Mới đây Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức chuyển lên thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, một số trường ĐH khác cũng đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình để trở thành đại học như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y Hà Nội.

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trong kế hoạch 5 năm tới, trường có định hướng chiến lược để trở thành đại học và sẽ có ít nhất 3 trường thành viên là: Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ. Trong đó, định hướng cơ bản của Trường Khoa học công nghệ là nghiên cứu và đào tạo về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh tế, kinh doanh và quản lý.

Trường ĐH Cần Thơ cũng đã công bố việc thành lập 4 trường, 1 khoa và 1 viện mới, trên cơ sở các đơn vị hiện có gồm Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm. Mặt khác, Trường ĐH Cần Thơ cũng đang xúc tiến thủ tục thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc phát triển Trường Đại học Cần Thơ thành “Đại học Cần Thơ”.

Chuyển từ trường đại học lên đại học: Cần thực chất, tránh háo danh - Ảnh 1.

ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức chuyển từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lên ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, điều kiện để trường đại học chuyển thành đại học là: Đạt công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học, có ít nhất 3 trường trực thuộc, ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 sinh viên, có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập, có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, khi các trường chuyển thành đại học đa lĩnh vực, điều được kỳ vọng nhất là bộ máy sẽ gọn nhẹ hơn, ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn các môn học, hoặc các chương trình liên ngành ở các trường trực thuộc.

Dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều trường đại học top đầu đi theo mô hình này, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, đây là chính sách đúng đắn, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam với thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, khi chuyển đổi từ trường đại học lên đại học, cần kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau khi chuyển đổi, tránh việc chạy theo “mốt”, háo danh.

Ủng hộ việc các trường chuyển sang mục tiêu đa lĩnh vực, GS.TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh rằng, việc chuyển đổi đa lĩnh vực phải đích thực. Thời gian qua, vẫn còn trường hợp khi chuyển từ trường đại học lên đại học nhưng hoạt động chưa đúng với tính chất đa lĩnh vực. Nguyên nhân của việc này do việc sáp nhập mới chỉ mang tính cơ học, sự kết nối giữa các trường thành viên rất lỏng lẻo, hoàn toàn độc lập về đào tạo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thuật ngữ “đại học – trường đại học” khi dịch sang tiếng Anh bị nhiễu.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, việc nâng cấp từ trường đại học thành đại học sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Cùng với đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên. Việc thay đổi cơ cấu này mang tính cơ học, nhằm giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn. Từ đó, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo. Một đại học với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, một đại học có thể có nhiều trường đại học thành viên. Các trường thành viên này có tư cách pháp nhân, cấp bằng tốt nghiệp riêng hoặc cũng có thể chỉ là trường trực thuộc, không có tư cách pháp nhân, không cấp bằng tốt nghiệp riêng.

Hội đồng trường đại học sẽ trở thành Hội đồng đại học. Khi đó, Hội đồng đại học sẽ đề ra chiến lược phát triển tầm vĩ mô hơn, áp dụng cho cả các đơn vị thành viên.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: "Không phải cứ lên đại học là tốt hơn, quan trọng trường đó phải đủ năng lực, điều kiện, quy mô đào tạo. Các trường trung bình, nhỏ, năng lực tự chủ chưa cao thì rõ ràng mô hình đại học không phù hợp. Đặc biệt cũng không nên đánh giá trường đại học hay đại học có lợi hơn, đồng thời không coi đây là xu hướng, bởi mỗi cơ sở sẽ phù hợp với một mô hình riêng"./.