Đó chính là chuyện tình yêu đầy lãng mạn và chân thành của cô gái Việt tên Nguyễn Thanh Bình (nhân viên định phí bảo hiểm) và chàng trai người Ý tên Rasom Alessio (đầu bếp). Hiện nay họ đang chung sống hạnh phúc cùng nhau ở ngoại ô thành phố Paris (Pháp).
Cô gái Việt - Nguyễn Thanh Bình và chàng trai người Ý - Rasom Alessio
Quen nhau lúc trời tờ mờ sáng và khi nhếch nhác nhất
Khác với nhiều cặp đôi, ngày đầu tiên gặp nhau của Thanh Bình và Rasom Alessio vô cùng đặc biệt. Anh chị quen nhau lúc trời còn tờ mờ sáng chưa tỏ mặt người. Và đặc biệt, khi ấy chị Bình ở trong tình thế không thể xấu xí và nhếch nhác hơn.
Nói về ngày đặc biệt này, chị Bình kể: "Mình có một cô bạn thân. Cô bạn của mình luôn bảo ‘Ra khỏi nhà phải nhớ ăn mặc lịch thiệp, trang điểm xinh tươi. Vì thần ái tình bay lượn khắp nơi và ta có thể gặp Hoàng Tử Bạch Mã tại mỗi góc phố. Lúc đấy ta mà lại xấu xí thì làm sao chàng để ý đến ta được'. Vậy mà cuộc đời lại run rủi khiến mình va vào nửa còn lại của mình trong lúc khó có thể lôi thôi nhếch nhác hơn được nữa.
Đó là vào một ngày đầu tháng 1 năm 2011, ở chặng gần cuối chuyến du lịch bụi Nam Mỹ. Lúc đó trời mờ sáng, mưa lạnh, mình đi giày thể thao xù xì, ba lô lếch thếch, nào khăn nào mũ, lại còn trùm áo mưa lùng bùng, cùng vài trăm khách du lịch nữa mò mẫm trên những bậc thang đá vừa cao vừa hẹp, tiến tới cổng Machu Picchu. Và trong dòng người đó, mình đã gặp Alessio - người cũng khoác ba lô đi lang thang Nam Mỹ một mình".
Người phụ nữ này kể tiếp: "Ban đầu, mình chỉ nói một vài lời động viên, vài câu xã giao mà vốn liếng tiếng Tây Ban Nha rất hạn hẹp của mình cho phép. Mình thở phào khi biết chàng trai Ý ấy hoá ra cũng biết tiếng Pháp. Cuộc nói chuyện nhờ đó cũng dễ dàng và cởi mở hơn. Câu trả lời nọ nối tiếp câu hỏi kia, chúng mình nhanh chóng thấy thân thiện với nhau, dù chưa nhìn rõ mặt nhau. Con đường dài nhờ thế cũng đỡ vất vả hơn.
Lên đến nơi, chúng mình cùng nhập đoàn với một số khách du lịch khác theo một hướng dẫn viên du lịch. Ở đây, trình độ tiếng Tây Ban Nha còi cọc của mình lại càng khiến mình phải nhờ đến Alessio vì anh nói tiếng Tây Ban Nha rất tốt. Và cứ thế, dần dần, chúng mình vừa thăm quan, vừa trao đổi và tìm thấy ở nhau cùng một niềm say mê du lịch, khám phá, một quan điểm tương đồng về cuộc sống…".
Lần đầu tiên gặp Alessio, ấn tượng của chị Thanh Bình về nửa này chưa rõ. Bởi vì: "Hai đứa gặp nhau lúc trời còn chưa tỏ mặt người mà, nên mình không có ấn tượng gì nhiều về ngoại hình của Alessio. Và điều mình làm mình để ý đến anh là ngay từ hôm đó là Alessio luôn vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ người khác một cách vô tư và chân thành. Vì vậy, mình thấy tin cậy anh rất nhanh chóng.
Ngoài ra chúng mình còn rất hợp nhau khi nói chuyện về niềm đam mê du lịch, về cuộc sống nói chung. Đồng cảm có lẽ là từ đúng nhất để nói về cảm xúc của mình khi gặp Alessio. Rất nhanh chóng chúng mình thấy hợp nhau, thấy tự nhiên như khi ở bên cạnh một người đã quen thân từ lâu, một người có thể hiểu mình đúng như lời mình muốn nói, đúng như con người mình vốn thế. Một cảm giác dễ chịu hiếm có".
Sau chuyến du lịch, chị Thanh Bình về Paris, tiếp tục công việc của mình tại một công ty bảo hiểm. Còn Alessio trở về Ý. Và sau đó, họ lại gặp lại nhau khi Alessio tới Paris du lịch: "Nhân một dịp qua Paris công tác ngắn ngày, không rõ vì sức hút của Kinh đô Ánh sáng hay vì muốn bàn luận, vẽ vời tiếp những kế hoạch du lịch mà anh đã quyết định ở lại đây và đầu quân cho một nhà hàng tại trung tâm".
Cuộc sống chung hạnh phúc bên Pháp
Cho đến tận bây giờ, bản thân người phụ nữ này không bao giờ nghĩ sẽ yêu một người Ý: "Ở Pháp, trai Ý nổi tiếng đa tình và lẻo mép (xin lỗi các chàng trai Ý) nhưng Alessio thì lại không giống thế chút nào. Nhưng cũng phải nói là thời gian đầu mình cũng băn khoăn. Chúng mình may mắn là gia đình cả hai bên đều tâm lý và tôn trọng ý kiến, lựa chọn của con cái.
Vài tháng sau khi quyết định lập nghiệp ở Paris, anh đưa mình về thăm gia đình và mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Mình rất quý gia đình Alessio. Từ gia đình anh, mình cũng hiểu thêm được về anh. Có chuyện buồn cười là bố của Alessio (ông có một cửa hiệu bánh mỳ), sau một ngày thì khen mình 'Cô bé này được đấy, mời gì cũng ăn nhiệt tình, không từ chối cảnh vẻ bao giờ'.
Hè năm sau đó, mẹ mình sang Pháp chơi và nhìn cảnh anh chăm sóc mình, bà đã hoàn toàn 'tâm phục khẩu phục'. Gia đình chị gái mình, khi sang Paris chơi cũng rất quý Alessio. Và xin bật mý, anh là người yêu quý trẻ con và chơi với trẻ con rất tài. Hai gia đình chúng mình cũng đã có dịp gặp nhau hè năm ngoái, mặc dù tương đối có nhiều rào cản về ngôn ngữ (Ba mình và Mẹ anh có thể giao tiếp tương đối với nhau bằng tiếng Pháp) nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ".
Những ngày tháng yêu nhau, họ quyết định sống chung với nhau. Khi ấy, cuộc sống của cặp đôi này cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, cuộc sống của họ rất thanh bình và hạnh phúc. Ngoài áp lực công việc thì tất cả đều tất ổn.
"Cuộc sống chung khiến chúng mình sống chỉn chu hơn, có trách nhiệm với người kia và với chính bản thân mình hơn. Ngôi nhà cũng ấm cúng hơn. Chỉ riêng việc biết có người cần mình, có người chờ mình đã khiến nó không còn chỉ đơn thuần là chỗ ở mà đã trở thành bến đỗ bình yên cho chúng mình sau mỗi ngày làm việc hoặc mỗi đợt đi xa. Sống chung cũng có nghĩa là phải đặt cái "mình" vào trong khung cảnh "chúng ta", biết tìm thấy điểm dung hoà giữa hai cá tính, hai nền văn hoá. Nhưng về cơ bản, chúng mình không thấy cuộc sống của mình bị xáo trộn. Chưa kể, Alessio lại rất cởi mở, chịu khó lắng nghe khi mình nói về những vấn đề khác biệt văn hoá Đông/Tây".
Nói về người đàn ông ấy của mình, người phụ nữ trẻ này cũng tâm sự: "Trước đây, mình có một số tiêu chí cho người đàn ông của mình. Và khi gặp Alessio, những tiêu chí ấy đột nhiên chả còn ý nghiã gì nữa và mình đón nhận anh đúng như con ngừoi anh, và những cá tính của anh trở thành "tiêu chí" của mình. Về phía anh cũng vậy, anh chấp nhận đúng như mình là mình, không đòi hỏi mình thay đổi, không yêu cầu mình phải xinh đẹp hơn hay hiền dịu, đảm đang hơn. Dĩ nhiên, cuộc sống chúng khiến chúng mình tự thay đổi mình chút ít để hoà hợp với nhau hơn.
Điểm mình đánh giá cao nhất ở Alessio, từ ngày đầu tiên cho tới giờ, là tính phóng khoáng, hoà sảng của anh. Anh cũng luôn rộng lượng và sẵn sàng giúp đỡ mọi người một cách nhiệt thành, vô tư. Chỉ riêng điều đó đã đủ để chinh phục mình, khiến mình tin tưởng anh vô cùng và bỏ qua cho các tính xấu của anh như hay vứt đồ bừa bãi khiến mình thỉnh thoảng giặt quần áo xong lại tìm ra một đống đồ bẩn...".
Chẳng thế mà từ khi yêu đến khi sống chung hiện nay, anh chị vẫn chưa một lần to tiếng cãi vã: "Mình vẫn hay nói đùa là chúng mình yêu nhau khá nhạt nhẽo, chả ghen tuông hờn giận, cãi vã gì bao giờ. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng cáu kỉnh nhau cũng có. Tuy nhiên, cả hai đều tự biết rằng lời nói có thể làm tổn thương nhau rất nhiều, nên đều cùng kiềm chế, không bao giờ nặng lời và đều cùng giảng hoà nhanh chóng".
Chuyến hành trình 18 tháng trở về "quê vợ" Việt Nam
Gặp nhau và nên duyên tại Pháp, tình yêu của cặp đôi Việt - Ý này đã vượt qua rào cản quốc tịch, ngôn ngữ và văn hóa. Và vì yêu văn hóa Việt, nên cặp đôi này đã quyết định bỏ lại những công việc đang có ở Pháp để sang Việt Nam sống và làm việc.
Động lực để họ ra quyết định táo bạo như vậy là vì: "Lần đầu tiên mình mời cơm Alessio cũng trùng vào Tết Việt Nam. Thế là mình mời anh bánh chưng, với lời dặn là nếu không thích, hoàn toàn có thể bỏ lại. Thế rồi mình ngạc nhiên lắm khi anh ăn hết bay, lại còn ăn thêm và luôn miệng khen ngon.
Hầu như món Việt nào anh cũng thích, từ xôi, bánh cuốn tới bánh xèo, canh măng, bún chả… Rồi thỉnh thoảng mình lại kể về các đặc sản vùng miền ở Việt Nam nên Alessio càng nôn nóng tới ngày sang Việt Nam lắm. Thực ra anh luôn bị cuốn hút bởi văn hoá, nền ẩm thực châu Á và muốn thử sức mình ở vùng đất này. Vì vậy dần dần, kế hoạch tới Việt Nam (hay là trở về, đối với mình) hình thành một cách tự nhiên. Dĩ nhiên kế hoạch này đòi hỏi phải từ bỏ hoàn toàn cuộc sống hiện tại, nơi chúng mình đã tạm có vị trí của mình và bắt đầu lại từ đầu nhưng chúng mình đều rất hào hứng".
Người phụ nữ này còn chia sẻ thêm: "Kế hoạch này nảy sinh đồng thời với kế hoạch về niềm đam mê chung của chúng mình: du lịch. Và thế là chúng mình quyết định, trước khi về Việt Nam bắt đầu cuộc sống mới sẽ cùng nhau du lịch một chuyến thật dài. Phương án tốt nhất là lên đường về Việt Nam bằng đường bộ, khám phá những vùng đất nằm giữa "hiện tại và tương lai" của chúng mình: Pháp và Việt Nam".
Chính vì thế, cặp đôi này đã lên một kế hoạch về hành trình đạp xe đạp từ Paris về Việt Nam vào tháng 9 tới. Dự kiến chuyến đi sẽ kéo dài 18 tháng để về tới thành phố Hồ Chí Minh.
Gặp nhau và nên duyên tại Pháp, tình yêu của cặp đôi Việt - Ý này đã vượt qua rào cản quốc tịch, ngôn ngữ và văn hóa.
Chia sẻ về chuyến đi này, chị kể: "Đi xe đạp là ý tưởng của Alessio. Và anh đã phải tốn một số thời gian để thuyết phục vì mình rất ghét thể thao. Chuyện đạp xe cả mười mấy ngàn km đối với mình thật kinh khủng và điên rồ, không tưởng tượng nổi nên mình phản đối ngay tắp lự. Vậy là theo kế hoạch ban đầu, chúng mình dự định xách ba lô đi bụi, sử dụng các phương tiện công cộng như tầu hoả, xe bus...
Thế rồi mưa dầm thấm lâu. Alessio mua xe đạp cho mình, ban đầu để đi từ nhà ra ga cho tiện. Rồi mình đạp ra ga xa hơn, và một ngày mình đạp tới văn phòng cách nhà 10km và thấy thật dễ dàng, lại còn dễ chịu nữa. Thế rồi từ đó, chúng mình hầu như chỉ đi lại bằng xe đạp, trời nắng cũng như trời mưa, trời lạnh cũng như trời nóng. Rồi một ngày, mình gặp một chị người Pháp, đi xe đạp một mình từ Bangkok về tới Paris. Trao đổi với chị, mình vừa ngưỡng mộ vừa cảm thấy thử thách ấy trở nên khả thi và hấp dẫn. Và mình đồng ý bắt tay xây dựng hành trình trở về cho chuyến đi bằng xe đạp.
Và thế là tháng 9 ngày, kỉ niệm 14 năm ngày mình đặt chân tới Pháp, chúng mình sẽ khởi hành chuyến đi ngược lại. Không phải bằng máy bay mà là xe hai bánh, chạy bằng nguyên liệu gạo và mỳ. Chúng mình dự định đi qua 17 nước: Pháp, Nam Âu, Trung Đông, Trung Á, Bắc Á và dĩ nhiên điểm đến cuối cùng là Việt Nam. Chuyến đi chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thử thách nhưng cũng hứa hẹn nhiều điều tuyệt vời và hi vọng sẽ càng làm chúng mình gắn bó với nhau hơn. Và cả hai đã tự đặt tên cho hành trình của mình là Rolling Potatoes - Những củ khoai lăn".
Vì kế hoạch dài hơi, nên anh chị Thanh Bình và Rasom Alessio đã phải lên kế hoạch chuẩn bị dần dần từ lâu nay: "Từ rèn luyện thể lực tới tiết kiệm, lên kế hoạch… Về thể lực, ngoài chuyện đạp xe hàng ngày, tới cuối tuần, có thời gian chúng mình cũng tới sân vận động hoặc đạp ra ngoại ô để luyện tập. Có những hôm chúng mình đạp cả tới trăm cây số. Hàng tháng chúng mình tiết kiệm, túc tắc mua đồ cho chuyến đi, mỗi lần sắm một món đồ là có một niềm vui nho nhỏ cho cả hai. Chuyện lên kế hoạch đường đi cũng tốn thời gian vì phải tìm hiểu thông tin từng nước. Rất may những chuyến đi như chúng mình không phải là hiếm nên chuyện tìm hiểu thông tin thông phải quá khó khăn".
Để chuẩn bị cho chuyến hành trình dài trở về Việt Nam bằng xe đạp, lâu nay anh chị đã luôn chú ý rèn luyện thể lực
Hiện, càng gần đến ngày khởi hành chuyến đi tình yêu này, cặp đôi Thanh Bình và Rasom Alessio càng lo lắng và phấn chấn: "Lo lắng vì chuyến đi đúng là đòi hỏi nhiều công sức đầu tư trước khi đi nhưng những thử thách thực sự vẫn còn đang ở phía trước, lo lắng không biết những gì mình chuẩn bị đã đủ chưa, liệu có bất trắc gì không… Nhưng cũng rất phấn chấn vì sắp thấy kế hoạch đã chuẩn bị bao lâu sắp thành hiện thực, vì sắp được khám phá bao nhiều thú vị, bao nền văn hoá giàu bản sắc, gặp gỡ bao người, học hỏi thêm được bao điều. Điều khó khăn nhất với mình có lẽ là mình biết chuyến đi này của mình sẽ làm mẹ lo lắng rất nhiều. Mẹ chỉ muốn chúng mình bay về ngay với mẹ thôi. Nhưng mình tin mọi việc sẽ ổn".