Với những thông tin ít ỏi và vô cùng hiếm hoi được lưu lại trong Đại Việt sử ký toàn thưCông chúa An Tư không rõ năm sinh năm mất, thân là con của thứ phi không rõ tên, chỉ biết nàng là con gái út của vua Trần Thái Tông, em gái vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông. 

Trong sử sách, Công chúa An Tư được gọi là Thánh Tông Quý muội (Quý muội của Thánh Tông) và cũng được gọi là Hoàng quý muội. Vì nghĩa quên thân, An Tư nàng đã phải gánh trên vai một nhiệm vụ mang tính lịch sử.

Trách nhiệm lịch sử đặt lên vai người con gái

Trong bản Ngọc phả về Công chúa Quỳnh Trân có viết: "Năm Ất Dậu, giặc Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy phạm vào Vân Đồn, Vạn Kiếp. Vua phải chạy vào Nghệ An. Triều đình bàn nhau định gả nàng cho tướng giặc để cầu thân. Nàng cự tuyệt, vua thương lại cho về chùa, rồi gả công chúa An Tư cho Thoát Hoan. [...]".

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Tháng 2 năm Thiệu Bảo thứ 7 (1285) vua sai người đưa công chúa An Tư (em gái út vua Trần Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan là muốn làm thư dãn loạn nước vậy"

Đến Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ chỉ ghi: "Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu cho quân qua sông. Quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được. Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Công chúa An Tư cho chúng, để thư nạn cho nước"

Những thông tin về công chúa An Tư chỉ dừng đến đó, không có về sau nữa. 

Cho nên, trong cuốn tiểu thuyết An Tư của Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn đã phần nào giúp người ta phần nào mường tượng những tủi nhục của nàng công chúa cao quý phải chịu khi đi cống nạp. Làm thiếp cho Thoát Hoan, nàng sống ra sao, làm được gì, những thứ đó mãi mãi bị thời gian vùi lấp.

Chuyện nàng công chúa bị sử sách "lãng quên" - Ảnh 2.

Công chúa An Tư gánh trên mình nhiệm vụ tạm cầu hòa, mang đi cống nạp cho Thoát Hoan. Ảnh minh họa.

Trong tiểu thuyết, tình lang của nàng là một nhân vật hư cấu, tên là Chiêu Thành Vương Trần Thông, con cả của Thái úy Khâm Thiên Đại vương Trần Nhật Hiệu. Người này không có trong lịch sử, nhưng tài liệu có ghi lại thời nhà Trần, cũng có "Chiêu Thành Vương" và "Trần Thông". Những người này đều ra quân với Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Và cái chết của Chiêu Thành Vương Trần Thông trong tiểu thuyết cũng được mượn ý tưởng từ sự hy sinh của Trần Quốc Toản trong lịch sử.

Mặc dù trong tiểu thuyết, mối tình của Công chúa An Tư với Chiêu Thành Vương Trần Thông khiến người ta thổn thức tiếc nuối thì trong dân gian lưu truyền một câu chuyện khác.

Tương truyền, người mà Công chúa An Tư ái mộ và thầm thương trộm nhớ lại là chàng thủy tướng tài giỏi của đất Việt là Yết Kiêu. Từ một lần chứng kiến sự oai hùng của chàng thủy tướng lao mình xuống sông giết Giao Long để hộ giá, Yết Kiêu đã khiến không chỉ An Tư mà còn các nàng công chúa khác của nhà Trần say mê. 

Tuy nhiên, khi biết Yết Kiêu một lòng thủy chung với cô lái đò, công chúa vô cùng xúc động. Khi ấy, nàng cam tâm một lòng làm trọn nhiệm vụ được triều đình giao phó. 

Tuẫn tiết 

Sau khi nhà Trần phản công thắng lợi, quân Nguyên thất bại tan tác. Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai Hốt Tất Liệt phải chui vào ống đồng bắt quân kéo tháo chạy về nước. Triều đình làm lễ khen thưởng công thần, nhưng chẳng thấy nhắc đến Công chúa An Tư. 

Trong chính sử, trận chiến ngày ấy, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản được ghi chép lại là sự kiện có thật. Còn về cái kết sau này của công chúa, chẳng có sử sách nào ghi lại. Có chăng trong cuốn tiểu thuyết của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã sắp đặt cho nàng một cái kết dưới ngòi bút nặng tình, để phần nào vơi đi chút ngậm ngùi của người con gái có số phận bi ai. 

Chuyện nàng công chúa bị sử sách "lãng quên" - Ảnh 3.

Xin mượn khoảnh khắc mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tả lại khi quân ta đánh đuổi được Thoát Hoan về nước. Lúc tiếng ca như lụt trời, quyện vào trăng sao mây gió, đầy một ý khí hào hùng thì "Nàng quay lại nấm mồ phảng phất hình người dũng cảm đã có một phần công trong những trận thắng oanh liệt nhắc trong thơ. Lời ca vẫn âm vang bên tai nàng, nàng bỗng cảm thấy có chút vui lây. Ánh trăng bàng bạc, nàng mê man như ngày ruổi ngựa cùng chàng vào Thanh. Nàng đã đến bờ sông Cái, và không ngần ngại văng mình xuống nước". 

Vậy là sứ mệnh của nàng đã hoàn thành, tấm thân trung trinh của nàng cũng đã "vì non sông xuất lực"

Trong Việt Sử tiêu án có nhắc "An Tư qua trại Thoát Hoan và không rõ kết cục ra sao". Nói như vậy, có lẽ là để nói giảm nói tránh về kết cục của một nàng công chúa bị mang đi cống nạp và khi quân giặc thua phải "chui vào ống đồng" chạy về nước thì khó có thể tươi sáng.

Chuyện nàng công chúa bị sử sách "lãng quên" - Ảnh 4.

Nơi miếu thờ Công chúa An Tư tại Cao Lãm, Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh minh họa.

Các triều đại sau này đều nhớ ơn mà sắc phong công chúa là thần hộ quốc. Trong các bản sắc phong, có bản đời Tự Đức (1849) của thôn Cao Lãm được dịch từ tiếng Hán đại ý rằng đất Cao Lãm lừng vang vị thần là công chúa triều Trần. Xưa kia, khi giặc Nguyên xâm phạm bờ cõi nước ta, chúng vơ vét sạch của cải cùng các cung nữ. 

Khi ấy, công chúa tròn tuổi 15, xinh đẹp rực rỡ, ngài cùng mười cận hầu chạy dọc bờ sông Đáy, tiến về vùng đất Sơn Minh, bị giặc đuổi ép tới thôn Khả Lãm. Không thể chống trả được quân địch, nàng tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc. Nơi nàng tử tiết nay chính là thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. 

Dân làng thương tiếc lập miếu thờ nàng. Đây cũng là một trong rất nhiều phiên bản sưu tầm được nhằm phần nào "làm rõ" cuộc đời sau này của An Tư công chúa. Dù chưa được rõ rệt và sách sử nào khẳng định nhưng đó cũng giúp người đời sau tạm "yên lòng" khi biết được cái kết của nàng công chúa "lá ngọc cành vàng" phải gả vào tay giặc. 

Dù nhà Trần và sử sách có "lãng quên" An Tư công chúa thì sự hy sinh thầm lặng của một nữ trung hào kiệt như nàng vẫn được người đời sau trân trọng và nhớ mãi.

Công chúa An Tư trong văn học

Trong chính sử, thông tin về công chúa An Tư không được viết lại nhiều. Tuy nhiên, vẻ đẹp và tài năng của nàng lại tỏa hào quang dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng trong tiểu thuyết văn học lịch sử “An Tư”.

Nhan sắc của An Tư công chúa được miêu tả “có phần xinh đẹp hơn như vầng trăng không vẩn mây mờ. Đôi mắt đen, to là một trời huyền ảo, và đôi môi khao khát là một bến đợi chờ, cổ nàng trắng, thân nàng yểu điệu, lẳn mà không thô”. “Thế gian đồn tóc công chúa đẹp, dài và đài các không có thứ mây khói nào sánh kịp”. Vẻ đẹp của nàng được ví là “một sắc đẹp say sưa quyến rũ, âm ỉ nguồn nhựa sống dồi dào và mãnh liệt của những vua tướng anh hùng, đầy bão phụ và dục vọng, đã dựng lên cơ nghiệp họ Đông A”.

Chuyện nàng công chúa bị sử sách "lãng quên" - Ảnh 1.

An Tư công chúa không chỉ có nhan sắc “đẹp nhất nước Nam” mà “vốn người nhanh nhẹn”, “trong nghề dệt cũng như trên đường kim mũi chỉ đều xuất sắc hơn người”, “đường thêu của công chúa, nồng đậm có phép”. Ảnh minh họa.

Cũng trong cuốn tiểu thuyết văn học "An Tư", Nguyễn Huy Tưởng đã phần nào tái hiện được tấm lòng trung trinh, ái quốc của nàng công chúa đang tuổi xuân xanh. Nàng thường hay thức khuya, dệt hơn trăm thước vải, không kể còn khâu được bao nhiêu quần áo cho quan quân. 

Có nàng công chúa “lá ngọc cành vàng” nào sở hữu đôi tay được dân gian ngợi ca là "mềm mại đài các nay đã giảm sắc hồng và ngón tay đã thành chai xấu xí"

Khác với những phi tần, công chúa khác, An Tư nổi tiếng khắp tam cung lục viện là “người biết nhiều tin quan trọng nhất, lại là người thông minh và hiểu rõ thời cục nhất, vả lại nàng là người nhiệt thành, không lúc nào ngã trí, nên thường thường phái cung cấm hay hỏi ý kiến nàng”

Phải chăng hình tượng công chúa được xây dựng cho An Tư của Nguyễn Huy Tưởng cũng là phần nào "hợp thức hóa" tài năng của nàng khi thực hiện thành công kế thư dãn với giặc? Dù vậy, một nàng công chúa không được mang danh hòa thân như đã nhắc, mà là cống nạp. Trên vai nàng còn nặng gánh "nội gián" cho nhà Trần thì hình tượng của nàng đẹp đẽ vô ngần và thông minh nhanh nhẹn như vậy cũng dễ hiểu.