Lời tựa:
Tuyển tập những “mẩu chuyện” dưới đây, viết về Thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội). Nói là chuyện nhưng thật ra nó là những bản ráp rời rạc về các sự kiện trong quá khứ và cả hiện tại, thứ đã làm nên Một Người Thầy Lớn.
Nhắc đến Thầy Khang - “ông nội” Khang, có hai chữ hiện lên rõ nét nhất - đó là “cống hiến”. Thầy đã sống cuộc đời không chỉ cho mình, mà cả cho người. Có thể liệt kê ra đây tất cả nghĩa cử cao đẹp của Thầy, song nếu làm thế, tôi e nó còn dài hơn tổng số câu chữ trong bài này. Dẫu vậy, có một quyết định trong năm qua của Thầy khiến người ta hiểu rõ hơn về cách Nhà giáo ấy cống hiến cho đời: Thầy đã nhận nuôi 22 học sinh may mắn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng diễn ra ở Làng Nủ.
"Bây giờ tôi là người ‘ham sống nhất. ‘Ông nội’ của 22 bé Làng Nủ mong sống ít nhất 15 năm nữa để thấy tất cả các con trưởng thành", Thầy nói.
Có những cống hiến dễ thấy, có những cống hiến thầm lặng. Nhưng điều đáng trân trọng ở đây là Người Thầy ấy không coi việc cống hiến là một sự hy sinh, mà xem đó như là việc phải làm, là nghĩa vụ và nhu cầu để được hành động, san sẻ…
Thầy Khang không phải cái tên quá xa lạ đối với cộng đồng nhưng đó lại là cái khó để tôi có thể làm mới những câu chuyện của Thầy, làm nó sống lại một cách bình dị không khoa trương. Tuy nhiên, sau tất cả, chuyện về Thầy dù in hằn dấu ấn của thời gian thì vẫn sẽ luôn chạm đến lòng người bằng cách này hay cách khác.
Ở đây có một Người Thầy.
1. Tiếng rao kem
Mỗi người có một cách gợi ký ức riêng cho mình nhưng với tôi, cách truy hồi ký ức nhanh nhất là thông qua âm thanh.
- “Có âm thanh nào gợi lại nhiều rung động cho thầy không?”
- “Có, tiếng rao kem”.
Những câu chuyện dần loang ra, bắt đầu từ điểm chạm của ký ức vọng về hiện tại - những tiếng rao kem cách đây hơn 60 năm về trước. Tranh thủ vào 3 tháng hè, cậu bé Khang khi ấy mới 13 tuổi lại mang kem đi rao bán trên khắp các nẻo đường của thành phố Vinh (Nghệ An). Khi đó, mỗi bên hông của thầy là một phích đựng kem. Đi đến đâu là tiếng reo vang đến đó, kéo theo niềm hạnh phúc của những đứa trẻ nơi phố thị.
“Ai kem!...”
“Kem dứa, kem đậu xanh, kem sô-cô-la 5 xu một kem đây… Kem sữa 1 hào một kem đây!…”
“Mua đi mua đi”
Cậu bé Khang cứ thong dong suốt 3 tháng hè như thế để kiếm chút vốn liếng cho năm học mới. Giữa cái nắng đổ lửa, gánh kem nặng trĩu đôi vai cậu học trò nhỏ. Từng giọt mồ hôi rơi xuống, không chỉ thấm vào đất mà còn tưới mát khát khao về một tương lai phía trước.
Chính từ tiếng rao kem, từ số tiền ít ỏi trích nhặt được bởi những tháng ngày thiếu thốn ấy, đã giúp thầy thương mình, thương người hơn thì phải? Trải qua vất vả khốn khó thầy hiểu rằng chỉ có học tập thì mới có thể vượt lên. Và rồi, thầy nỗ lực để trở thành lứa học sinh chuyên Toán đầu tiên của tỉnh Nghệ An, sau đó được vào khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
2. “Nhà giáo lấy giáo án dán áo”
Tốt nghiệp khoa Vật lý năm 1972, thầy được giữ lại trường dạy Vật Lý cho học sinh Khối phổ thông chuyên Toán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong trí nhớ của thầy, một lớp chuyên ngày ấy chỉ trên dưới 20 học sinh, được chọn rất gắt gao từ các tỉnh.
Đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng tinh thần học tập tốt. Có những lớp thầy chủ nhiệm 25 học sinh thì tới 24 em đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học nước ngoài. Trong những lứa học sinh thầy dạy đầu tiên có nhiều người đạt giải Olympic Toán học Quốc tế và giờ đều đã thành tài như Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Giáo sư Ngô Bảo Châu...
Trò nghèo, thầy hình như còn nghèo hơn? Thời ấy, thầy hay nói trêu rằng mình là “nhà giáo” nhưng toàn phải lấy “giáo án” để mà “dán áo”.
Mà “giáo án dán áo” thật, vì thời ấy thầy chỉ có đúng một bộ áo quần lành lặn để đi dạy học. Sáng dạy học xong, tối về là thầy lại giặt bộ đồ đó cho sạch sẽ để mai kịp mặc đi dạy. Nếu trời nắng hanh thì quần áo còn nhanh khô, chứ khi nào trời Hà Nội “giở chứng” nồm ẩm, hoặc khi gió mùa Đông Bắc kéo về cùng những cơn mưa rào cuối thu, quần áo khó mà khô được. Nhưng mà thầy chỉ có một bộ quần áo thôi, nên đành phải mặc dù còn ẩm ướt. Cứ mặc trước đã, đi một hồi kiểu gì cũng sẽ khô.
3. Một Đám Cưới
Thầy nhắc nhiều về “cái nghèo”.
Nhưng có một câu chuyện, một câu chuyện mà tôi mượn tựa đề truyện ngắn của Nam Cao - Một Đám Cưới để nói về đám cưới của thầy Khang.
“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”, đám cưới từng được coi là một trong 3 sự kiện trọng đại nhất của một đời người. Là nghi lễ trọng đại, nên mọi hoạt động cưới xin đều phải diễn ra chu toàn. Người chẳng giàu cũng cố mà vay mượn để có một cái lễ cưới cho đàng hoàng tử tế.
Thầy Khang cũng nghĩ thế, nhưng thực tế không cho phép làm thế. Đám cưới của thầy Khang diễn ra vào ngày 20/9/1973. Đám cưới ngày ấy tuềnh toàng đến độ không có nổi một “pô” ảnh đen trắng để làm kỷ niệm. Nơi tổ chức đám cưới là nhà ăn tập thể trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
“Chú rể” Khang diện một cái áo trắng sơ vin chỉnh tề trong chiếc quần xanh cổ vịt. Nhưng mà cả 2 món đồ đấy đều được mượn từ người bạn ở cùng phòng với thầy. Còn cô dâu thì “tươm tất” hơn, diện cho mình một cái quần sa tanh, cùng áo phin nõn may chiết ly ở eo.
9h tối, khi đã tổ chức đám cưới xong, cả 2 vợ chồng đi bộ về nhà tập thể cách đó 2km. May mà trước khi tổ-chức-đám-cưới, “chú rể” còn dặn trước bạn cùng phòng lấy hộ một cặp lồng cơm từ bếp ăn tập thể để 2 vợ chồng về nhà còn có cái mà lấp bụng. Đám cưới của thầy Khang đấy.
“Thế là chẳng phải tôi nghèo à?”, thầy tự hỏi.
“Tôi thấy anh em bạn bè trong trường Đại học Tổng hợp Hà Nội không ai có đám cưới như tôi. Trong lúc những người xung quanh nghèo, thì tôi còn nghèo hơn những người xung quanh”.
Thế là chẳng phải thầy nghèo à?
4. Người mở lối “phi quốc lập”
Nhưng mà “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Trải qua quá trình công tác, cuộc sống của thầy dần biến chuyển. Nhất là sau khi đất nước thống nhất, phong trào luyện thi vào đại học ở Hà Nội ngày một phát triển, ngoài việc dạy ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy còn tranh thủ luyện thi bên ngoài để có thêm thu nhập.
Vào những lúc rảnh rỗi, thầy hay trò chuyện với các giáo viên khác về việc làm nghề, làm giáo dục. Trong một lần ngồi tâm sự với cố Nhà giáo Văn Như Cương (khi ấy là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội), hai thầy đặt câu hỏi liệu bây giờ ta có được phép thành lập trường tư thục không?
Chỉ từ câu hỏi tưởng chừng bâng quơ, thầy Khang và thầy Cương đã viết thư đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ngoài việc gửi thư cho Bộ trưởng theo đường bưu điện, bức thư còn được Tổng biên tập báo Người Giáo viên Nhân dân (nay là Báo Giáo dục và Thời đại) - Trường Giang đăng tải nên càng nhận được sự quan tâm của công chúng.
Sau quá trình dài ấp ủ với nhiều chông gai, cuối cùng thầy Khang cùng thầy Cương cũng đã thành lập trường dân lập đầu tiên của Thành phố Hà Nội với tên gọi Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh. Lúc này, thầy Cương làm Hiệu trưởng, còn thầy Khang đảm nhận vai trò Hiệu phó. Một năm sau, nhiều trường phổ thông dân lập cũng nối tiếp ra đời ở thành phố Hà Nội và các địa phương khác.
Tuy nhiên, là một người gắn bó với “trường chuyên lớp chọn”, thầy Khang luôn ấp ủ ước mơ mở một trường dân lập năng khiếu để tập hợp học sinh giỏi không những ở Hà Nội mà của các tỉnh khác về Thủ đô để luyện học. Vậy là đến năm 1992, thầy Khang bàn giao công việc ở Trường Lương Thế Vinh cho thầy Văn Như Cương, xin phép Thành phố thành lập Trường phổ thông dân lập năng khiếu Marie Curie.
Ngày 6/9/1992, trường Marie Curie khai giảng năm học đầu tiên.
Đã hơn 30 năm kể từ thời khắc ngày 6/9/1992. Từ phòng học phải đi thuê, giờ đây Marie Curie đã trở thành một hệ thống trường hiện đại với 4 cơ sở ở các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông và Long Biên (Hà Nội).
Đứng trước cơ ngơi của mình, thầy Khang trở nên nhỏ bé. Các cơ sở của Marie Curie giờ đây đã khang trang hơn, không còn dáng dấp của một Marie Curie xưa cũ. Nhưng dù là Marie Curie của ngày xưa hay ngày nay, thì đối với thầy Khang, nơi ấy là thành quả của cả một đời lao động, dựng xây từ đôi tay trần và niềm tin mãnh liệt.
5. Mùi hương của ông
Ánh mắt tôi chộp được đúng lúc thầy Khang đang quay lưng lại để nhìn ngắm cơ ngơi của mình. Một người thầy với dáng người nhỏ nhắn nhưng gánh trên vai bao phần trách nhiệm. Trách nhiệm của một người làm thầy, trách nhiệm của một người đứng đầu cả một hệ thống trường học, trách nhiệm của một người cha, người chồng, rồi cả trách nhiệm làm ông. Thầy là thầy và cũng là “ông nội” trong trái tim của biết bao thế hệ học sinh Marie Curie.
Hiếm có trường nào học sinh gọi một người thầy là “ông nội” như ở Marie Curie. Không đơn giản chỉ vì khoảng cách tuổi tác mà còn ở chính sự gần gũi của thầy dành cho học trò.
Chỉ cần bóng dáng thầy Khang, đám trẻ lại reo hò, vội vàng chạy đến âu yếm ông như lâu ngày xa cách. Vì nhớ mong ông nên chúng ôm ông, hôn ông cho thỏa lòng nỗi nhớ. Cái mùi của “ông nội”, cái mùi không chỉ đơn thuần là cảm giác ngửi được, mà còn là ký ức, là một phần linh hồn của tuổi thơ. Đó là mùi của lòng kiên nhẫn, của sự hy sinh không lời. Chúng đang ôm ông nội của chúng.
“Con chào ông nội ạ”
“Ông cho con xin chữ ký với”
“Ông ơi, ông ôm con”
…
Và “ông nội” Khang cũng ôm lấy những đứa trẻ. Bóng lưng thầy lại rơi vào mắt tôi. Đằng sau bóng lưng ấy là quá khứ thăng trầm, nhưng đằng trước là cả một tương lai. Người thầy giáo già ấy đang quay lại với quá khứ để ôm ấp lấy tương lai của mình. Hóa ra, ranh giới giữa quá khứ và tương lai ngắn như vậy, chỉ bằng một cái bóng lưng.
6. “Ông nội” keo kiệt
Dù là “ông nội” của bao thế hệ học sinh Marie Curie nhưng thầy Khang cũng chỉ là một người bình thường với những mong muốn rất đời thường.
Trong bữa cơm hàng ngày, ông cũng chẳng ưa sơn hào hải vị, chỉ thích ăn dưa cà mắm muối. Vài ba quả cà, bát canh rau muống luộc là xong bữa. Ai thật sự hiểu ý ông sẽ để ra vài mẩu ngô, khoai, sắn luộc trong mâm, để sau khi ăn xong lưng bát cơm, ông còn có cái mà tráng miệng.
Từ vài mẩu ngô, khoai, sắn luộc trong bữa ăn, thầy lại miên man về những câu chuyện thời nghèo đói cơm không có mà ăn, cái thời coi cơm độn ngô, độn sắn là cao lương mỹ. Phải chăng, theo thời gian, người ta càng nhớ nhiều hơn về những ngày tháng trước? Nhớ rồi thương, thương rồi chùng lòng.
Những câu chuyện về một thời đã qua một lần nữa lan ra, về cái thời chỉ có một bộ quần áo đi dạy học, cái thời “thầy giáo lấy giáo án mà dán áo”, rồi cái thời “tôi cưới nhà tôi” chẳng có bộ đồ tử tế nào mà mặc… Thầy từng như thế, từng là “lá rách”, để rồi sau này trở thành chiếc “lá lành”, thầy chẳng thể ngồi yên…
“Vì tôi từng là ‘lá rách’ nên tôi luôn khao khát mình có thể trở thành ‘lá lành’ để đùm bọc lấy ‘lá rách’. Sở dĩ tôi giúp được nhiều người như hiện tại, là vì ngày xưa tôi quá nghèo. Trong lúc những người xung quanh nghèo, thì tôi còn nghèo hơn những người xung quanh”, thầy Khang nói.
Những ai từng trải qua gian truân, khi trưởng thành và thành công, họ dễ đồng cảm hơn với người, bởi họ nhìn thấy chính mình trong đó. Ký ức về tháng ngày thiếu thốn, nơi họ từng mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại, khốn khó và giàu sang, yếu đuối và mạnh mẽ, chênh vênh và hy vọng, mù quáng và khát khao… không chỉ khắc sâu vào tâm trí mà còn trở thành động lực để họ sống lý tưởng hơn. Đó là cách để họ đối thoại với chính quá khứ của mình, chữa lành những vết thương cũ bằng cách mở rộng vòng tay với những người xung quanh. Từng bước đỡ những mảnh đời khác cũng là cách họ giữ lại ngọn lửa ấm áp trong trái tim mình, dù cuộc đời có nhiều đổi thay.
Ông nội có thể “keo kiệt” với chính mình, nhưng đối với người khác, đối với những đứa cháu của mình, ông hào sảng, xông xênh mà vô tư lắm.
7. Không ai “sành điệu” bằng “ông nội” Khang
Không chỉ thoáng tính mà “ông nội” Khang còn rất “sành điệu”. Sự “sành điệu” trong quan niệm của ông không được đo bằng đồ hiệu, xe sang… mà là bạn giúp được bao nhiêu người, bạn xây được bao nhiêu trường cho trẻ em nghèo, bạn giúp ích gì cho xã hội. Riêng khoản này, ông nội tự tin mình là một người “sành điệu”.
Trong một lần xem tivi về đội xây cầu đặc biệt gồm hơn 30 nông dân thuộc huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang - họ là những “hai lúa”, tuổi đã cao (trên dưới 60 tuổi), vì việc nghĩa nhóm họp lại rồi bỏ công, bỏ sức, bỏ tiền đi xây cầu cho bà con miền Tây, nước mắt “ông nội” cứ rơi vì thương cái tình, cái nghĩa của những người nông dân hiền lành chất phác này. Ngay trong đêm đó, ông đã tìm mọi cách liên lạc với ông Phạm Văn Mảnh (hay còn gọi là Sáu Mảnh) - đội trưởng đội xây cầu từ thiện và đóng góp 1 tỷ đồng ủng hộ xây thêm cầu cho bà con Miền Tây.
Không chỉ dừng lại việc góp tiền xây cầu, khi biết thông tin Đội xây cầu từ thiện của ông Sáu Mảnh cần tiền mua xe cứu thương chở từ thiện cho bà con đi viện miễn phí, thầy Khang ngay lập tức đóng góp 550 triệu đồng.
Ông cũng có duyên với người dân Mèo Vạc (Hà Giang). Nhận thấy tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh tại địa phương, thầy Khang cùng trường Marie Curie đã cấp học bổng tối thiểu 5 triệu/tháng cho những học sinh Mèo Vạc muốn theo học ngành Sư phạm Anh hoặc Ngôn ngữ Anh để sau này về cống hiến cho quê nhà. Thầy Khang và tập thể trường Marie Curie còn lên kế hoạch tài trợ khoảng 100 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc.
Rồi mới đây nhất, ông quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em may mắn còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ. Ngay sau quyết định đó, ông nội đã lập danh sách chi tiết với đầy đủ thông tin về các cháu, bao gồm tên tuổi, trường lớp, người thân và cả thông tin liên lạc của giáo viên chủ nhiệm để có thể thuận tiện liên lạc, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.
Và “ông nội” nói rõ: “Không vận động và không nhận đóng góp của bất kỳ ai, dù là trong hay ngoài nhà trường”. Tinh thần “không vận động” này được ông nội áp dụng không chỉ với dự án Làng Nủ, mà còn với nhiều dự án thiện nguyện khác của mình.
Mỗi tháng, “ông nội” sẽ gửi cho mỗi cháu 3 triệu đồng để trang trải cho việc ăn học, bắt đầu từ tháng 10/2024 cho đến năm 2039. Theo tính toán của ông, dự án sẽ kéo dài 15 năm, bởi những bé nhỏ tuổi nhất hiện nay sẽ tròn 18 tuổi vào năm 2039, lúc đó ông cũng bước vào tuổi 90. Chi phí ước tính rơi vào khoảng 12 tỷ.
Sau quyết định ấy, ông khẳng định mình là người “ham sống nhất”. Ông nội “ham sống” vì còn 22 đứa bé Làng Nủ của ông, ông muốn thấy chúng nó lớn lên và trưởng thành.
Nhưng ông cũng nói ngay: “Dù ‘ông nội’ phải đi xa thì các con vẫn được ấm no và học hành tử tế như mong muốn của ông khi quyết định nhận nuôi các con. Gia đình ông và Trường Marie Curie sẽ tiếp tục thực hiện tâm nguyện ấy”…
8. Nỗi lo của “ông nội” về thằng Hành, thằng Bảo và hơn 20 đứa trẻ Làng Nủ
Thằng Hành là 1 trong số 22 trẻ em Làng Nủ còn sống sót sau trận lũ quét và sạt lở kinh hoàng tại Làng Nủ. Trong số 22 đứa trẻ ấy, đứa nào ông nội cũng nhớ hết, nhưng câu chuyện của thằng Hành khiến ông khắc khoải nhất. Bố của Hành mất sớm, 2 mẹ con dựa vào nhau để mà sống, ấy thế mà trận lũ lịch sử quét qua đã lấy đi người mẹ của em.
Hôm đầu tiên thầy nhận nuôi Hành làm cháu nội, thấy nó bảo không có điện thoại phải mượn của cô Hồng - Hiệu phó trường THPT số 1 Bảo Yên, thầy lại thương rồi vừa chuyển tiền sinh hoạt phí, vừa chuyển thêm 3 triệu để nhờ cô Hồng mua cho nó một chiếc để thỉnh thoảng ông cháu còn trò chuyện với nhau.
Còn Phúc và Bảo là 2 anh em trong một gia đình. Trận lũ kia cũng cướp đi bố mẹ của 2 em, giờ 2 em chỉ được nhìn thấy bố mẹ qua tấm ảnh phục chế.
Cả Hành, Phúc và Bảo giờ đây đều là cháu nội của thầy Khang.
Cho tiền thì dễ, nhưng để “nuôi” một người như cách ông nội Khang nhận “nuôi” các cháu khó hơn nhiều. Chữ “nuôi” không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cơm ăn áo mặc, mà còn là sự vun vén từng giấc mơ, từng hy vọng cho những người mình yêu thương. Việc làm tròn trách nhiệm chữ “nuôi” khiến ông đau đáu lắm.
“Việc nuôi các con cực kỳ áp lực với tôi. Tôi lo lắng nhiều, không phải chuyện tiền bạc mà tôi lo chúng có học hành tử tế không? Chúng có thể đi vững trên đôi chân của mình hay không? Chúng sau này lớn lên trở thành một người thế nào? Chắc tôi sẽ phải lên đấy một chuyến để được ngửi thấy mùi mồ hôi của chúng, nhìn thấy ánh mắt của chúng, rồi ôm chúng vào lòng”.
“Tôi sẽ lên Làng Nủ!”
9. Ông nội dặn dò các cháu
Khi bạn đọc đến dòng này, tức là thầy Khang, tôi và hơn 20 anh chị em khác đã hoàn thành chuyến đi lên Làng Nủ trong hai ngày 21 và 22/12/2024.
6 năm là khoảng thời gian thầy Khang chưa ra khỏi Hà Nội. 6 năm vì bộn bề của cuộc sống, vì rào cản của sức khỏe, vì trách nhiệm đè nặng nên tấm lưng của người đứng đầu cả một hệ thống trường học, nên thầy Khang chưa thể rời Hà Nội. Nhưng lần này thì khác, thầy phải đi, vì chúng nó - 22 đứa trẻ Làng Nủ ấy, cần ông.
Đây là lần đầu ông nội gặp thằng Hành, thằng Phúc và hơn 20 đứa cháu nơi Làng Nủ. Nhưng đây cũng là nơi bắt đầu của một đại gia đình mới, có người ông ấm áp, yêu thương, chăm lo cho tương lai của những đứa cháu đến tận khi chúng trưởng thành với lời dặn dò đầy mến thương:
“Ông giữ gìn sức khỏe,
cháu chăm chỉ học hành!”
Làng Nủ, ngày 22 tháng 12 năm 2024
10. Lời hẹn ước cho 15 năm sau
1. Về lại Hà Nội
Hình ảnh cuối thu vào mắt tôi là khi thầy Khang quay lưng nhìn về phía mặt trời đang lên ở Làng Nủ. Mặt trời lên, những tia nắng xua tan hơi lạnh buốt giá của miền sơn cước. Ánh nắng mặt trời tỏa xuống, làm má của những em bé lớn lên trên lưng mẹ đỏ hây hây. Những em bé, những em bé lớn trên lưng mẹ là mặt trời của mẹ, mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.
Khi thầy Khang lưng quay lại, ta thấy cả đời người đang hiện ra trước mắt.
…
Theo PHỤ NỮ SỐ