Không mấy người tù có được cái diễm phúc như anh. Cũng không có mấy người được hưởng một tình yêu kỳ khôi, cảm động như chuyện tình của một tù nhân thời chiến. Và người con gái anh yêu cũng đã phải bồi hồi đến rơi lệ khi bạn trai mình tìm cách đào thoát khỏi nhà tù đến 200 lần chỉ để nhìn tận mắt người con gái mà anh yêu mến trong đời. Có những lần, anh suýt mất mạng trước họng sung đen ngòm của lính Đức quốc xã khi bọn chúng bắn vãi đạn về phía các tù nhân.

Liều mạng 200 lần để gặp bạn gái

Chuyện kể rằng, Horace Greasley là một người lính Anh đã có lần suýt chết khi tìm cách đào thoát đến trại tù nơi đang giam giữ bạn gái của anh, chỉ để gặp mặt người yêu. Bọn lính Đức phát hiện, bắn về phía Horace nhưng run rủi làm sao, trời đã không nỡ cướp đi mạng sống của anh bởi những phát đạn oan nghiệt dưới bàn tay tàn bạo của lính Đức Quốc xã.

Hai người bị nhốt ở hai trại tù khác nhau, và nỗi nhớ thương người bạn gái hiền hậu luôn cháy bỏng trong con tim của Horace Greasley. Không một giây phút nào anh có thể quên đi hình dáng người con gái mà anh yêu mến. Quyết tâm gặp bạn có nghĩa là sẽ chấp nhận đánh đổi mạng sống, nhưng Horace Greasley nào có sá gì hiểm nguy. Luôn chực chờ những cơ hội khi bọn lính Đức lơ là, chểnh mảng giám sát tù nhân, Horace Greasley đã gỡ bỏ những thanh gỗ từ cửa sổ buồng giam của mình, tìm cách bò thật nhẹ nhàng dưới hàng rào dây kẽm gai nhọn hoắt. Đôi khi những cái móc sắt cứa vào da thịt Horace làm chảy máu, nhưng anh vẫn không than vãn lấy nửa lời.

Bất chấp việc có thể bị bắt lại, bị đánh đập và thậm chí đánh đổi cả sinh mạng của mình, Horace vẫn nung nấu quyết tâm gặp mặt người bạn gái Rosa Rauchback. Đã hơn 200 lần, Horace chịu đau đớn để tìm cách gặp mặt người yêu như thế. Bức ảnh khiển cả thế giới sửng sốt, ngả mũ chào Horace trước sự gan dạ phi thường của anh chính là cảnh anh đang đối mặt với “ác quỷ” SS của Đức Quốc Xã: Heinrich Himmler. Anh không chỉ chạm mặt Himmler một lần mà còn đến vài lần. Với những người khác, có lẽ Himmler chẳng thèm xem vào đâu, nhưng ánh mắt sắc lạnh của Horace khiến đến Himmler còn phải giật mình.


Chuyện tình anh chàng liều mạng 200 lần để gặp bạn gái 1
Horace đối đầu với Himmler sau hàng rào kẽm gai của trại tù.

Hiện nay, câu chuyện tình yêu phi thường của Horace Greasley đã được Hollywood chuyển thể thành một bộ phim lớn với 2 ngôi sao Robert Pattinson và Alex Pettyfer đóng vai của Horace Greasley và bạn gái.

Tình yêu phi thường được chuyển thể thành phim

Horace Greasleybị quân Đức bắt làm tù binh trong suốt thời gian quân Anh lui binh tới Dunkirk (phía bắc nước Pháp) vào năm 1940. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh khát máu, nghiệt ngã thì tình yêu đã lại nở hoa. Chàng lính trẻ Horace lần đầu tiên gặp người con gái của đời mình, Rosa Rauchback, ngay tại một trại lao động khổ sai khai thác đá cẩm thạch ở Silesia (ngày nay là Ba Lan), khi đó là một phần của Đông Đức. Tại Silesia, Rosa làm việc trong vai trò của một phiên dịch. Tình yêu của họ đã sớm nảy nở tại mỏ khai thác đá tồi tàn và bụi bặm đó.

Một thời gian sau, khi Horace Greasley bị buộc chuyển tới một nhà xưởng mới cùng các tù nhân khác, Rose đã rất buồn lòng và quyết tâm đi theo người mình yêu. Nhưng cô không có quyền để ra vào nhà giam của người yêu. Yêu đương trong nỗi cồn cào và nhung nhớ, hằng đêm sau khi các tù nhân ngủ say, trại giam trở nên yên ắng và bớt đi sự quản thúc của đám lính Đức, Horace Greasley, khi đó mới 21 tuổi, đã bất chấp mạng sống của mình để thoát ra khỏi buồng giam nhằm gặp gỡ bạn gái.

Trong vòng 2 năm rưỡi sau đó, Horace Greasley thường xuyên trốn đám lính gác để hò hẹn với Rosa tại một nhà nguyện. Họ đã tâm sự trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nhiều khi không diễn đạt hết những điều thầm thương trộm nhớ. Sau những lần gặp ngắn ngủi, Horace thường cầm theo thức ăn mà Rosa dấm dúi gửi cho, tìm cách về lại buồng giam của mình và sau đó đem số thức ăn ít ỏi này để phân phát cho những bạn tù đang dần kiệt sức vì đói.

Trong những lần đào thoát khỏi buồng giam, Horace thừa cơ hội cùng người yêu đào thoát đến một nơi nào đó, nhưng để làm gì khi những quốc gia bao bọc quanh đó đều có khuôn mặt “thần chết” của lính Đức quốc xã chiếm đóng.

Một lần nọ, trước sự sửng sốt của bọn sĩ quan Đức, Horace Greasley ung dung mang bộ xương ốm o của mình tiến đến trước mặt Heinrich Himmler chỉ cách một bờ rào dây kẽm gai và đưa ra yêu cầu cung cấp nhiều thực phẩm hơn cho các tù binh đồng minh. Cuộc đối đầu có một không hai này may mắn được ghi lại bởi ống kính của một phóng viên chiến trường Đức và chẳng mấy chốc sau đó, bức ảnh hiếm hoi này đã trở thành một trong những biểu tượng của chiến tranh.

Horace Greasley xuất thân từ Ibstock (Anh). Anh đã sống dưới bàn tay máu lạnh của quân thù cho mãi đến khi được giải phóng khỏi cùm kẹp vào ngày 24/5/1945. Tình yêu thời chiến vẫn theo đuổi đến thời bình. Horace Greasley tiếp tục nhận được những bức thư tình nồng nàn từ người bạn gái chung thủy Rosa Rauchback, khi đó đang làm phiên dịch cho người Mỹ. Nhưng oái oăm và oan nghiệt thay khi con người kiên cường không chịu gục ngã ngay trong thời chiến lại có kết cục bất hạnh trong thời bình. Horace đau đớn nhận tin Rosa qua đời sau khi sinh đứa con đầu lòng chỉ một thời gian sau khi ông trở về nhà. Horace Greasley cũng không biết tin tức gì về đứa bé sơ sinh bất hạnh đấy.

Một thời gian sau khi Rosa qua đời, được sự động viên của bạn  bè về một mái ấm mới, Horace Greasley đã đồng ý kết hôn với bà Brenda. Hai vợ chồng dời đến sống Costa Brava (Tây Ban Nha). Horace Greasley đã sống hạnh phúc ở đó cho đến khi qua đời cách đây 2 năm, thọ 91 tuổi. Chuyện tình nồng nàn và bi kịch của Horace Greasley được viết thành một cuốn sách mang tựa đề “Chim có hót trong địa ngục?” được viết bởi Ken Scott, nhà văn chuyên viết truyện ma, vào năm 2008.

Hãng Silverline Productions (Mỹ) đã mua bản quyền cuốn sách và thuê nhà sản xuất Stratton Leopold đưa nó lên màn ảnh rộng. Ken Scott nói: “Tôi có thể nói rằng bộ phim sẽ là một sự kết hợp của các nam diễn viên  gốc Đức và Anh; họ là những ngôi sao hoàn hảo. Giám đốc phim đang lựa chọn 2 nhân vật chính. Cuối cùng người xem sẽ ngạc nhiên khi khám phá chuyện tình yêu rực rỡ của Horace trên màn ảnh rộng”.

Bộ phim dự kiến sẽ bắt đầu bấm máy ở Bắc Ba Lan vào mùa xuân 2013. Những cảnh quay khác dự kiến sẽ được bấm máy ở Pinewood Studios (Anh) và ở Hollywood.