Trong một xã hội cũ, chuyện đàn ông danh giá chấp nhận lấy một phụ nữ xuất thân thấp kém rất hiếm hoi. Tuy nhiên, đôi khi vì tình yêu, con người ta sẽ làm được nhiều điều phi thường, đạp lên mọi dư luận để thỏa mãn cái được gọi là hạnh phúc trong sâu thẳm trái tim.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ của hai mảnh đời không hề liên quan
Phan Ngọc Lương vốn có tên khai sinh là Dương Tú Thanh, sinh ra trong một gia đình nghèo ở Dương Châu. 2 tuổi, bà mồ côi cha, em gái cũng mất. Lên 8 tuổi, người mẹ cũng lâm bệnh và qua đời. Khi đó, bà được người chú nhận nuôi.
Năm bà 14 tuổi, người chú ruột này bài bạc nợ nần khắp nơi và lừa bán cháu cho một nhà thổ có tên Vĩnh Lệ Viện ở Giang Tô. Tại đây, mỗi cô gái đều phải có một “nghệ danh” cho riêng mình. Từ đó trở đi, mọi người gọi bà là Ngọc Lương.
Dù bị biến thành “gái làng chơi” nhưng bà từ chối tiếp khách. Cũng may nhờ giọng ca đẹp, bà nhận được phần nào sự ưu ái của chủ nhà thổ không ép buộc phải cùng khách qua đêm và phục vụ chuyện ân ái.
Tuy vậy, chưa bao giờ bà từ bỏ ý định trốn chạy. Ngọc Lương bỏ trốn đến 10 lần nhưng vẫn bị bắt về. Bà cũng từng treo cổ, thà chết để bảo toàn sự trong sạch.
Năm 17 tuổi, bước ngoặt cuộc đời đến với Ngọc Lương. Bà tham gia hát trong một tiệc rượu của các thương nhân máu mặt nhất huyện. Nhân vật chính của bữa tiệc là Phan Tán Hóa - giám sát hải quân mới.
Đối diện với toàn những nhân vật “tai to mặt lớn”, bà ngồi một góc và bắt đầu hát ca khúc của mình. Nó là bài hát về khao khát tự do, hạnh phúc có ca từ rất thiết tha, xúc động.
Phan Tán Hóa vô cùng ấn tượng với ca khúc cùng giọng ca trong trẻo nhưng đầy bi thương. Một lúc sau, ông tiến đến vị trí của Ngọc Lương cất tiếng: “Ca từ này viết về ai?”. “Một người phụ nữ có cùng số phận với ta”, Ngọc Lương trả lời.
“Là ai? Ta có thể được biết không?”, vị khách sang trọng hỏi lại.
Ngọc Lương vẫn lạnh lùng: “Cô ấy là một kĩ nữ ở triều đại Nam Tống”.
Thấy vị giám sát trẻ tuổi nói chuyện với cô gái nhà thổ, những thương nhân đều chú ý. Đêm đó, một người giàu có gửi Ngọc Lương đến chỗ ở của Phan Tán Hóa.
Ban đầu, Phan Tán Hoa không thích hành vi kiểu này nhưng ông thương cảm cho số phận cô gái trẻ. Ông rõ nếu bị trả lại, cô sẽ chịu hình phạt khủng khiếp. Bởi vậy, ông thở dài, và yêu cầu bà đến vào ngày hôm sau. Đó là lần đầu tiên, một người đàn ông có lòng tốt xuất hiện trong cuộc đời Ngọc Lương.
Ngày hôm sau họ đi dạo và trò chuyện. Khi kết thúc, Phan Tán Hóa đưa bà về lại sân nhà thổ. Bất ngờ, Ngọc Lương quỳ xuống cầu xin ông hãy cứu lấy cuộc đời mình. Bà muốn thoát khỏi đây, bà không muốn dẫm lên vết xe đổ của những người phụ nữ trong đó.
Phan Tán Hóa bất ngờ nhưng nhận ra rằng, chỉ bằng một hành động của mình, cuộc đời cô gái trẻ sẽ được cứu. Ông đưa cô gái tội nghiệp đi theo và nhường lại phòng ngủ của mình. Ông đến thư phòng đọc sách suốt một đêm.
Sáng hôm sau, Tán Hóa xuất hiện và nói rằng Ngọc Lương được tự do, hãy đi đến nơi nào mà bà muốn. Ngọc Lương bật khóc và quỳ xuống cầu xin thảm thiết. Bà coi đây là một sự đánh cược của số phận, tin tưởng rằng đi theo Phan Tán Hóa sẽ khiến cuộc đời mình thay đổi nhiều hơn.
“Trở lại quê nhà tôi chẳng còn ai nữa cả. Tôi không muốn nhảy từ hố lửa sang vũng nước. Ông có thể cho tôi đi theo, tôi sẽ phục vụ ông suốt đời”, bà cầu xin.
Thương cảm cho số phận cô gái trẻ, ông gật đầu đồng ý.
Đám cưới có 2 vị khách mời và hành trình rèn giũa vợ thành thiên tài
Phan Tán Hóa đã có vợ từ trước. Đó là người phụ nữ do gia đình hai bên sắp đặt cho ông - một cuộc hôn nhân không tình yêu. Những năm đầu thế kỷ 20, chuyện đàn ông cưới vợ lẽ là bình thường. 1 năm đồng hành cùng nhau, Phan Tán Hóa và Ngọc Lương nảy sinh tình yêu lúc nào không hay. Vào mùa Thu năm 1913, ông chính thức cưới Ngọc Lương về làm vợ tại một khách sạn ở Thượng Hải.
Khách mời hôm đó chỉ có đôi vợ chồng bạn thân nhất của Phan Tán Hóa là Trần Độc Tú. Ngay đêm tân hôn, Ngọc Lương tự đổi họ mình thành họ Phan như chồng và cảm ơn người đàn ông không vì những định kiến xã hội mà coi thường bà.
Ngày ngày thấy cuộc sống của vợ quá buồn chán, Phan Tán Hóa tự tay đi mua bút, giấy mực để khuyến khích vợ học vẽ. Ông còn mời một thầy giáo ngay nhà bên để dạy cho bà những bài học đầu tiên.
Ai ngờ, Ngọc Lương lại rất có năng khiếu về mỹ thuật. Vài năm sau, bà thi đỗ Học viện Mỹ thuật Thượng Hải với điểm số cao nhất. Tuy nhiên, các sinh viên thời đó phản đối vì “không muốn chung trường với gái nhà thổ”.
Phan Tán Hóa vào cuộc, yêu cầu lấy lại sự công bằng cho vợ mình, cuối cùng Phan Ngọc Lương trở thành nữ sinh viên đầu tiên của Học viện Mỹ thuật Thượng Hải.
Một thời gian sau, bà có thai nhưng không may bị sảy thai. Đứng trước nhiều sự mỉa mai, chỉ trích, bà hiểu rằng quá khứ của mình không thể được gột rửa. Nếu sinh con ra, nó sẽ phải chịu đựng những cay đắng do cuộc đời đen tối của mẹ mà thôi.
Ngọc Lương biết về vợ cả của chồng và nhân danh chồng, bà viết một bức thư yêu cầu vợ cả từ quê nhà đến Thượng Hải sinh sống. Sau đó, bà nhường phòng ngủ chính cho vợ chồng họ, mình dọn sang một căn phòng khác.
Không muốn bản thân lâm vào nhiều tình huống khó xử của chuyện “một ông hai bà”, Phan Ngọc Lương đồng ý sang Pháp du học theo lời đề nghị của Học viện Mỹ thuật Thượng Hải.
Phan Tán Hóa không muốn ngăn cản bước chân của vợ. Miễn là bà muốn, ông sẽ ủng hộ. Khi chia tay, cả hai đứng rất lâu ở bến tàu Hoàng Phố, Phan Tán Hóa lấy một sợi dây chuyền vàng và đeo vào tay vợ. Mặt dây chuyền có hình trái tim, bên trong dán bức ảnh của cả hai. Tình cảm được gói gọn tròn trịa vào trong đó.
7 năm sau, bà về nước và mở triển lãm tranh. Tuy vậy, một tác phẩm tranh khỏa thân của bà bị công chúng cho là nhắc đến quá khứ làm “gái làng chơi” năm xưa. Áp lực dư luận mạnh mẽ khiến bà kiệt sức. Dù Phan Tán Hóa hết mực an ủi, bà vẫn quyết tâm sang Pháp lần nữa.
Hai vợ chồng chia tay ở bến Hoàng Phố, ông đưa cho bà một chiếc đồng hồ bỏ túi theo mình suốt nhiều năm. Họ bịn rịn hẹn ngày gặp lại nhưng đâu ngờ đây là lần cuối cả hai gặp gỡ.
Dù xa cách ngàn dặm nhưng đôi vợ chồng vẫn thường xuyên viết thư kể về cuộc sống thường ngày. Phan Tán Hóa còn gửi nguyên liệu làm bánh tráng sang vì đó là món mà vợ ông thích nhất.
Những tháng năm ở Pháp, Ngọc Lương đã đạt đến đỉnh cao của sự thành công trong mỹ thuật. Bà là người đầu tiên được nhận vào Học viện Hội họa Hoàng gia Rome, Ý, giành giải thưởng Dolly của Đại học Paris. Bà tổ chức triển lãm cá nhân ở nhiều quốc gia và có đến hơn 20 giải thưởng cao quý khác.
Thời gian ấy, có một người đàn ông giàu có đã mê mẩn và đồng hành cùng bà những tháng năm ở đây. Ông tổ chức triển lãm cho Ngọc Lương ở nhiều quốc gia. Tuy vậy, tình yêu cho chồng quá sâu sắc khiến bà chẳng đón nhận được tình cảm đó. Cuối cùng, họ coi nhau như tri kỉ.
Bà sống ở Pháp hơn 40 năm như vậy. Nhiều người muốn bà trở về nhưng bà vẫn chờ lời gọi từ người chồng Phan Tán Hóa. Tuy nhiên, bà không biết chồng mình đã qua đời vì bệnh vào năm 1959. Trước khi mất, ông dặn dò người nhà vẫn trả lời thư khiến bà chẳng biết được điều gì.
Năm 1961, Ngọc Lương mới biết thông tin chồng mất từ người của đại sứ quán. Lúc ấy bà đã đau lòng đến mức quẫn trí, muốn kết liễu cuộc đời nhưng bạn bè kịp thời tìm thấy và cứu chữa. Ngọc Lương sống đau khổ suốt nhiều năm sau đó vì quá thương nhớ Tán Hóa. Mất chồng, bà cũng chẳng còn lý do quay về Trung Quốc.
Năm 1977, Phan Ngọc Lương qua đời ở Paris. Trước khi mất, bà đã sắp xếp để đưa dây chuyền cùng đồng hồ bỏ túi về trao lại cho con trai của Phan Tán Hoa. Bà luôn mong mỏi những kỷ vật tình yêu được trở về với quê hương.
Đúng là một câu chuyện tình khiến người ta phải suy nghĩ rất nhiều. Họ đến với nhau từ hai thân phận cách biệt vẫn nảy sinh tình yêu, nguyện làm vợ chồng. Cuộc hôn nhân ấy tuy gần thì ít, xa cách thì nhiều nhưng vẫn khiến người ta ngưỡng mộ.
Nguồn: Sohu, Sina, Kknews