Vào những năm 1980, thế giới từng xôn xao trước chuyện tình của Shi Pei Pu (Thời Bội Phác), gián điệp Trung Quốc giả gái, cặp kè với kế toán đại sứ quán Pháp Bernard Boursicot để khai thác thông tin. Đáng nói hơn, người đàn ông này có thể che đậy giới tính thật của mình trong suốt 20 năm qua lại với người tình, thậm chí còn "sinh con". Câu chuyện ly kỳ này khiến ai nghe qua cũng không tránh khỏi sự bất ngờ.
Thời Bội Phác xuất thân từ gia đình trí thức có bố là giáo sư đại học và mẹ cũng làm công việc "gõ đầu trẻ". Ông lớn lên ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam và được học tiếng Pháp sau khi tốt nghiệp đại học Vân Nam chuyên ngành văn học. Từ năm 17 tuổi, Thời Bội Phác đã bắt đầu theo đuổi đam mê ca hát bằng cách gia nhập đoàn hát kinh kịch Bắc Kinh đồng thời dạy tiếng Hoa cho các nhà ngoại giao.
Về phía Bernard Boursicot từ thời sinh viên đã phát triển xu hướng tính dục khác biệt khi thường xuyên qua lại với các nam sinh. Vào tháng 12/1964, ông khi đó chỉ mới 20 tuổi đã gặp được Thời Bội Phác, 26 tuổi, trình diễn trên sân khấu trong trang phục nam giới. Ngay từ lần chạm mặt đầu tiên, cả hai đã nhanh chóng phải lòng nhau trước khi gặp lại nhau trong một buổi hẹn hò đúng nghĩa.
Lúc này, Thời Bội Phác tiết lộ với Bernard rằng ông thực chất là giới tính nữ, bị buộc phải sống cuộc đời của một người đàn ông để thỏa mãn khao khát sinh con trai của bố. Chẳng biết vì lý do gì mà Bernard hoàn toàn bị thuyết phục, không hề mảy may nghi ngờ. Một thời gian, họ chính thức trở thành một cặp nhưng tuyệt nhiên giấu kín mối quan hệ ấy bởi việc một nhân viên đại sứ quán Tây lại đi "cặp kè" với một người Trung Quốc không hề hay ho chút nào.
Cũng giống như những cặp đôi khác, tình yêu của Bernard và Thời Bội Phác cũng bao gồm cả tình dục. Vậy nhưng, những lần quan hệ của họ luôn diễn ra trong tình trạng gấp gáp, lén lút và chỉ "yêu" trong bóng tối. Chính điều này khiến Bernard không thể phát hiện ra sự khác biệt của Thời Bội Phác với những người phụ nữ đích thực.
Đáng tiếc, giấy không thể gói được lửa, mối quan hệ của Bernard và Thời Bội Phác bị chính quyền Trung Quốc phát hiện. Lúc này, chàng thư ký người Pháp phải giao nộp một số thông tin mật để được tại ngoại và rời khỏi Trung Quốc.
Sau này, Bernard thỉnh thoảng vẫn sang Trung Quốc thăm Thời Bội Phác dù trong lúc đó, ông đang qua lại với nhiều người đàn ông lẫn phụ nữ khác. Một lần nọ khi gặp lại Bernard, Thời Bội Phác đã dẫn ra một bé trai 4 tuổi và giới thiệu đó là con của họ, trên Phác Độ Độ.
Bernard và Thời Bội Phác tại phiên tòa xét xử.
Năm 1982, Bernard lúc đó đang chung sống với một người đàn ông ngoại quốc nhưng vẫn làm thủ tục bảo lãnh 2 "mẹ con" Thời Bội Phác sang Pháp đoàn tụ với ông. Một thời gian sau, Bernard và Thời Bội Phác bị chính quyền bắt giữ. Trong lúc cho lời khai, Thời Bội Phác mới thừa nhận sự thật rằng ông là nam giả nữ và thậm chí còn tiết lộ cách để giấu đi "của quý", lừa gạt người tình trong suốt nhiều năm trời. Về phía Phác Độ Độ, đứa trẻ này được Thời Bội Phác mua lại từ một người đàn bà nghèo khổ. Bản thân Độ Độ cũng biết được việc này nhưng chấp nhận bởi vì 2 mẹ con đã đến đường cùng.
Không chấp nhận sự thật rằng người phụ nữ đầu ấp tay gối suốt 2 thập kỷ với mình là 1 người đàn ông, Bernard đã cố gắng tự tử bằng cách cắt cổ nhưng may mắn được cứu sống. Vào năm 1986, Bernard và Thời Bội Phác nhận về mỗi người 6 năm tù giam vì các tội danh liên quan đến công việc làm gián điệp. 1 năm sau đó, cả 2 lần lượt được phóng thích.
Sau đó, Thời Bội Phác tiếp tục công việc ca hát nhưng hạn chế nhắc đến chuyện tình trong quá khứ với Bernard. Trong một số dịp hiếm hoi, ông thừa nhận bản thân bị thu hút bởi nam lẫn nữ giới nhưng chuyện đó không hề quan trọng. Đáng nói hơn là Thời Bội Phác và Bernard vẫn giữ liên lạc với nhau. Thậm chí vài tháng trước khi qua đời vào năm 2009 ở tuổi 70, Thời Bội Phác còn thừa nhận rất yêu Bernard. Đáng tiếc sau tất cả mọi sự lừa dối, Bernard đã không thể tin tưởng Thời Bội Phác thêm một lần nào nữa, đến dự đám tang của người tình cũ cũng không muốn tỏ vẻ buồn rầu.
Câu chuyện của Thời Bội Phác trở thành nguồn cảm hứng cho biên kịch David Henry Hwang viết nên vở kịch M. Butterfly (Tạm dịch: Ngài bươm bướm) và được trình diễn trên sân khấu Broadway vào năm 1988.
Năm 1993, M. Butterfly được dựng thành phim điện ảnh cùng tên.
(Nguồn: Tổng hợp)