!