Ở thời hiện đại, "sống thử" không còn quá xa lạ với các cặp đôi, nhất là giới trẻ. Đây là quãng thời gian giúp đôi bên hiểu nhau hơn trước khi đến với giai đoạn hôn nhân chính thức. Song, đối với các nước châu Á, "sống thử" vẫn chưa hoàn toàn được chấp nhận và bị coi là hành động lệch lạc văn hoá.
Tuy nhiên, ít ai ngờ, ngay từ thời phong kiến ở Trung Quốc, giới hoàng gia đã áp dụng phương pháp này để chọn chồng cho công chúa. Chỉ khác biệt ở chỗ, người ở cùng phò mã trước hôn lễ lại là cung nữ.
Tại sao cần dùng cung nữ để "check" phò mã?
Công chúa là người có tước vị cao quý và mang dòng máu của hoàng gia nên việc hôn sự rất được triều đình coi trọng. Đa phần những người kết hôn cùng công chúa phải có quyền lực rất lớn nếu không phải là kết hôn liên giao giữa các quốc gia thì cũng là với chư hầu có địa vị cao.
Hoàng đế muốn kén rể, lẽ dĩ nhiên không thể làm qua loa. Thông thường, các ứng viên đều do hoàng hậu, hoàng thượng đích thân lựa chọn. Các tiêu chí được quan tâm là xuất thân, ngoại hình, học vấn, tài năng và cuối cùng là tuổi tác. Nhưng sẽ ra sao nếu như sau khi kết hôn, công chúa mới phát hiện chồng mình có vấn đề về thể chất hay tâm lý?
Vào những năm Vạn Lịch nhà Minh, Minh Thần Tông đã từng giao cho thái giám Phùng Bảo trách nhiệm tuyển chọn phò mã cho Vĩnh Ninh Công chúa. Tuy nhiên, sau khi nhận một số tiền hối lộ khổng lồ, thái giám Phùng Bảo đã chọn Lương Bang Thụy làm phò mã.
Lương Bang Thụy có gia thế tốt nhưng trong người có bệnh lao trầm trọng. Không rõ thái giám Phùng Bảo đã làm cách nào nhưng Lương Bang Thụy đã vượt qua các vòng kiểm tra khắt khe. Sau đó, khi về nhà chồng và biết bệnh tình của đối phương, Vĩnh Ninh Công chúa đã rất sốc. Chỉ 2 tháng sau hôn lễ, phò mã qua đời, khi đó Vĩnh Ninh Công chúa vẫn là 1 trinh nữ.
Từ câu chuyện trên có thể thấy nhiệm vụ của cung nữ "kiểm tra" phò mã trước khi công chúa chính thức thành thân là rất quan trọng. Rút kinh nghiệm từ lịch sử nhà Minh, Hoàng tộc nhà Thanh đã đặc biệt đặt ra quy định "sống thử", gọi là "thí hôn" và những cung nữ đó được gọi là "thí hôn cách cách".
Gọi là cách cách nhưng họ rất khác biệt với các cách cách thông thường, xuất thân của họ rất tầm thường, chủ yếu là từ tầng lớp bình dân.
Cung nữ đến "sống thử" cùng phò mã ra sao?
Cung nữ theo hầu hạ bên cạnh công chúa có rất nhiều nhưng không phải người nào cũng có đủ tư cách để "sống thử" với phò mã. Trước hết, người trong cung sẽ soi xét hết sức kỹ càng để chọn ra cung nữ phù hợp yêu cầu. Cung nữ được chọn phải rất khỏe mạnh, cơ thể không được có bệnh tật, nhất thiết phải là trinh nữ. Về diện mạo của cung nữ đó không cần quá coi trọng, họ thường chọn những người có dung mạo kém hơn so với công chúa để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này.
Yêu cầu đặc biệt đối với vị cung nữ này là phải biết quan sát tỉ mỉ. Vì khi qua phủ phò mã, vị cung nữ này phải chịu trách nhiệm quan sát tình trạng sức khỏe, cách hành xử, gia cảnh trong phủ, phép tắc gia môn của phủ phò mã… Sau đó mỗi một sự việc quan sát được đều phải bẩm báo lại đầy đủ.
Thông thường, sau một đêm "sống thử" với phò mã, sáng sớm hôm sau cung nữ đó sẽ bẩm tấu cho thái hậu và hoàng đế về những gì đã diễn ra tối hôm trước, bao gồm cả chuyện chăn gối. Vốn là những người được hoàng tộc phái đi nên có thể nói những cô gái này nắm trong tay quyền "sinh sát" hôn nhân của công chúa. Nếu cô thông báo kết quả tốt thì hoàng đế mới để công chúa hạ giá. Nhưng nếu kết quả là ngược lại thì hôn sự đó sẽ bị hủy bỏ.
Thế nhưng, cung nữ được chọn "sống thử" với phò mã thay chủ tử của mình thường khó tránh khỏi việc cuộc đời sau này gặp vô số bi kịch.
Chẳng hạn, nếu công chúa cảm thấy mình và phò mã không hợp thì vị cung nữ được cử sang sẽ bị coi như "vật hy sinh" thay cho chủ tử chịu đựng những đau khổ. Hơn nữa, trong quá trình sống thử với phò mã, các cung nữ khó tránh khỏi việc mang thai. Khi có con, họ sẽ trở thành thân phận thiếp ở trong phủ. Nhưng cuộc sống của họ không thay đổi, thậm chí các cung nữ này sẽ không có chút quyền lực nào, còn phải chịu sự khinh thường của mọi người.
Trường hợp thứ hai là khi công chúa chấp nhận gả qua phủ phò mã. Khi này, cung nữ đã từng chung sống với phò mã cũng sẽ ở lại để hầu hạ chủ tử của mình. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày giữa họ sẽ khó tránh khỏi đụng mặt, từ đó sẽ nảy sinh nhiều tình huống khó xử. Thậm chí, cho dù, người cung nữ nhận được sự sủng ái của phò mã thì ngày tháng sau này cũng khó sống vì đã làm phật ý công chúa.
Ngoài ra, các cung nữ có thể lựa chọn một cách khác đó là "xuất phủ". Nhưng so với việc sống khổ cực ở bên ngoài thì nhiều cung nữ quyết định ở lại trong phủ sống một cuộc sống gượng gạo, cúi đầu.
Suy cho cùng, dù là tiểu thiếp của phò mã nhưng đó cũng chỉ là cuộc hôn nhân ép buộc. Tuy rằng trong thời gian ở trong phủ phò mã, họ có thể sống dưới danh phận của công chúa sống để được kẻ hầu người hạ nhưng sự sung sướng đó chẳng kéo dài lâu.