Trên con đường đời, sự quan tâm không ngừng dành cho nhau luôn là điều quý giá nhất. Câu chuyện về người đàn ông ngoài 70 tuổi chăm vợ - Bà Nguyễn Thị Hợi, 8 năm ở xóm chạy thận đã chứng minh điều đó.
Ông đã vượt qua khó khăn để chăm sóc người vợ của mình trong cuộc hành trình chạy thận đầy thử thách.
Hai vợ chồng già gắng gượng vượt qua bệnh tật
Những ngày giữa tháng 4, trời Hà Nội càng trở nên nồm ẩm. Xóm chạy thận nằm trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị càng xộc lên mùi ẩm mốc của rêu phong. Trong căn nhà chưa đầy 10m2 mà mùa đông thì lạnh co ro còn mùa hè thì nóng như lò than, ông Cao Văn Diệm (ngoài 70 tuổi) vẫn miệt mài hàng ngày chăm sóc cho vợ mình.
Bà Hợi kể, đầu những năm 90 bà phát hiện mình mắc bệnh suy thận nhưng ngày đó gia đình còn nghèo, vợ chồng bà tằn tiện chỉ lên bệnh viện những lúc nào thật cần thiết. Cho đến năm 2015 khi bệnh tình trở nặng, bà quyết định rời quê của mình là huyện Ứng Hoà vào nội thành để chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai.
Năm 2020 khi sức khỏe của bà suy giảm nhiều không thể làm được các công việc lặt vặt nữa, ông Diệm đã bỏ công việc làm nông ở quê để dành toàn thời gian lên đây chăm sóc bà.
Dù có 3 con gái nhưng bà Hợi ít khi nhờ cậy đến họ, bởi bà biết con gái lấy chồng còn trăm nghìn thứ phải lo toan: "Các con gái đã có gia đình đều bận rộn chăm lo cho cháu, lo cho bố mẹ nhà chồng, bố mẹ đẻ thì hạn chế thôi…"
Tâm sự về những tháng ngày chăm bà, ông Diệm bảo gia đình phải tiết kiệm từng đồng một. Vì tiền thuê nhà hàng tháng là 1,3 triệu, thêm điện nước hơn 2 triệu/ tháng. Mỗi ngày hết 60-70 nghìn tiền ăn. Con cái hàng tháng mỗi đứa gửi 1 ít, rồi vay mượn thêm người thân làng xóm để sống qua ngày.
Không những vậy, chi phí thuốc và chăm sóc y tế rất nhiều. Mỗi lần đi mua thuốc là tiền trăm, tiền triệu. Chưa kể chi tiêu cho dịch vụ y tế như xét nhiệm, máy móc, … nỗi lo về tiền bạc đang ngày ngày gây áp lực lên cho cả ông và bà khi tuổi đã xế chiều.
Xung quanh xóm chạy thận, mọi người cũng đều khó khăn và sống hoàn cảnh nên ông bà phải tự túc, có xin cũng chỉ xin một lần. Nên ông bà ăn uống rất dè dặt, tiết kiệm, thi thoảng hiếm lắm mới có một miếng thịt để ăn.
Ân cần chăm bà không để con cái phải lo
Kể về người vợ bao năm đầu ấp tay gối, ông Diệm càng trở nên trầm tư. Ông biết bệnh tình của bà đang ngày càng trở nặng nên phải thực hiện chạy thận tuần 3 lần vào thứ 2,4,6 để duy trì sức khỏe.
Ông biết mình đã hơn 70 tuổi, sức khỏe cũng chẳng còn làm được gì nhiều nhưng ông không ngần ngại bất kể điều gì để chăm sóc cho bà có thể khỏe lên.
Với những người cao tuổi, phải đợi chạy thận ở bệnh viện thực sự là một khó khăn đối với ông bà Hợi. Đôi khi thời gian đợi có thể rất dài, đặc biệt là khi bệnh viện đông đúc hoặc có nhiều bệnh nhân cần được chăm sóc. Việc chờ đợi lâu và dẫn đến sự bất tiện, căng thẳng và vô cùng mệt mỏi cho cả ông và bà
"Có lúc chạy thận nó khoẻ, lúc trái nắng trở trời thì mệt, khó chịu lắm… trời nắng còn đỡ. Trời mưa thì…nhức chân, nhức tay, khổ lắm! Đêm hôm nó ngứa ngáy, nhức chân, nhức tay, buồn bã không thể nào mà ngủ được…" bà tâm sự.
Không chỉ bị bệnh thận, bà Hợi còn bị rất nhiều bệnh như bệnh tim, huyết áp không ổn định, đau nhức đầu và người,...kèm theo việc uống nhiều thuốc nên người bà hay nóng, ngứa, ruột gan trong người nó cứ bùng nhùng ra. Đôi khi khó chịu bà hay cáu gắt vô cớ, nhưng ông vẫn nhẫn nhịn bên cạnh bà, tận tình chăm sóc, để ý đến bà từng chút một.
"Tôi cũng được ông chăm nên nó cũng đỡ bao nhiêu rồi… được cái có ông, ông chăm được nên cũng mừng…", bà Hợi chia sẻ
Đằng đẵng 3 năm lên Hà Nội, sáng nào ông cũng dậy từ sớm để lo bữa sáng cho bà, dù thiếu thốn nhưng ông thường nấu thay đổi món ăn để bà dễ ăn, sợ bà mệt nên ông hay xoa chân tay cho bà. Bà mệt nằm nghỉ thì ông luôn ngồi cạnh để hỏi han.
Hôm nay trời hửng nắng, ông tranh thủ đi giặt, phơi quần áo cho nhanh khô, nhìn đồng hồ đã hơn 11h, ông lại tất bật ra đầu ngõ mua ít dưa, một chút thịt để về cải thiện cho bà.
Tranh thủ xong bữa, bà đang nằm nghỉ ông Diệm lại nhẹ nhàng ra bể nước rửa bát đũa và quét dọn căn phòng. Ông bảo chẳng mấy khi ngủ trưa cả, bình thường xong hết việc ông lại ngồi phía cuối giường trông cho bà ngủ và chờ đến giờ gọi bà dậy để sang viện.
Cứ như thế bất kể mưa nắng, ông lặp đi lặp lại vòng tuần hoàn đó. 2h chiều đưa bà qua viện rồi tranh thủ về nhà chuẩn bị bữa cơm chiều đem qua cho bà ăn đúng bữa. Kết thúc buổi chạy thận đã 7h tối, ông lại thuê xe ôm cho bà về trước rồi mình đi bộ về sau.
"Chỉ mong rằng làm sao để bà không mệt mỏi và đỡ bệnh được phần nào là tôi đã vui rồi. Vươn lên chính mình khó khăn lắm, không vươn được tại vì tôi có tuổi rồi…hơn 70 rồi", ông xót xa chia sẻ.
8 năm đồng hành với nhau để chống lại bệnh tật, 3 năm ông bỏ quê lên Hà Nội chăm sóc bà, quãng thời gian đó khó có thể nói hết những vui buồn, những lúc sóng gió. Bà Hợi chỉ mong làm sao cho nhanh khoẻ qua khỏi nỗi đau trong mình và cùng ông đi cho trọn vẹn chặng đường tình nghĩa. Bà không nói nhiều về ông nhưng bà biết, những tình cảm ông dành cho mình có lẽ đẹp hơn tất cả những lời tụng ca.