Alexandra Karplus, người Mỹ, đã dành hai đêm ngủ trên tàu và nhận xét đó là "giấc ngủ ngon nhất" trong chuyến du lịch Việt Nam 7 ngày, cô chia sẻ trên báo Mỹ về chuyến đi của mình hồi năm ngoái trên Business Insider.
Alezanda Karplus sinh ra ở New York, Mỹ, và định cư tại Singapore được 14 năm. Cô đi du lịch nhiều nơi nhưng mới ngồi tàu hai lần ở Ấn Độ và Mỹ. Hai con của Karplus, 5 và 8 tuổi, chưa từng đi tàu đêm.
"Giá vé phải chăng của các hãng hàng không giá rẻ có thể khiến một tuần ở Bali hoặc Phuket tiết kiệm hơn so với việc ở lại Singapore - nơi luôn được coi là thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Nhưng đi máy bay là chuyện thường xuyên, còn hai con của tôi đều chưa từng đi tàu đêm. Vì vậy, khi chồng tôi nảy ra ý tưởng bay đến Hà Nội và bắt tàu lên Sa Pa, vùng núi phía bắc Việt Nam, tôi rất hào hứng muốn thử một điều gì đấy khác biệt.
Đó là một quyết định vào phút cuối.
Alexandra Karplus cho biết, khi cô xin lời khuyên của công ty du lịch ở Việt Nam về việc đặt phương tiện di chuyển từ Hà Nội, họ đề nghị đặt vé tàu. Và cứ như thế, cả gia đình cô bắt đầu chuyến phiêu lưu đến vùng đất Sapa.
"Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến thủ đô của Việt Nam. Tuy nhiên là lần đầu tiên đi cùng trẻ em nên tôi đã cố gắng băng qua những con đường ngập tràn xe máy ngoằn ngoèo trong khi không chỉ quan sát bản thân mình. Hóa ra việc đi bộ với tốc độ ổn định một cách tự tin, một tay dang ra khi tham gia giao thông và tay kia nắm chặt lấy tay con mới là cách tốt nhất.
Cách phố cổ Hà Nội chưa đầy 1 km, chúng tôi bước vào nhà ga trên đường Lê Duẩn", Karplus nói.
Đêm đầu tiên, gia đình 4 người ngủ tại Hà Nội và lên tàu đi Sa Pa vào 22h hôm sau. Karplus đánh giá việc lên tàu ở Việt Nam "rất đơn giản". Họ chỉ cần đưa vé cho nhân viên đứng trước mỗi toa để kiểm tra và được chỉ dẫn lên tận chỗ ngồi là cabin có 2 giường tầng. Nữ du khách mua 4 giường nằm với giá 155 USD (3,8 triệu đồng).
Karplus hài lòng khi thấy cabin sạch sẽ, khăn trải giường màu trắng và chăn trần bông. Trên bàn có 4 quả chuối, bánh ngọt, túi trà lọc, khăn ướt, bàn chải đánh răng và nước đóng chai. Lũ trẻ thích nằm tầng trên nên hai vợ chồng cô chọn nằm giường dưới.
Chiều dài giường ngắn hơn chiều cao của chồng Karplus. Nam du khách phải gác chân lên một túi đựng đồ. Tuy nhiên việc nằm trên tàu vẫn "thoải mái hơn bất kỳ ghế ngồi máy bay nào". Cơ sở vật chất trên tàu tốt hơn những gì nữ du khách mong đợi. Toilet rộng rãi hơn trên máy bay, có giấy vệ sinh, xà phòng và bồn rửa tay sạch sẽ.
Karplus nhìn Hà Nội xa dần qua khung cửa sổ. Tàu chạy qua nhà dân, cô nhìn thấy một người phụ nữ đang ngồi xem tivi. Ở một ngôi nhà khác cô thấy hai vợ chồng đang ngồi nhâm nhi trà trên ban công.
Sự chuyển động lắc lư của con tàu khiến gia đình 4 người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Karplus ngủ ngon lành suốt đêm và tỉnh dậy khi chuông báo thức kêu lúc 5h30. Tàu bắt đầu có nhân viên đẩy xe đi bán cà phê, đồ ăn cho khách. Khoảng 6h, tàu đến ga Lào Cai. Từ đây, họ lên một chiếc xe trung chuyển cùng 12 người khác để đến Sa Pa.
"Bị nhồi nhét trong một chiếc xe với 12 du khách khác cùng rất nhiều vali và những con đường gập ghềnh, chặng đường này của chuyến đi không thoải mái so với chiếc giường êm ái mà tôi từng tận hưởng một mình trên tàu.
May mắn thay, những ngọn núi xung quanh đã khiến chuyến đi trở nên đáng giá.
Những đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc nhất khi lội qua sông và cúi xuống dưới tán cây, học những bài học từ thiên nhiên và con người của vùng đất này...", nữ du khách nói.
Có hai cách di chuyển từ Hà Nội lên Sa Pa: bằng tàu và ôtô. Karplus chọn đi tàu dù thời gian lâu hơn 4 tiếng nhưng được cô đánh giá an toàn hơn. "Có nhiều vụ tai nạn ôtô xảy ra trong những năm qua", cô nói. Gia đình Karplus ngủ 4 đêm tại khách sạn và homestay tại Sa Pa. Cô nói họ có những trải nghiệm khó quên nhưng "vẫn thấy ngủ trên tàu thoải mái hơn". Karplus cũng nói thêm hai đêm ngủ trên tàu là hai đêm cô ngủ ngon nhất trong chuyến du lịch tới Việt Nam.
Sa Pa chỉ có nhiều biển quảng cáo khổng lồ, tòa nhà bê tông và rất nhiều người bán hàng cố gắng mời mọc họ mua đồ lưu niệm. Theo cảm nhận cá nhân, cô thấy bản Cát Cát nổi tiếng "giống như một công viên giải trí nhiều hơn".
Bù lại khi lưu trú tại nhà dân, cô và các con đã được thưởng thức những món ăn dân dã của địa phương, được mọi người chào đón nồng nhiệt dù không hiểu ngôn ngữ của nhau.
"Ở đó, bọn trẻ chơi bài với con của chủ nhà trong khi chúng tôi nằm thư giãn trên những chiếc võng phía trước nhà. Dù không có ngôn ngữ chung nhưng chúng tôi đều nhanh chóng trở thành bạn bè.
Tối hôm đó chúng tôi ăn tối quanh một chiếc bàn gỗ ngắn, tất cả ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ. Những đứa trẻ có vô số câu hỏi: Tại sao không có cửa sổ? Tại sao họ lại nấu ăn trên ngọn lửa lớn trong nhà? Tại sao gia đình lại có nhiều "thú cưng" như vậy?", Karplus nói.
Kể lại chuyến hành trình ngày hôm sau khi gọi điện cho bà, cô con gái 8 tuổi của Karplus hào hứng nhất với thú cưng: "Bà có biết rằng tất cả thú cưng trong nhà đều có mục đích riêng không? Gà mái đẻ trứng, lợn cho thịt nấu, chó giữ nhà, mèo đuổi chuột...".
Sau 4 ngày khám phá các khu vực, 28 dặm đi bộ xuyên rừng và một đêm nằm trên sàn nhà của nhà trọ, cả gia đình cô Karplus đều vui vẻ trở lại tàu để có một giấc ngủ ngon. Lúc đó, chuyến xe về Hà Nội gần như có cảm giác xa xỉ.
Theo Businessinsider